Đảng lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước

Thứ Ba, 26/10/2021, 15:53 [GMT+7]
    Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có ghi: “Từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, lãng phí ngoài khu vực nhà nước”. Trước đó, lần đầu tiên, nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) khu vực ngoài nhà nước được quy định trong luật PCTN năm 2018 (quốc hội khóa XIV thông qua ngày 20/11/2018, có hiệu lực từ ngày 01/7/2019). Tuy nhiên, đây là vấn đề mới và khó. Không ít cấp ủy, tổ chức đảng còn lúng túng về nội dung và phương thức lãnh đạo công tác PCTN tại các doanh nghiệp nói chung; đặc biệt là các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước nói riêng. Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCTN tại khu vực ngoài nhà nước với vị trí, vai trò của đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo xã hội và đất nước? Để làm rõ những nội dung trên, Tạp chí Nội chính trân trọng giới thiệu một số bài viết làm rõ nội dung “Sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước”.


    BÀi 1: NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG KHU VỰC NGOÀI NHÀ NƯỚC

    1. Khu vực ngoài nhà nước 
 
    Năm 1986, Đảng, Nhà nước ta thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện đất nước. Theo đó, để phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần định hướng XHCN, hàng loạt các tổ chức, đơn vị kinh tế ngoài nhà nước được ra đời. Cùng với đó, khái niệm “khu vực kinh tế tư nhân” cũng bắt đầu ra đời. Khái niệm “kinh tế tư nhân” được Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) xác định bao gồm các thành phần: “Kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và loại hình doanh nghiệp tư nhân”(1). Ngoài ra, có quan niệm khác nhau về khu vực tư: (1) Khu vực kinh tế tư nhân, hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm các hoạt động kinh tế tư nhân trong nước; (2) Khu vực kinh tế tư nhân theo nghĩa rộng thường được đề cập đến như một tổng thể bao gồm các doanh nghiệp FDI và khu vực kinh tế tư nhân trong nước(2).
 
    Theo Luật Doanh nghiệp (năm 1999; sửa đổi, bổ sung năm 2020), các doanh nghiệp trong “khu vực tư”, gồm: Công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Định nghĩa này không bao gồm: (1) Các doanh nghiệp không đăng ký, (2) Các hộ gia đình, (3) Các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, và (4) Các doanh nghiệp nhà nước(3).     
 
    Nói đến “khu vực tư” là nói đến những hoạt động trong các ngành kinh tế vì mục đích kinh doanh. Quan niệm này phù hợp với một số ít nghiên cứu về tham nhũng trong khu vực tư; mặc dù không đưa ra một khái niệm rõ ràng về “khu vực tư” nhưng nội dung nghiên cứu cũng đã khuôn lại là hoạt động kinh doanh của các “tổ chức tư nhân”, hoặc là hoạt động kinh doanh, thương mại của khu vực “không mang tính quyền lực nhà nước”. Như vậy, việc xác định “khu vực tư” theo tiêu chí kinh tế (như đã nêu trên) là hoàn toàn chính xác, vì nó phù hợp với mục tiêu xác định ranh giới công - tư vốn được thừa nhận để xác định ranh giới của sở hữu. Tuy nhiên, ở Việt Nam, “khu vực tư” chỉ là một phần của “khu vực ngoài nhà nước”, bởi:
 
