Banner

EU: Phụ nữ đối mặt rào cản lớn để tố cáo tham nhũng

Thứ Năm, 28/10/2021, 06:54 [GMT+7]
    Năm 2021, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã khảo sát hơn 40.000 người ở 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) về nhận thức và kinh nghiệm của họ về tham nhũng. Phân tích khía cạnh giới của dữ liệu phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB) - EU cung cấp một cái nhìn sâu sắc về cách phụ nữ ở EU trải nghiệm tham nhũng trong cuộc sống hàng ngày như thế nào và những thách thức mà họ phải đối mặt khi lên tiếng chống lại tham nhũng.
 
    Chỉ 44% phụ nữ ở EU cho rằng, họ có thể tố cáo tham nhũng mà không sợ bị trả thù. Nỗi sợ hãi này được chia sẻ bởi những phụ nữ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau, không phân biệt tuổi tác, trình độ học vấn, mức độ hiểu biết hay khu vực sống ở thành thị hay nông thôn.
 
Phụ nữ đối mặt rào cản lớn để tố cáo tham nhũng
Phụ nữ đối mặt rào cản lớn để tố cáo tham nhũng
    Điều này cũng đã được chứng minh bởi trải nghiệm gần đây của những phụ nữ tố cáo tham nhũng ở châu Âu.
 
    Trong đợt COVID-19 đầu tiên, nữ hộ sinh người Ba Lan, Renata Piżanowska, phải đeo khẩu trang tự chế bằng khăn giấy và dây chun trong ca trực tại bệnh viện. Cô ấy đã đăng trên Facebook về tình trạng thiếu khẩu trang, quần áo bảo hộ và găng tay mà cơ sở phải đối mặt. Tuy nhiên, Renata bị sa thải 2 ngày sau đó.
 
    Năm 2013, Céline Boussié tố cáo, trẻ em đa khuyết tật bị ngược đãi nghiêm trọng tại một trung tâm y tế - xã hội ở miền Tây Nam nước Pháp. Trong khi các cuộc điều tra xác nhận việc trung tâm đối xử tệ với trẻ em có hệ thống, cô Boussié đã mất việc. Không chỉ vậy, chủ cũ còn đệ đơn và cô bị truy tố vì tội phỉ báng. Đến năm 2017, Boussié được Tòa án Hình sự Toulouse xóa án.
 
    Theo bà Marie Chene, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và Kiến thức (thuộc TI), việc tố cáo tham nhũng có thể khiến phụ nữ phải chịu những hình thức trả thù tương tự như những trường hợp nêu trên.
 
    Khi phải đối mặt với nguy cơ mất việc, bị chủ kiện và những hình thức trả thù khác như quấy rối, nhiều phụ nữ đã đắn đo trước khi lên tiếng tố cáo các hành vi sai trái, trong đó có vạch trần tham nhũng.
 
    Các dữ liệu cho thấy, phụ nữ ở EU lên tiếng ít hơn nam giới. Chỉ 30% các vụ việc tham nhũng được Trung tâm Tư vấn pháp luật và vận động chính sách (ALAC) của TI tiếp nhận, xử lý từ năm 2011-2021 ở EU là do phụ nữ báo cáo. Điều này phù hợp với tỷ lệ 34% phụ nữ trên toàn thế giới có khiếu nại, tố cáo tham nhũng (số liệu do các trung tâm ALAC tại các nước cung cấp).
 
    ALAC là nơi tư vấn pháp luật, bảo trợ tư pháp miễn phí và bí mật, cho nạn nhân, nhân chứng trong các vụ việc tham nhũng thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Theo bà Marie Chene, lo sợ bị trả thù không phải là lý do duy nhất khiến phụ nữ ít báo cáo tham nhũng ở EU.
 
    Tố cáo tham nhũng tốn kém thời gian và tiền bạc. Do vai trò xã hội, phụ nữ tiếp tục đảm nhận một phần không cân đối các trách nhiệm chăm sóc gia đình và việc nhà, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch. Họ có ít thời gian hơn nam giới để tham gia vào đời sống công cộng và các cơ chế trách nhiệm xã hội, trong đó có hoạt động khiếu nại, tố cáo.
 
