Điểm báo tuần số 463 từ ngày 14/3 đến ngày 20/3 về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Hai, 21/03/2022, 05:42 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Đời sống pháp luật, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, Pháp luật Việt Nam, VietNamNet, Công lý, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/03) cho biết, tại Phủ Chủ tịch, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã có buổi làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để đánh giá tiến độ, thống nhất phương thức xây dựng dự thảo Đề án có tầm quan trọng đặc biệt này. Cùng dự có đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học đi sâu đúc kết thực tiễn, dày công nghiên cứu, đề xuất những giải pháp cụ thể, khả thi. Bởi đây là "một tác phẩm khoa học phục vụ nhân dân trong quá trình phát triển đất nước, không phải là một bản sao chép". Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện để có dự thảo tốt nhất trình các cơ quan có thẩm quyền. Chủ tịch nước đánh giá, qua hai lần hội thảo ở quy mô quốc gia, đã có nhiều ý kiến đề xuất rất đáng lưu ý của Tổ biên tập, các chuyên gia, nhà khoa học. Nhờ đó, đã có được một đề cương dự thảo chi tiết, tuy chưa hoàn chỉnh, chưa nêu rõ được những đột phá... nhưng đây là đề cương tương đối tốt, bảo đảm những nguyên tắc lớn, những yêu cầu chủ đạo trong định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân, vì nhân dân. Chủ tịch nước nhấn mạnh đến yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đầy đủ, không né tránh những vấn đề bất cập, tồn tại kéo dài, bất hợp lý hiện nay và đề nghị làm rõ các vấn đề tồn tại trong các mặt lập pháp, hành pháp và những vấn đề khác được quy định trong Hiến pháp, từ đó có hướng khắc phục… Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước yêu cầu Ban Nội chính Trung ương có lịch trình cụ thể cho từng nội dung để làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, hàng tuần báo cáo tiến độ với Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo. Cùng với đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Nội chính Trung ương, các nhà khoa học có kế hoạch phối hợp các cơ quan báo chí tuyên truyền mạnh mẽ về tiến trình xây dựng Đề án quan trọng này đến các tầng lớp nhân dân và đảng viên… 
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/3) đưa tin, tại Trụ sở Trung ương Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật các đồng chí: Phan Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên; Đại tá Nguyễn Thế Anh, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư nhận thấy: (1) Đồng chí Phan Mạnh Cường trong thời gian giữ chức vụ Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên kiêm Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp (giai đoạn 2013-2019) đã vi phạm các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng và Quy chế làm việc; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, có nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách, tài sản, đất đai.Những vi phạm của đồng chí Phan Mạnh Cường gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại tiền, tài sản của Nhà nước; gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, mất uy tín cá nhân. Trong quá trình kiểm điểm, không tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm; (2) Đồng chí Nguyễn Thế Anh trong thời gian giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Bộ đội Biên phòng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; nhận hối lộ, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng tài chính, trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, buôn lậu và gian lận thương mại. Những vi phạm của đồng chí Nguyễn Thế Anh gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước; ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng và lực lượng Bộ đội Biên phòng, mất uy tín cá nhân. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm theo Quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Phan Mạnh Cường và đồng chí Nguyễn Thế Anh.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Tuổi trẻ, Thanh Niên, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, VietNamPlus, Bảo vệ pháp luật, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/02) đưa tin, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 2 bị cáo là Tôn Nữ Thể Trang (sinh năm 1962, trú tại phường Cam Phúc Bắc, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa) và Nguyễn Xuân Tĩnh (sinh năm 1972, trú tại phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa) cùng về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 109 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Tôn Nữ Thể Trang 12 năm tù giam và Nguyễn Xuân Tĩnh 9 năm tù giam; hai bị cáo còn phải chịu quản chế trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa, trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến tháng 5/2021, tại thành phổ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Tôn Nữ Thể Trang đã tham gia nhóm "Tiên Rồng" là tổ chức chính trị phản động, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Trang đã có nhiều hoạt động tích cực, tự nguyện thực hiện theo các nội dung do thành viên cốt cán của nhóm “Tiên Rồng” chỉ đạo, yêu cầu như kết nối, lôi kéo, tìm kiếm những người có cùng quan điểm chống phá nhà nước; giới thiệu người tham gia khóa học “Phù Đổng vì nước”, giúp sức cho tổ chức này có điều kiện tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Đối với bị cáo Nguyễn Xuân Tĩnh, cáo trạng nhận định: Khoảng năm 2016 và năm 2019, sử dụng tài khoản facebook cá nhân, Nguyễn Xuân Tĩnh đã tham gia nhóm kín trên facebook là "Việt Tân tương trợ". Đây là tổ chức ngoại vi, chịu sự chi phối, chỉ đạo trực tiếp của tổ chức Việt Tân. Tiếp đó, từ tháng 6/2020 đến tháng 7/2020, qua sự lôi kéo của Tôn Nữ Thể Trang, Nguyễn Xuân Tĩnh đã tham gia khóa huấn luyện "Phù Đồng vì nước" và có nhiều hoạt động khác nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hòng lật đổ chính quyền nhân dân. Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Tôn Nữ Thể Trang đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và tỏ ra ăn năn hối cải nên được Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, còn bị cáo Nguyễn Xuân Tĩnh vẫn quanh co chối tội. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử nhận định, qua kết quả điều tra và nhiều chứng cứ xác đáng thu thập được, đủ cơ sở để kết luận những hành vi của bị cáo Nguyễn Xuân Tĩnh là phạm tội như Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã cáo buộc…