    Thứ nhất, theo khái niệm quyền lực: Quyền lực là quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động đối với một tổ chức. Việc xác định ranh giới công - tư sẽ được thực hiện trên cơ sở ranh giới, phạm vi thực hiện quyền lực công. Theo đó, nơi nào thực hiện quyền lực nhà nước thì nơi đó thuộc về “khu vực công”. Xét về bản chất, quyền lực nhà nước bao gồm ba quyền cơ bản là: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước tổ chức thực hiện quyền lực của mình thông qua hệ thống bộ máy cơ quan nhà nước. Do vậy, trong phạm vi các cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền do pháp luật trao thực hiện chức năng, nhiệm vụ lập pháp, hành pháp, tư pháp nhân danh quyền lực nhà nước thì đó là khu vực thực hiện quyền lực nhà nước và đó là “khu vực công”. Tuy nhiên, do thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay, ngoài hệ thống bộ máy nhà nước được tổ chức từ Trung ương đến địa phương; tổ chức chính trị, chính trị - xã hội (hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…), một số tổ chức xã hội…, mặc dù không thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng mỗi tổ chức lại có quyền lực chính trị nhất định; tác động tới tổ chức bộ máy của nhà nước cũng như toàn thể x ã hội ở những mức độ khác nhau. Trên thực tế, các tổ chức này có vị trí chính trị quan trọng trong đời sống xã hội (nói chung) và quyền lực trong hệ thống của mỗi tổ chức (nói riêng), mà chúng ta không thể phân định được đó là quyền lực nhà nước hay quyền lực ngoài nhà nước. Như vậy, phạm vi thực hiện quyền lực công ở Việt Nam rộng hơn các nước trên thế giới. Khu vực công ở Việt Nam không chỉ là hệ thống các cơ quan nhà nước (thực thi quyền lực công) mà còn bao gồm cả: Tổ chức chính trị; một số tổ chức chính trị - xã hội và một số tổ chức xã hội (như đã đề cập).
 
Quang cảnh Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương  từ năm 2018 đến nay
Quang cảnh Hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng từ năm 2018 đến nay
    Thứ hai, theo khía cạnh kiểm soát tài chính: Kiểm soát tài chính là khả năng kiểm soát của chủ thể đối với lợi nhuận có được từ các hoạt động của tổ chức khác. Theo đó, khu vực chịu tác động của tài chính công được xác định theo hai tiêu chí bao gồm quản lý tài chính công và sử dụng tài chính công. Như vậy, khu vực quản lý tài chính công đương nhiên là khu vực công. Nhưng khu vực sử dụng tài chính công thì có thể là khu vực công, có thể là khu vực tư. Bởi vì, ngoài hệ thống bộ máy nhà nước hay các doanh nghiệp nhà nước sử dụng tài chính công vốn thuộc khu vực công thì một đặc thù ở Việt Nam là ngân sách nhà nước cấp cho cả những tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp (ví dụ như: Hội Luật sư; Hội Luật gia; Hội Khuyến học; Hội Chữ thập đỏ; Hội Nhà báo…. ). Các tổ chức này hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận. Nguồn tài chính của họ chủ yếu do tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong xã hội, do hội viên đóng góp; nhưng hàng năm ngân sách nhà nước vẫn cấp một phần kinh phí cho các tổ chức này hoạt động. Do ngân sách nhà nước không phải là nguồn chủ yếu của các tổ chức đó và việc thành lập cũng như mục tiêu hoạt động của họ là do tự nguyện, do các thành viên quyết định, không bị ràng buộc bởi quyền lực chính trị nên các tổ chức đó không thể được xác định là khu vực công. Như vậy, có thể thấy khu vực công ở Việt Nam được xác định bao gồm: (1) Khu vực thực hiện quyền lực công (quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước - khu vực bộ máy nhà nước) và (2) Khu vực quản lý và sử dụng tài chính công (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước). Khu vực ngoài nhà nước ở Việt Nam được xác định gồm hai bộ phận đó là: (1) Các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức nhân đạo, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập… hoạt động phi lợi nhuận được thành lập bởi các cá nhân, tổ chức xã hội; (2) Các doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân.
 
