Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và chống chủ nghĩa cá nhân
Thứ Tư, 23/03/2022, 07:29 [GMT+7]
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân”(1). Mặt khác, Người còn chỉ rõ một cách rành mạch, rõ ràng khái niệm tham ô, một biểu hiện đặc trưng điển hình của tệ tham ô:
- Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư; Đục khoét của nhân dân; Ăn bớt của bộ đội; Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô; Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và chống chủ nghĩa cá nhân |
Lãng phí có nhiều cách:
Lãng phí sức lao động: Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người. Trong quân đội, các cơ quan, các xí nghiệp đều có khuyết điểm ấy. Trong việc sửa chữa đường cầu, phục vụ chiến dịch, lãng phí dân công khá nhiều, vì tổ chức không khéo - đó là một thí dụ.
Lãng phí thời giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Thí dụ: Những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày.
Lãng phí tiền của: Có rất nhiều hình thức, đây chỉ nêu vài thí dụ: Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm; các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý; Cục vận tải giữ gìn xe cộ, tiết kiệm dầu mỡ không triệt để; Sở kho thóc làm kho tàng không cẩn thận; người giữ kho kém tinh thần trách nhiệm, để thóc ẩm ướt, hao hụt, hư hỏng; Mậu dịch không khéo tính toán sắp xếp, để hàng hóa hao hụt, lỗ vốn; Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất; Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn; Bộ đội không biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm; Nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã, bán trâu, cầm ruộng để làm đám cưới, đám ma, v.v…
Tóm lại, tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô.
Quan niệm về quan liêu - nguồn gốc sinh ra tham ô, lãng phí
Để tìm rõ nguồn gốc và bản chất của tham nhũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt câu hỏi: “Vì đâu mà có lãng phí và tham ô?”(3). Và Người chỉ ra, tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra: “Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra, nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách… Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí”(4); “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng. Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn…”(5). Người còn chỉ rõ: “Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí”(6).
Từ kinh nghiệm thực tế, Người khẳng định: “…bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. “Bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô. Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc chắn có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu”(7).
Các biện pháp, cách thức, quy trình đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn nhận phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên với một tư duy biện chứng, sâu sắc, toàn diện và nhân văn. Người cho rằng: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt, loại bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”(8). Theo Người, chữa trị căn bệnh tha hóa, biến chất, những bệnh tật trong cơ thể người cán bộ, đảng viên, phải có những thang thuốc đặc trị, phải có tinh thần kiên quyết, kịp thời, “Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khỏe thêm”(9). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh để ngăn chặn, đẩy lùi tham ô, lãng phí, quan liêu, cần phải có những biện pháp, giải pháp đồng bộ và quyết tâm rất cao, vì đây là cuộc chiến đấu khổng lồ, rất nặng nề, phức tạp chống lại cái cũ kỹ, hư hỏng. Tựu trung, Người nêu các giải pháp chính sau đây:
Một là, toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
Đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, là hết lòng, hết sức vì nước, vì dân. Phải chống chủ nghĩa cá nhân mới có đạo đức cách mạng thật sự và mới PCTN có hiệu quả. Chính chủ nghĩa cá nhân đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên hư hỏng, đạo đức, phẩm chất thấp kém. “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết”. Họ không lo “mình vì mọi người mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”, “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”.
Hai là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình nghiêm túc trong Đảng, giữ nghiêm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ.
Ba là, báo chí phải tham gia tích cực vào việc chống tham nhũng; phải coi trọng vai trò và trách nhiệm của nhân dân, phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đoàn thể nhân dân trong việc chống tham ô, hối lộ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp. Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, với quyết tâm của cán bộ và sự hăng hái tham gia của quần chúng, cuộc vận động này nhất định sẽ có kết quả tốt”(10). “Để giành thắng lợi, chúng ta phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ”(11).