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn giải phóng, Công lý, Thanh Niên, Lao Động, Thanh tra, VietNamPlus, Tiền Phong, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (17/3) đưa tin, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Đây là hội thảo quốc gia lần thứ ba của Ban Chỉ đạo, tiếp sau 2 hội thảo đã được tổ chức tại Hà Nội và Đà Nẵng vừa qua. Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo nêu rõ, tư tưởng về Nhà nước pháp quyền đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập từ rất sớm và thể hiện ngày càng rõ hơn trong Hiến pháp năm 1946, Cương lĩnh 1991; đến Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ Đại hội VII chính thức xác định: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân, vì dân”. Cương lĩnh 2011 khẳng định "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo” là 1 trong 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Đến Đại hội XIII, Đảng ta lần đầu tiên đề ra nhiệm vụ “Nghiên cứu ban hành Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam...”. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo cũng cho biết, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được sự tham gia rất tích cực, tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà lãnh đạo, quản lý am hiểu sâu sắc về lý luận, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú và đã có những đóng góp quan trọng cho Đảng, Nhà nước về lĩnh vực này. Đến nay, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 40 bài tham luận rất công phu, có chuyên gia, nhà khoa học gửi 2-3 bài. Nội dung các bài tham luận rất phong phú, đề cập nhiều vấn đề mới, đột phá cho Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nước ta đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Phát biểu tại Hội thảo, thay mặt Ban Chỉ đạo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo, tích cực của Ban Nội chính Trung ương và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của các nhà khoa học, chuyên gia làm công tác thực tiễn đã chuẩn bị chu đáo, dành thời gian nghiên cứu, viết bài và bố trí thời gian tham dự Hội thảo. Chủ tịch nước nhận xét, kết quả 3 cuộc hội thảo quốc gia về lĩnh vực này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định cho sự thành công khi triển khai trên thực tế với khối lượng thông tin rất lớn, rất có giá trị để chọn lọc, đưa vào nội dung của Đề án và Dự thảo Nghị quyết trình Trung ương. Chủ tịch nước nhấn mạnh mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2045, hoàn thiện cơ bản mô hình Nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng lãnh đạo; lấy phát triển con người làm trung tâm; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm chủ quyền nhân dân; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; có hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, có hiệu lực cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 1 lần nữa khẳng định quyết tâm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, hướng tới 1 nền dân chủ, công bằng, công lý, hiện đại, nhân văn, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân, nâng cao tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước, sớm đưa đất nước sánh vai với các cường quốc 5 châu như ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng…
 
TN
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Chính phủ điện tử, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, VietNamPlus, Tuổi trẻ, Tiền Phong, Pháp luật Việt Nam, Đại đoàn kết, Công lý, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (14/3) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra bổ sung lần 2 vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất-Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Tổng Công ty 3/2) và một số đơn vị liên quan. Đồng thời, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị truy tố bị can Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cùng 27 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản. Theo kết luận điều tra, ông Trần Văn Nam cùng các bị can trong vụ án có sai phạm trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với với khu "đất vàng" rộng 43 ha nằm phần lớn trên mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Khu đất này có nguồn gốc tài sản Nhà nước, được giao cho Tổng công ty 3/2 quản lý, nhưng sau đó, vì các sai phạm của Trần Văn Nam và thuộc cấp khi ký các văn bản trái pháp luật, khu đất này đã được chuyển sang sở hữu của doanh nghiệp tư nhân gây thất thoát lớn tài sản, ngân sách của Đảng, Nhà nước. Cơ quan điều tra đánh giá hành vi phạm tội của bị can Trần Văn Nam là đặc biệt nghiêm trọng vì là người có chức vụ cao nhất và lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội. Trong các bị can của vụ án, còn có Trần Thanh Liêm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Kết luận điều tra cho biết, trong quá trình cổ phần hóa Tổng công ty 3/2, bị can này biết doanh nghiệp đã chuyển nhượng đất trái quy định nhưng vẫn đồng ý, tạo điều kiện hoàn thành việc chuyển dịch tài sản nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại gần 202 tỷ đồng. Liêm biết khu đất 145ha đã được Tổng công ty 3-2 đưa vào góp vốn tại một công ty khác nhưng vẫn ban hành quyết định đưa khu đất vào mục tài sản chờ thanh lý trái với quy định của pháp luật gây thiệt hại gần 1.650 tỷ đồng cho nhà nước.