    Lần đầu tiên, pháp luật Việt Nam ghi nhận và đưa khái niệm “khu vực ngoài nhà nước” vào Luật PCTN năm 2018. Mặc dù trong Luật này không giải thích khái niệm Khu vực ngoài nhà nước là gì?. Tuy nhiên, căn cứ vào Khoản 10, Điều 3 và Chương VI (PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước), Chương VII (các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước) của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định (số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN, chúng ta có thể xác định “khu vực ngoài nhà nước” gồm: (1) Công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, và tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt…; (2) Doanh nghiệp ngoài nhà nước(4)
 
    2. Phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước
 
    Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. Khái niệm tham nhũng gắn bó chặt chẽ, hữu cơ với sự tồn tại và phát triển của bộ máy nhà nước “mọi người có quyền lực đều có xu hướng lạm dụng quyền lực đó”(5).  Tuy vậy, hình thức, tính chất, mức độ và phương thức tham nhũng không phải lúc nào và chế độ nào cũng giống nhau. Nó thay đổi, tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội từng thời kỳ và phục thuộc vào mối quan hệ giữa sự quan tâm của xã hội với với vấn đề tham nhũng, đặc biệt trong mối quan hệ với dân chủ. Vì vậy, khi nhìn nhận, đánh giá để đưa ra khái niệm về tham nhũng thì lại khó có điểm chung giữa các nhà nghiên cứu, học giả(6).
 
    Từ điển bách khoa Việt Nam đưa ra khái niệm: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, tham ô, nhận hối lộ hoặc cố ý làm trái chính sách, chế độ, thể lệ về kinh tế - tài chính vì động cơ vụ lợi, gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước, tập thể và cá nhân, xâm phạm hoạt động của các cơ quan nhà nước và tổ chức chính trị, xã hội... Khái niệm tham nhũng được xem là chính thống tại thời điểm hiện tại của Việt Nam được quy định trong Luật PCTN năm 2018. Tại Khoản 1, Điều 3 Luật PCTN năm 2018 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Như vậy, mặc dù có nhiều khái niệm khác nhau về tham nhũng, nhưng nhìn chung đều thống nhất ở 03 đặc điểm và cũng là 03 dấu hiệu, đặc trưng để nhận diện tham nhũng đó là: (1) Được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn; (2) Có sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó khi thực thi nhiệm vụ, công vụ được giao; (3) Thực hiện với mục đích vì vụ lợi.
 
    Những năm qua, công tác đấu tranh PCTN luôn được Đảng ta đặc biệt quan tâm. Nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm đã được điều tra, xử lý nghiêm minh, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng, nhà nước ta trong PCTN, với mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng”. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề bức xúc trong xã hội, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành. Đặc biệt, các vụ việc, vụ án tham nhũng không chỉ dừng lại trong khu công, giờ đây đã và đang lan sang cả khu vực ngoài nhà nước. Có thể kể đến một số vụ án lớn, như: Vụ án Hà Văn Thắm cùng 07 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”; Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm gây thất thoát hơn 15.000 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng (VNCB); Vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm; Vụ án Huỳnh Minh Hiếu tại Đà Nẵng (cựu quản lý Siêu thị 24h) về tội Tham ô tài sản… Bên cạnh các vụ án liên quan đến tham nhũng trong khu vực tư trong nước, cũng đã phát sinh một số vụ án liên quan đến các công ty có vốn đầu nước ngoài tại Việt Nam, điển hình như: Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty THHH Glonics Việt Nam; Công ty TNHH Hansol Electronics; Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam - Thái Nguyên... với các hành vi vi phạm pháp luật như: Mua hóa đơn GTGT, làm giả việc có mua, nhập hàng vào kho nguyên liệu của công ty và lập khống chứng từ thanh toán,… để từ đó chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, đã xuất hiện tội phạm mới, đó là “doanh nghiệp sân sau” hay lừa đảo qua mạng và tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, điển hình như: Vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Facebook của gần 500 nạn nhân trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến 117 tỷ đồng... tại Thừa Thiên Huế; vụ án hình sự liên quan đến Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Dược Viễn Đông cùng đồng bọn bị cơ quan chức năng khởi tố và đưa ra xét xử về tội thao túng giá chứng khoán(7)
    