    Tố cáo tham nhũng còn tốn kém tiền đi lại, ăn ở, nghỉ làm và trông trẻ. Các nạn nhân là nữ giới cân nhắc việc khởi kiện để đòi công lý phải đối mặt với các chi phí về tư pháp, án phí, phí đại diện, đồng thời thiếu trợ giúp pháp lý đầy đủ và hợp lý cho phụ nữ.
 
    Không phải tất cả phụ nữ ở châu Âu đều có thu nhập gia đình hoặc thu nhập độc lập và số tiền họ kiếm được trung bình ít hơn nam giới 14% cho mỗi giờ làm việc. Gánh nặng tài chính liên quan đến việc báo cáo tham nhũng có thể khiến họ không thể lên tiếng.
 
    Bên cạnh đó, không phải lúc nào phụ nữ cũng nhận thức được các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình và nhiều người còn thiếu kiến thức về việc tố cáo tham nhũng ở đâu, như thế nào.
 
    Trên khắp thế giới, phụ nữ cũng là nhóm bi quan hơn về kết quả của việc tố cáo tham nhũng và ít có khả năng nghĩ rằng, khi tố cáo, các hành động pháp lý thích hợp sẽ được thực hiện. Sự thiếu tin tưởng này có thể liên quan đến việc phụ nữ được coi là thiếu tiếng nói và thiếu cảm giác được trao quyền để hành động chống tham nhũng. Ở châu Âu, so với nam giới, phụ nữ có niềm tin ít hơn rằng những người bình thường có thể tạo ra sự khác biệt trong việc chống tham nhũng.
 
    Mặt khác, các tính năng của kênh tố cáo cũng có thể tạo ra thêm những rào cản đối với hoạt động tố cáo của phụ nữ. Họ có thể thiếu tin tưởng vào sự an toàn và độ tin cậy của cơ chế báo cáo, cũng như khả năng đáp ứng và độ nhạy đối với nhu cầu của họ. Họ có thể không tin tưởng vào tổ chức hoặc cá nhân giải quyết khiếu tố của họ hoặc nghi ngờ khiếu tố sẽ không được xem xét một cách nghiêm túc. Phụ nữ cũng có thể bị xúi giục để từ bỏ nếu vụ việc của họ không được sự sát sao của người có trách nhiệm xử lý, giải quyết.
 
    Khi tiếp xúc với hệ thống tư pháp, không hiếm phụ nữ - đặc biệt là những người trong các nhóm bị phân biệt đối xử - phải trải qua định kiến về giới và thái độ thô bạo trước tòa án hoặc sự hỗ trợ pháp lý không đầy đủ có thể khiến họ "buông xuôi", không muốn tìm cách giải quyết.
 
    Chuyên gia của TI đưa ra khuyến nghị, các chính phủ ở EU cần thực hiện các hành động sau để giải quyết những thách thức:
 
    - Thu thập, phân tích và phổ biến dữ liệu phân tách theo giới để xác định và giải quyết các mô hình tham nhũng theo giới và báo cáo, đặc biệt xem xét các nhóm phụ nữ dễ bị tham nhũng.
 
    - Cung cấp các cơ chế tố cáo dễ tiếp cận, giá cả phải chăng, an toàn, hiệu quả và nhạy cảm về giới, có xem xét những thách thức cụ thể mà phụ nữ ở EU phải đối mặt khi tố cáo tham nhũng.
 
    - Xây dựng các luật, chính sách hiệu quả, nhạy cảm về giới với các biện pháp bảo vệ, chống sự trả thù mạnh mẽ và các điều khoản bảo mật, phù hợp với Chỉ thị Bảo vệ người tố cáo của EU.
 
    - Công nhận tham nhũng tình dục là một hình thức tham nhũng, trang bị cơ chế tố cáo để xử lý các trường hợp tham nhũng tình dục và hỗ trợ về mặt tâm lý - xã hội, pháp lý cho nạn nhân của bạo lực thể chất và tình dục ở tất cả các cấp của quy trình tố cáo và hệ thống tư pháp hình sự.
 
    - Thúc đẩy quyền đại diện của phụ nữ và các nhóm có nguy cơ bị phân biệt đối xử trong cơ chế báo cáo tham nhũng cũng như trong các cơ quan thực thi pháp luật và công lý, đặc biệt là trong điều tra, truy tố hoặc xét xử bạo lực trên cơ sở giới và tội phạm tình dục.
                                                                                      Báo Thanh tra
.
.