Điểm báo tuần số 442 từ ngày 18/10 đến ngày 24/10 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 25/10/2021, 14:26 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (19/10) cho biết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Thực hiện Kế hoạch số 106-KH/ĐĐQH15 ngày 10/8/2021 của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề được phân công thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” tổ chức Phiên họp thứ 2  để xem xét thông qua dự thảo báo cáo Chuyên đề số 10 về “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; cho ý kiến về dự thảo báo cáo Chuyên đề số 12 về “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”; đồng thời nghe Tiểu ban số 01 báo cáo tiến độ chuẩn bị báo cáo Chuyên đề số 09 về “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam” và Tiểu ban số 02 báo cáo tiến độ chuẩn bị báo cáo Chuyên đề số 11 về “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam”.Đây là các chuyên đề được Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” phân công cho Đảng đoàn Quốc hội chủ trì triển khai.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Quân đội nhân dân, Nhân Dân, Công an nhân dân, Hà Nội mới (19/10) phản ánh các nội dung Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng 9 tháng đầu năm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức. Chín  tháng qua, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã nỗ lực, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra với những giải pháp linh hoạt, phù hợp tại các địa phương. Ủy ban kiểm tra các địa phương, đơn vị đã kiểm tra 1.168 tổ chức đảng và 4.403 đảng viên; Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra 18 tổ chức đảng và 7 đảng viên. Cấp ủy và ủy ban Kiểm tra các cấp đã giám sát khoảng 31 nghìn  tổ chức đảng và gần 80 nghìn đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Trung ương giám sát 15 tổ chức đảng và 26 đảng viên thuộc diện Trung ương quản lý. Cấp ủy các cấp đã thi hành kỷ luật 126 tổ chức đảng và 9.314 đảng viên. Trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 4 tổ chức và 25 đảng viên bằng các hình thức: Cách chức 13; khai trừ 12 đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 3.075 đảng viên (trong đó có 537 cấp ủy viên). Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật 49 đảng viên. Kết quả kiểm tra, xử lý được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa vi phạm, ổn định tình hình của địa phương, đơn vị. Công tác phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra với các cơ quan liên quan, được thực hiện ngày càng chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn. Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, Trung ương đã thông qua Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Khóa XIII; Quy định về thi hành Điều lệ Đảng, Quy định số 22 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Đồng chí đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban Kiểm tra các cấp cần tập trung nghiên cứu, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền và tổ chức thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới. Đồng chí Trần Cẩm Tú nhấn mạnh, thời gian tới tiếp tục tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy tổ chức, triển khai hoàn thành chương trình kiểm tra, chương trình công tác năm 2021; tham mưu kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2022 với trọng tâm là kiểm tra việc thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 4 Khóa XIII; thực hiện nghiêm Thông báo kết luận số 01 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đề nghị cấp ủy chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra các cấp xử lý kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trong các vụ việc, vụ án ở địa phương, đơn vị; quan tâm công tác xây dựng Ngành, kiện toàn tổ chức bộ máy Ủy ban Kiểm tra theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Sài Gòn giải phóng, Tiền Phong, Giao Thông, Đời sống và Pháp luật, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Đài TNVN, TTXVN (19/10) thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội cho biết, đã ban hành cáo trạng truy tố Phạm Thị Đoan Trang về tội "Ttuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Cụ thể, Phạm Thị Đoan Trang có hành vi tàng trữ các tài liệu: "Báo cáo tóm tắt về thảm họa môi trường biển Việt Nam"; "Đánh giá chung về tình hình nhân quyền tại Việt Nam"; "Báo cáo đánh giá về Luật Tôn giáo và tín ngưỡng năm 2016 liên quan đến việc thực hiện quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng ở  Việt Nam"... Cùng với đó, bị can Đoan Trang đã trả lời phỏng vấn trên truyền thông nước ngoài với nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước cũng như "phỉ báng chính quyền nhân dân". Cáo trạng đã được chuyển sang Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Dự kiến phiên tòa sẽ được mở vào ngày 4/11/2021.