    Từ thực tiễn tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước cho thấy, tham nhũng khu vực ngoài nhà nước là những hành vi do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm hành vi tham ô tài sản, hành vi nhận hối lộ và hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi. Trong điều kiện hiện nay, sự kết nối các mối quan hệ công - tư diễn ra trong nhiều lĩnh vực, chặt chẽ, đan xen lẫn nhau. Bởi vậy, việc PCTN sẽ không có ý nghĩa nếu bỏ qua khu vực ngoài nhà nước và PCTN trong khu vực ngoài nhà nước cũng chính là để PCTN trong khu vực công hiệu quả hơn. Chính vì vậy, Luật PCTN năm 2018 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước nhằm đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn, nâng cao hiệu quả công tác PCTN, nâng cao mức độ tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng, phù hợp với một số văn bản luật có liên quan là một yêu cầu tất yếu đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
 
    Tóm lại, PCTN trong khu vực ngoài nhà nước là tổng thể các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện nhằm ngăn ngừa, loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng; quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định của pháp luật.
 
    3. Nội dung, phương thức lãnh đạo của đảng trong phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước
 
    Ở nước ta, sự lãnh đạo của Đảng được pháp luật quy định. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (năm 2013) khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(8). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) ghi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”(9). Là đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam có những đặc điểm chung như tất cả các đảng cầm quyền trên thế giới, nhưng có những đặc điểm riêng:
 
    Một là, Đảng lãnh đạo, cầm quyền trong thể chế chính trị nhất nguyên, từ cuối năm 1988 đến nay là Đảng chính trị duy nhất ở Việt Nam;
 
    Hai là, Đảng lãnh đạo, cầm quyền không qua tranh cử mà như một tất yếu khách quan sau khi Đảng lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền nhà nước và cầm quyền liên tục từ năm 1945 đến nay;
 
    Ba là, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp mọi mặt toàn xã hội; Bốn là, Đảng có cơ sở chính trị là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, có thể huy động các tổ chức này tham gia xây dựng Đảng; giám sát, phản biện xã hội; phối hợp với các cơ quan nhà nước và giám sát cán bộ, công chức nhà nước. Phương thức lãnh đạo của Đảng là tổng hợp các phương pháp, cách thức và biện pháp mà Đảng sử dụng để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình với tư cách là Đảng cầm quyền lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH do Đại hội VII của Đảng thông qua và được bổ sung, phát triển năm 2011 (tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI) đã chỉ rõ các phương thức lãnh đạo của Đảng: (1) Bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; (2) Công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên; (3) Công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu nhũng đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị; (4) Thông qua tổ chức Đảng và đảng viên trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu(10)
 
    Nội dung lãnh đạo của Đảng bao gồm những việc thuộc quyền và trách nhiệm của Đảng phải thực hiện để thực hiện sứ mệnh của mình, như: (1) Đảng đề ra đường lối, chủ trương trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại để định hướng cho mọi hoạt động của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân để thực hiện mục tiêu lý tưởng của Đảng là xây dựng đất nước theo định hướng XHCN. (2) Đảng lãnh đạo Nhà nước cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng thành pháp luật và tổ chức thực hiện đúng pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. (3) Đảng lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. (4) Đảng tiến hành tổng kết thực tiễn, hoàn thiện lý luận, làm luận cứ khoa học để hoàn thiện đường lối, chủ trương, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ mới.
 
    Trên cơ sở khái niệm về phương thức, nội dung lãnh đạo của Đảng nói chung, chúng ta có thể rút ra: Phương thức lãnh đạo của Đảng trong PCTN khu vực ngoài nhà nước là tổng hợp các phương pháp, cách thức mà Đảng sử dụng để thực hiện vai trò lãnh đạo của mình với tư cách là Đảng cầm quyền, lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội nhằm ngăn ngừa, loại bỏ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tham nhũng; quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo quy định của pháp luật. Thể hiện bằng các phương pháp sau đây:
 
    Một là, đề ra những chủ trương, định hướng về chính sách, pháp luật về PCTN khu vực ngoài nhà nước;
    
    Hai là, thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN khu vực ngoài nhà nước;
 
    Ba là, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về PCTN khu vực ngoài nhà nước;
 
    Thứ tư, tăng cường vai trò của chi bộ, tổ chức đảng trong khu vực ngoài nhà nước; giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý của hệ thống tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước; phát huy tính tiền phong, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước. 
 