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Lao Động, Thanh Niên, VietNamNet, Dân trí, Thanh tra, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (15/3) đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố 7 bị can liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (Tổng Công ty VEC), Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan. Đây là diễn biến mới trong quá trình mở rộng điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tổng Công ty VEC. Căn cứ kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 09/QĐ-CSKT-P10, về các tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với vụ việc nêu trên. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với bị can Mai Tuấn Anh (nguyên Tổng giám đốc, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty VEC), về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Trần Văn Tám (nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty VEC, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Điều 224 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can: Nguyễn Mạnh Hùng (nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty VEC); Lê Quang Hào (nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty VEC, nguyên Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cơ sở dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi); Nguyễn Tiến Thành (nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi); Đỗ Ngọc Ân (nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi); Hà Văn Bình (nguyên Phó giám đốc phụ trách gói thầu, Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi)…
 
    Báo Nhân Dân điện tử, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Đại Đoàn kết, Lao Động, Tiền Phong, Công lý, Thanh Niên, VnExpress, Thanh tra, Đài TNVN, Đài THVN, TTXVN (20/3) cho biết, liên quan đến vụ lừa đảo "chạy điều động" nhằm điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác, sáng 20/3, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Đào Ngọc Cảnh (sinh năm 1947, trú tổ 1, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) về hành vi "Môi giới hối lộ" quy định tại khoản 4 Điều 365 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang tiến hành bắt giữ Trần Trí Mãnh (sinh năm 1980, trú số 95, đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang), Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Gia Thịnh về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả gồm phụ tùng xe gắn máy và nhớt xe nhiều chủng loại với số lượng lớn. Trong quá trình điều tra, Trần Trí Mãnh đã khai ra nhóm đối tượng Đào Ngọc Cảnh, Ngô Văn Trọng (sinh năm 1973, trú Quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng), Vũ Văn Quý (sinh năm 1991, trú quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) và Hoàng Thị Tâm (sinh năm 1967, trú huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã có hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có liên quan đến Mãnh. Theo kết quả điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang: Khoảng giữa tháng 1/2021, Trần Trí Mãnh đã liên hệ với Đào Ngọc Cảnh, Ngô Văn Trọng, Vũ Văn Quý và Hoàng Thị Tâm để nhờ thực hiện việc điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi địa phương khác với giá 20 tỷ đồng. Các đối tượng trên thống nhất và yêu cầu Trần Trí Mãnh chuyển trước vào tài khoản của Hoàng Thị Tâm 10 tỷ đồng và cam kết sau 3 ngày sẽ có quyết định điều chuyển, nếu không thực hiện được sẽ trả lại tiền. Sau khi nhận tiền của Trần Trí Mãnh, các đối tượng không thể thực hiện được yêu cầu nên Ngô Văn Trọng, Vũ Văn Quý và Hoàng Thị Tâm đã bàn bạc chuyển lại cho Mãnh số tiền 7,4 tỷ đồng. Còn lại 2,6 tỷ đồng, ba đối tượng trên nói đã chi phí vào việc chạy lo lót điều chuyển, nhưng thực chất số tiền này đã được chia nhau để tiêu xài cá nhân. Căn cứ vào kết quả điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang xác định: Đào Ngọc Cảnh đã môi giới hối lộ cho Trần Trí Mãnh, dùng số tiền 20 tỷ đồng để nhờ nhóm Ngô Văn Trọng, Hoàng Thị Tâm và Vũ Văn Quý đưa hối lộ cho người giữ chức vụ cao nhằm điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh An Giang đi nơi khác. Trần Trí Mãnh đã chuyển trước số tiền 10 tỷ đồng vào tài khoản của Hoàng Thị Tâm theo yêu cầu của Ngô Văn Trọng. Hiện vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh An Giang tiếp tục điều tra làm rõ…
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Thanh tra (15/3) đưa tin, Cơ quan Điều tra Liên bang Pakistan (FIA) cuối tuần qua đã bắt giữ lãnh đạo Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-Nawaz (PML-N), cựu Thượng Nghị sĩ Chaudhary Tanvir Khan ở thành phố Karachi, liên quan đến một vụ tham nhũng, truyền thông địa phương đưa tin. Các nhà chức trách cáo buộc Tanvir Khan đang cố gắng "trốn thoát" khỏi đất nước bằng cách lên chuyến bay đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, theo The Dawn. Tên của Tanvir đã được đưa vào "danh sách đen" của FIA theo yêu cầu của Cơ quan Chống tham nhũng Punjab như một biện pháp phòng ngừa sau nhiều nỗ lực truy bắt đều thất bại.“FIA đã tính đến hành động có thể có của cựu thượng nghị sĩ là bỏ trốn khỏi đất nước... và hôm nay ông ta đã ở Sân bay Karachi... FIA sẽ bàn giao Tanvir cho Cơ quan Chống tham nhũng tại Punjab”, The Dawn dẫn lời một quan chức cho biết.Vụ bắt giữ diễn ra vào thời điểm phe đối lập ở Pakistan đang gia tăng các cuộc biểu tình bất tín nhiệm chống lại chính quyền Thủ tướng Imran Khan.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Hội thảo quốc gia lần thứ ba của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045"
    - Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
    - Khai trừ ra khỏi Đảng các đồng chí Phan Mạnh Cường và Nguyễn Thế Anh
    - Đề nghị truy tố nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
.