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Thanh tra, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Tiền Phong, Sức khỏe và Đời sống, Giao Thông, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Dân trí, VietNamNet, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (20/10) đưa tin, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định thi hành kỷ luật đối với nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và 3 nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể, tại Quyết định 1768/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức xóa tư cách nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Trần Thanh Liêm, do đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng. Theo kết luận của Bộ Chính trị, ông Trần Thanh Liêm, trong thời gian giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tỉnh Bình Dương, chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, làm trái chủ trương của Tỉnh ủy; chịu trách nhiệm trong việc bổ sung văn bản để hợp thức hóa sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án liên quan đến vốn góp của Đảng, Nhà nước cho tư nhân. Ông Liêm cùng chịu trách nhiệm về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015-2020. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015-2020 đối với ông Trần Thanh Liêm. Tại Quyết định 1765/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với bà Vũ Thị Thu Thủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016-2021, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật về Đảng. Tại Quyết định 1766/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016-2021, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật về Đảng. Tại Quyết định 1767/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Đặng Huy Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhiệm kỳ 2016-2021, do đã có những vi phạm, khuyết điểm trong công tác và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã thi hành kỷ luật về Đảng. Trước đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ký Quyết định số 1742/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Thế Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Ông Nguyễn Thế Hùng đã có những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật cảnh cáo với ông Nguyễn Thế Hùng tại Quyết định số 178-QĐ/UBKTTW ngày 9/8/2021.
 
    Báo Nhân Dân, Điện tử Đảng Cộng sản, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Đại biểu Nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài gòn giải phóng, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (20/10) đồng loạt phản ánh các nội dung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Kỳ họp tiến hành theo hai đợt: Đợt 1 họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến ngày 30/10). Đợt 2, dự kiến Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8/11 đến ngày 13/11). Tại kỳ họp này,  Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 5 dự án luật, gồm: Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Cảnh sát cơ động, Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); nghị quyết quy định việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, thành phố Hải Phòng và xem xét, ban hành nghị quyết chung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; xem xét và quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024; việc lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo nghị quyết của Trung ương và Quốc hội; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2021-2025 và một số nội dung quan trọng khác. Quốc hội sẽ dành thời gian phù hợp tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét các báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021; xem xét các báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm (2019 và 2020); nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Ngoài ra, nhiều báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước… đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, kết hợp thảo luận cùng các nội dung liên quan.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công lý, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, VietNamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (21/10) cho biết, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang vừa tổ chức kỳ họp thứ 12 để xem xét, thực hiện quy trình kỷ luật đối với 1 tổ chức đảng và 11 đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Chi ủy Chi bộ Ban Dân tộc tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020; thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ Đảng đối với 2 đồng chí: Bế Thị Kim Hưng, Chi ủy viên Chi bộ, nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025, Trưởng phòng thuộc Ban Dân tộc tỉnh; Đặng Đoàn Phong, đảng viên, Phó Chánh Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh, nhiệm kỳ 2020-2025; thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với 6 đồng chí thuộc Chi bộ Ban dân tộc, gồm: Hoàng Đức Tiến, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, nhiệm kỳ 2015-2020; Hoàng Xuân Đẹp, Chi ủy viên nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025; Ma Công Mạch, đảng viên, Phó Trưởng phòng thuộc Ban Dân tộc tỉnh; Phạm Văn Đông, đảng viên, chuyên viên Phòng Thanh tra, Ban Dân tộc tỉnh; Vũ Thị Bình Minh, đảng viên, chuyên viên Ban Dân tộc tỉnh; Phạm Quang Huy, đảng viên, kế toán, Ban Dân tộc tỉnh; thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với 2 đồng chí: Trần Quốc Tuấn, đảng viên, Phó Chánh Thanh tra, Ban Dân tộc tỉnh; Đặng Đình Nhiêu, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Tại phiên họp này, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cũng đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với đồng chí Triệu Là Pham, đảng viên, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang do có những khuyết điểm, vi phạm trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp theo Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 7/6/2021 của Ban Bí thư, Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, tổ chức tảo hôn cho con gái, vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Quân đội nhân dân, VietnamPlus, Mặt trận, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thông tấn xã Việt Nam, Đài THVN, Đài TNVN (21/10) đưa tin, Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh: Công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, đụng chạm đến quyền lợi, danh dự, uy tín, sinh mệnh chính trị của tổ chức, cá nhân, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và cả hệ thống chính trị. Trong đó, Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương là hai cơ quan tham mưu chiến lược, nòng cốt; có thể nói hai cơ quan là hai lực lượng chủ công, xung kích, "hai mũi giáp công" của Đảng để đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Hai cơ quan tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực theo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Quy định 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; phối hợp tham mưu đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm liên quan các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tăng cường phối hợp tham mưu hoàn thiện cơ chế, chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là, phối hợp tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nội chính, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam; phối hợp hoàn thành các Đề án được giao theo Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương và của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đồng chí tin tưởng rằng, trong thời gian tới với sự quan tâm của lãnh đạo hai cơ quan, công tác phối hợp sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với hai cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng và chỉnh đốn Đảng…
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Ủy ban Kiểm tra Trung ương
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Người Lao động, Thanh Niên, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, Đài TNVN, TTXVN (18/10) đưa tin, Công an tỉnh Đắk Nông khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Phạm Hồng Thái, nhân viên hợp đồng, thuộc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai huyện Tuy Đức, để điều tra các hành vi "Nhận hối lộ" và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Theo điều tra ban đầu, trong quá trình công tác ông Thái đã có hành vi nhũng nhiễu, đòi tiền và nhận 9 triệu đồng của người dân khi làm thủ tục cấp đổi, sang nhượng, cấp mới quyền sử dụng đất. Phạm Hồng Thái bị cơ quan chức năng bắt quả tang khi đang nhận tiền của một người dân tại nhà riêng. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
    Báo Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Tiền Phong, Công an nhân dân, Thanh tra, Giao Thông, VietNamNet, Đài TNVN (18/10) liên quan đến sai phạm trong việc chi trả, hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn xã Khai Sơn năm 2020, Công an huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã có quyết định khởi tố và bắt tạm giam 03 tháng đối với Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chủ tịch UBND xã Khai Sơn; Phan Thị Hoài, Cán bộ địa chính xã Khai Sơn và Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Trưởng thôn 7, xã Khai Sơn, để điều tra hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn, trong khi thi hành công vụ". Tổng số tiền các bị can trên trục lợi bước đầu là hơn 130 triệu đồng. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, mở rộng.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đời sống và Pháp luật, Công lý, Nhà báo và Công luận, Giao Thông, Thanh Niên, TTXVN (20/10) cho biết, trong quá trình giải quyết đơn thư tố cáo của công dân đối với bà Nguyễn Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền, quận Lê Chân, TP. Hải Phòng, cơ quan chức năng quận Lê Chân xác định, trong năm học 2019 - 2020, khoản thu chênh lệch của riêng Quỹ cha mẹ học sinh được kiểm tra tại 34 lớp học đã lên đến hơn 436 triệu đồng; khoản thu, chi tiền giấy thi, in sao đề chênh lệch hơn 75 triệu đồng; khoản thu chênh lệch tiền học nghề tại 10 lớp được kiểm tra hơn 77 triệu đồng… Viện thu, chi, sử dụng tài chính của nhà trường có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Lê Chân xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập, Công an quận Lê Chân đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Thanh Niên, Tiền Phong, Tuổi trẻ, Lao Động, Đại đoàn kết, VietNamNet, Pháp luật Việt Nam, Dân trí, Thanh tra, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (21/10) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị liên quan. Quá trình thu thập tài liệu chứng cứ, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ông Tuấn bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan việc nâng giá thiết bị y tế. Trước khi làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Tuấn là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Trước đó, liên quan vụ án, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 9 bị can; trong đó, 4 cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng, Phó Giám đốc; Nguyễn Thị Dung Hạnh, Kế toán trưởng; Đoàn Trọng Bình, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư và Nghiêm Tuấn Linh, Phó Trưởng phòng Vật tư). Kết quả điều tra xác định, các bị can trong vụ án có vai trò là ủy viên Hội đồng mua sắm, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, tổ thẩm định đấu thầu đã cùng doanh nghiệp có các hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu, làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh.
 
    Báo Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Lao Động, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, VnExpress, VietNamNet, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (21/10) đưa tin, sau 2 ngày xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông đã tuyên án 10 bị cáo liên quan tới các sai phạm trong quá trình thẩm định, đền bù tại công trình thủy lợi Đắk Rồ, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô. Theo đó, 4 bị cáo nguyên là cán bộ huyện Krông Nô và xã Đắk Drô bị tuyên phạt từ 3 - 11 năm tù về tội danh "Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất". Tuyên phạt: Nguyễn Cao Trí, nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Krông Nô, 11 năm tù; Bùi Quốc Tuân, nguyên cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Krông Nô, 10 năm tù; Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên cán bộ Ban quản lý dự án và Phát triển quỹ đất huyện Krông Nô, 03 năm tù và Doãn Đức Toàn, nguyên cán bộ địa chính xã Đắk Drô, 03 năm tù.