    Nội dung Đảng lãnh đạo công tác PCTN khu vực ngoài nhà nước bao gồm:
 
    Thứ nhất, Đảng đề ra đường lối, chủ trương, nghị quyết về PCTN khu vực ngoài nhà nước;
 
    Thứ hai, lãnh đạo Nhà nước cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về PCTN (nói chung); PCTN khu vực ngoài nhà nước (nói riêng) thành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện đúng pháp luật; Thứ ba, lãnh đạo Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức xã hội, nghề nghiệp và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước trong đấu tranh PCTN khu vực ngoài nhà nước;
 
    Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tiến hành tổng kết thực tiễn, hoàn thiện lý luận, làm luận cứ khoa học để hoàn thiện đường lối, chủ trương về PCTN nói chung và PCTN khu vực ngoài nhà nước nói riêng, đáp ứng yêu cầu của cách mạng trong thời kỳ mới.
 
    Tóm lại, lãnh đạo vừa là chức năng vừa là thuộc tính của Đảng. Chức năng lãnh đạo này đã và đang xuyên suốt toàn bộ quá trình tồn tại, chiến đấu, thực hiện mục đích, lý tưởng của Đảng ta từ khi thành lập cho đến nay. Nhưng, để làm tốt chức năng đó, Đảng phải nhân lên sức mạnh của mình; truyền sức sống, tư tưởng và ý chí của Đảng vào phong trào quần chúng; đặc biệt, Đảng phải nắm lấy trụ cột xã hội, sức mạnh chính trị - đó là Nhà nước.
 
    (còn nữa: Bài 2: Thực trạng công tác lãnh đạo của Đảng trong phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước)
 
    (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb CTQG, H.2002.
    (2) Trần Bình: Khu vực kinh tế tư nhân - nguồn huyết mạch chưa khai thông.
    (3) Luật Doanh nghiệp năm 2020 (số 59/2020/QH14). Nguồn: https//luatvietnam.vn.
    (4) Luật PCTN năm 2018 (số 36/2020/QH14); Nghị định (số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN. Nguồn: https//luatvietnam.vn.
    (5) Montesquiue (1689-1775), Học thuyết pháp quyền.
    (6) Tùy thuộc vào cách tiếp cận, góc độ đánh giá; tùy thuộc vào hình thức tham nhũng và biểu hiện của tham nhũng ở từng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau mà có nhiều khái niệm khác nhau về tham nhũng. Ví dụ: Người Áo quan niệm: Tham nhũng là hiện tượng lừa đảo, hối lộ, bóc lột. Từ điển bách khoa Đức lại nêu: Tham nhũng là hiện tượng mất phẩm chất, hối lộ, đút lót, thường xảy ra đối với công chức có quyền hành. Theo từ điển bách khoa của Thụy Sỹ thì: Tham nhũng là hậu quả nghiêm trọng của sự vô tổ chức của tầng lớp có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước. Đó là hành vi phạm pháp để phục vụ lợi ích cá nhân...
    (7) Xem thêm bài: Hoàn thiện khung pháp lý đối với tội phạm tham nhũng trong khu vực tư ở Việt Nam hiện nay. Nguồn: https://ttt.hanam.gov.vn/Pages/hoan-thien-khung-phap-ly-doi-voi-toi-pham-tham-nhung-trong-khuvuc-tu-o-viet-nam-hien-nay.aspx, truy cập ngày 24/9/2021.
    (8) Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Nxb Tư pháp, H.2014, tr.9.
    (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.258.
    (10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.88.

ThS. Đàm Văn Lợi
(Ban Nội chính Trung ương)

.