Hòa Bình: Một số kết quả thực hiện công tác cải cách tư pháp tháng 10/2021
Thứ Năm, 18/11/2021, 06:58 [GMT+7]
Trong tháng 10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp. Các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan tư pháp tiếp tục nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; triển khai thực hiện Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp và chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược mới về cải cách tư pháp; dự thảo kế hoạch thực hiện chương trình trọng tâm giai đoạn 2021-2026.
Nâng cao hiệu quả công tác giám sát hoạt động tư pháp, công tác điều tra, truy tố, xét xử được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật; không để xảy ra oan, sai, không bỏ lọt tội phạm; tin báo về tội phạm được xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; công tác thi hành án đã được quan tâm thực hiện nghiêm túc.
Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam quý IV năm 2021 tại Nhà tạm giữ Công an huyện Tân Lạc (tháng 11/2021) |
Lực lượng Công an chủ động nâng cao chất lượng công tác nắm tình hình, nhất là những địa bàn, khu vực trọng điểm, giải quyết kịp thời những vấn đề phức tạp nảy sinh về an ninh trật tự, không để phát sinh điểm nóng; xử lý các vụ việc, vụ án nổi cộm, bức xúc về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; tỷ lệ phá án đạt 89%; trong đó, tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%.
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã tổ chức thành công cuộc thi “Viết dự thảo bài và trình bày bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm” năm 2021; tăng cường tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa; tập trung giải quyết nhanh chóng, dứt điểm án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và các việc khác theo quy định của pháp luật; hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung, án hủy để điều tra, xét xử lại…; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chống oan sai, bỏ lọt tội phạm. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã kịp thời ban hành các kiến nghị phòng ngừa nhằm thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm.
Tòa án nhân dân tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp với cải cách thủ tục hành chính tại Tòa án nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm đúng trình tự, quy định; hạn chế thấp nhất bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán; triển khai thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để giải quyết triệt để các tranh chấp.
Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong khối nội chính trong quá trình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm mọi hành vi phạm tội được phát hiện, xử lý kịp thời, công khai, nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật; xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về ý thức pháp luật cho cán bộ và Nhân dân.
Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện, thành phố; tăng cường sự phối hợp với các cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu quả công tác xét xử và tích cực đổi mới việc tranh tụng tại phiên tòa; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh; quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác tư pháp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuệ Minh