Về cách thức đấu tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu, việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu vừa phải chủ động phòng ngừa, vừa phải kiên quyết tiến công, phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có tổ chức thực hiện và có lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát, tiến hành thường xuyên, liên tục, không đánh trống, bỏ dùi; có sự quyết tâm cao của người đứng đầu, sự cố gắng của cán bộ, phải thông qua các cuộc vận động. Người phát động Cuộc vận động “nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”.
Về chống chủ nghĩa cá nhân
Bên cạnh việc chỉ rõ cội nguồn gây ra nạn tham ô, lãng phí là do bệnh quan liêu gây ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ ra một căn nguyên nữa, đó chính là do chủ nghĩa cá nhân đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên hư hỏng, đạo đức, phẩm chất thấp kém, dẫn đến tham nhũng, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, đó là: “Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hóa. Đó là chỉ biết mình, không biết đến quần chúng. Là chỉ lo cho mình được sung sướng mà không nghĩ đến đội viên, nhân dân còn khổ sở”(12). Do vậy, phải chống chủ nghĩa cá nhân.
Chủ nghĩa cá nhân là gì?
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là trái ngược với đạo đức cách mạng, trái với chủ nghĩa tập thể. Cái gì trái với đạo đức cách mạng đều là chủ nghĩa cá nhân.
Trong một bài nói chuyện tại Trường Công an Trung ương, Người đã chỉ ra: “Thế nào là chủ nghĩa cá nhân? Là so bì đãi ngộ: lương thấp, cao, quần áo đẹp, xấu, là uể oải, muốn nghỉ ngơi, hưởng thụ, an nhàn. Chủ nghĩa cá nhân như vi trùng đẻ ra nhiều bệnh khác: sợ khó, sợ khổ; tự do chủ nghĩa; vui thì làm, không vui thì không làm, thích thì làm, không thích không làm.
Nhận diện những biểu hiện cụ thể của chủ nghĩa cá nhân và nguy cơ, tác hại của nó với Đảng cầm quyền
Về những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết, không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”; chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc, nó là một thứ vi trùng rất độc, đẻ ra hàng trăm thứ bệnh rất nguy hiểm, như bệnh cục bộ, địa phương chủ nghĩa; bệnh ích kỷ, hẹp hòi; bệnh quan liêu, mệnh lệnh; bệnh vô tổ chức, vô kỷ luật; bệnh hiếu danh, kiêu ngạo… Những tật bệnh đó khiến cho Đảng xệch xoạc, ý kiến lung tung, kỷ luật lỏng lẻo, công việc bê trễ. Chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời quần chúng. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị, quyền hành. Do cá nhân chủ nghĩa mà tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán chuyên quyền, xa rời thực tế, quan liêu, mệnh lệnh, không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân.
Từ đó, Người chỉ ra ba nguy cơ có thể dẫn đến thoái hóa, biến chất của một Đảng cầm quyền, đó là sai lầm về đường lối; chủ nghĩa cá nhân; quan liêu, xa rời quần chúng, thoát ly thực tiễn. Người cũng chỉ ra sự nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân đối với sự nghiệp cách mạng, với mỗi cán bộ, đảng viên và toàn Đảng nói chung. Theo đó, chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Nó là bạn đồng hành với chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc, với những thói quen và truyền thống lạc hậu. Nó là nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm tha hóa Đảng, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó, những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất đặt ra trong công tác xây dựng Đảng là phải tránh nguy cơ tha hóa, biến chất trong Đảng, đặc biệt là chống sự hủ hóa, kiêu ngạo, cửa quyền của cán bộ, đảng viên.
Về tác hại của chủ nghĩa cá nhân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất nghiêm trọng. Tác hại lớn nhất về mặt chính trị là làm mất lòng tin của quần chúng đối với Đảng, với cách mạng. Về văn hóa, đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, chủ nghĩa cá nhân làm thay đổi những chuẩn mực đạo đức xã hội, đánh mất lý tưởng cao đẹp là phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, lợi dụng quyền lực, mưu lợi cá nhân.
Do vậy, lúc sinh thời, Người luôn quan tâm đến việc giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng, coi đó là vấn đề sống còn, liên quan đến vận mệnh của Đảng và quyết định đến thành bại của cách mạng.
Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân phải đi đôi với xây dựng đạo đức cách mạng, trau dồi chủ nghĩa tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi cá nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết, không ngừng tu dưỡng đạo đức cách mạng, thực hiện nói đi đôi với làm và nêu gương về đạo đức, phải thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Phải đề cao tính tổ chức, đề cao kỷ luật, chống chủ nghĩa ba phải; trái phải, phải dứt khoát, phải rõ ràng, không được nể nang. Can đảm bảo vệ chính nghĩa, dũng cảm tự phê bình và phê bình. Xác định toàn tâm toàn ý, 100% phục vụ nhân dân. Có thế mới khắc phục được khuyết điểm, phát huy được ưu điểm. Còn so sánh địa vị, còn suy bì hưởng thụ thì chỉ có 50% phục vụ nhân dân còn 50% là phục vụ cá nhân mình. Phải ra sức phấn đấu rèn luyện tư tưởng mới khắc phục được nó. Khắc phục chủ nghĩa cá nhân là bước rất quan trọng để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(13).
Cần thấy rằng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là không hề dễ dàng, mà là cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài, cam go. Bởi đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”, chống kẻ địch từ bên trong tổ chức, trong hàng ngũ những người cách mạng, là đấu tranh với những thói hư, tật xấu, tàn dư của xã hội cũ và nguy cơ tha hóa từ bản thân mỗi người, gắn với quyền và lợi ích của mỗi người, mỗi tổ chức. Nó chính là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống suy thoái về lý tưởng, về đạo đức và lối sống hiện nay trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Người so sánh: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Đồng thời, Người đã chỉ ra rằng: “Việc đấu tranh với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc đấu tranh với kẻ địch ở trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót. Không phải là việc dễ, vì vậy phải có quyết tâm đấu tranh mới được”. Cuộc đấu tranh đó đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, kiên trì và tự giác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải đồng thời kết hợp giữa chống và xây, trong đó xây là không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, gắn với chống chủ nghĩa cá nhân. Trong tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người đã nêu lên những giải pháp chủ yếu sau đây:
Đối với tổ chức đảng:
Một là, phải ra sức tăng cường giáo dục trong toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên.
Hai là, phải thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà tự phê bình cán bộ, đảng viên.
Ba là, phải giữ vững chế độ sinh hoạt và kỷ luật của Đảng, làm tốt công tác kiểm tra. “Chế độ sinh hoạt chi bộ phải nghiêm túc”, “Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ”.
Đối với cán bộ, đảng viên:
Một là, “mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết..., bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật”.
Hai là, “phải sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”.
Ba là, “phải cố gắng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”.
Từ các quan điểm nêu trên có thể thấy rằng: Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì “tham ô, lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”, “bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô” và chính chủ nghĩa cá nhân đã làm cho một bộ phận cán bộ, đảng viên hư hỏng, đạo đức, phẩm chất thấp kém, dẫn đến tham ô, hủ hóa, lãng phí; chính chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: Quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, tham ô, lãng phí… Như vậy, nguồn gốc của tham nhũng là do quan liêu, mà chủ nghĩa cá nhân lại đẻ ra bệnh quan liêu. Mặt khác, chủ nghĩa cá nhân làm cho cán bộ, đảng viên hư hỏng, suy thoái dẫn đến tham nhũng, lãng phí, hủ hóa. Như vậy, từ các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chủ nghĩa cá nhân, có thể khẳng định, căn nguyên, gốc rễ gây ra tham nhũng, lãng phí chính là do sự suy thoái về đạo đức, lối sống, kéo theo sự suy thoái về tư tưởng chính trị của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
(1) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.140-141.
(2) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 141.
(3) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 345.
(4) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 141.
(5) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 351-369.
(6) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 357.
(7) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 295.
(8) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 295.
(9) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr. 417.
(10) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr. 419.
(11) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr. 421.
(12) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 217.
(13) Hồ Chí minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 247-251.
|
Hồng Sơn