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (19/10) đưa tin, Cơ quan Giám sát và Chống tham nhũng của Ả Rập Saudi (Nazaha) xác nhận, đã bắt giữ một số sĩ quan cấp cao và quan chức Chính phủ bị cáo buộc liên quan đến các vụ án tham nhũng. Cũng theo Nazaha, gần đây cơ quan chức năng đã khởi tố một số vụ án hình sự và tiến hành thủ tục pháp lý chống lại các cá nhân bị cáo buộc. Nazaha chia sẻ thông tin về 10 vụ việc. (1) Giám đốc của một pháp nhân thương mại và 2 nhân viên ngân hàng bị bắt. Nhà quản lý này đã trình tới ngân hàng một hợp đồng không hợp lệ với một công ty lớn, và nhận được khoản tài trợ trị giá 102 triệu SR. Nhà chức trách đã tìm thấy khoản tiền mặt trị giá 700.000 SR trong tài khoản của nhân viên ngân hàng mà người này không thể giải thích được. (2) Giám đốc sở y tế và giám sát kiểm dịch tại một khu vực đã bị bắt vì đã đề nghị tìm việc làm cho một công dân nữ để đổi lại, người này sẽ rút đơn tố cáo về việc tống tiền. (3) Một sĩ quan mang quân hàm đại tá, một hạ sĩ quan làm việc trong Ban Giám sát công tác phân giới cắm mốc và một công dân bị bắt vì thông đồng thao túng các khu vực và bất động sản nằm trên biên giới để nhận tiền bồi thường cho chủ sở hữu tài sản. Đổi lại, những người này bỏ túi 50% tổng giá trị bồi thường. (4) Một nhân viên Công ty Nước sạch Quốc gia bị bắt quả tang nhận 300.000 SR trong số 600.000 SR đã thỏa thuận từ một công ty bất động sản để đổi lấy việc hoàn thành thủ tục cấp nước cho dự án xây dựng biệt thự dân cư của Bộ Đô thị, Nông thôn và Nhà ở. (5) Hạ sĩ quan làm việc tại cơ quan quản lý nhà tù khu vực bị bắt vì nhận 1 triệu SR từ một trong những người bị giam giữ để đổi lấy việc anh ta được phóng thích bất hợp pháp. (6) Hai người bị bắt vì thành lập và quản lý một hiệp hội từ thiện, quyên góp và chuyển 748.404 SR vào tài khoản cá nhân của họ. (7) Một người bị bắt quả tang hối lộ 100.000 SR và một chiếc iPhone cho nhân viên của Bộ Thương mại để đổi lấy việc không bị phạt và mở lại kho hàng đã bị Bộ đóng cửa vì gian lận thương mại. (8) Nhân viên Trung tâm Tuân thủ Môi trường Quốc gia thuộc Bộ Môi trường, Nước và Nông nghiệp đã bị bắt vì hối lộ 54.700 SR để đổi lấy việc hoàn thành thủ tục giấy tờ tại Văn phòng Hỗ trợ Môi trường tại Trung tâm. Cơ quan điều tra phát hiện số tiền gửi vào tài khoản ngân hàng lên tới 714.000 SR mà người này không thể giải thích. (9) Hai bác sĩ Ả Rập làm việc trong một bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế bị bắt vì kê đơn thực phẩm sữa không đúng (loại sữa này trong danh mục phân phát cho trẻ em, không nhằm mục đích bán) và nhận lại tiền cùng quà từ 3 người (cũng đã bị bắt, làm tiếp thị cho nhà sản xuất sữa, với mục đích bán lại những sản phẩm này để tăng doanh thu). (10) Một công dân làm việc tại Bộ Đô thị, Nông thôn và Nhà ở bị bắt vì nhận 20.000 SR trong số 125.000 SR đã thỏa thuận từ một nhà đầu tư để đổi lấy việc chia hợp đồng thuê bất động sản giữa chủ đầu tư và thành phố với mục đích giảm giá trị của hợp đồng.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Phiên họp thứ 2 của Ban Chỉ đạo xây dựng các chuyên đề thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”
    - Khai mạc kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV
    - Khởi tố Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
    - Ban Nội chính Trung ương sơ kết Quy chế phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.