Quá trình phát triển nhận thức của Đảng ta về đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Thứ Bảy, 12/08/2023, 06:39 [GMT+7]
    Tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm không chỉ tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội, cản trở nỗ lực đổi mới, kìm hãm sự phát triển của đất nước mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, làm xói mòn niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm băng hoại giá trị đạo đức truyền thống, làm giảm uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Vì vậy, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn nhất quán nhận thức coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta; là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

    Tham nhũng là một hiện tượng xã hội gắn liền với sự hình thành giai cấp và sự ra đời, phát triển của bộ máy nhà nước. tệ nạn tham nhũng diễn ra ở tất cả các quốc gia, nó tồn tại và phát triển thường xuyên, len lỏi vào mọi mặt của đời sống xã hội và đụng chạm đến lợi ích của hầu hết các tầng lớp cư dân. Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) ở Việt Nam năm 2018 nêu rõ: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. “Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó”. Xuất phát từ nhận thức tham nhũng là một căn bệnh nguy hiểm, nó gây ra những hậu quả hết sức nguy hại về mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, cản trở sự phát triển của xã hội, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, từng bước đưa cuộc đấu tranh PCtN do Đảng phát động, lãnh đạo thực sự “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đồng thời phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

    Ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi PCtN là công việc quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Trải qua các giai đoạn lịch sử, đến Đại hội VI (1986), mở đầu công cuộc đổi mới đất nước, cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí được Đảng ta đẩy mạnh. Văn kiện Đại hội VI nêu rõ: “Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển. Công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ, và nhân viên nhà nước... chưa bị trừng trị nghiêm khắc”. trong các Văn kiện Đại hội thời kỳ đổi mới, Đảng ta tiếp tục có sự nhất quán trong nhận thức về sự nguy hại của tham nhũng đối với sự tồn vong của chế độ và sự cần thiết phải đấu tranh PCTN.

    Nghị quyết số 14/NQ/TW, ngày 15/5/1996 về quan điểm chỉ đạo và một số giải pháp để đấu tranh chống tham nhũng của Bộ Chính trị (khóa VII) đã chỉ rõ: Đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay. Nó góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân... Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền và phục vụ cho đổi mới kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN.

    Thực hiện quan điểm trên, từ sau Hội nghị trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Đảng và Nhà nước ta đã tăng cường công tác đấu tranh PCTN và đã đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có những vụ án lớn, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý. tuy nhiên, cuộc đấu tranh PCtN còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, hiệu quả thấp. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Xuất phát từ yêu cầu đấu tranh PCTN trong tình hình mới, Đại hội X của Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTN, trong đó xác  định: “Đấu tranh PCTN, lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm  của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Đại hội yêu cầu cần phải thành lập các Ban Chỉ đạo PCtN trung ương và địa phương đủ mạnh, có thực quyền, hoạt động có hiệu quả. Hội nghị trung ương 3 khoá X đã ban hành Nghị quyết về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”. Nghị quyết đã nhận diện rất rõ nguyên nhân chủ yếu của những thiếu sót, khuyết điểm trong PCTN; đồng thời, xuất phát từ nhận thức PCTN là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, Nghị quyết đã đề ra 10 chủ trương, giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”.

    Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết trung ương 3 khóa X, công tác PCtN đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt được những kết quả bước đầu, nhất là trong phòng ngừa, công khai, minh bạch hoá, cải cách thủ tục hành chính, quản lý tài sản công, từng bước kiềm chế tham nhũng trên một số lĩnh vực. Tuy nhiên, công tác PCtN chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra. Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội và là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

    Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, trên cơ sở tổng kết lý luận và thực tiễn, Đảng ta khẳng định trên lĩnh vực đấu tranh chống tham nhũng đã có những chuyển biến rõ nét; nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh, nhiều quan chức cấp cao, kể cả thuộc diện trung ương quản lý cũng chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật. Ban Chỉ đạo Trung  ương về PCTN quyết định đưa 8 vụ án tham nhũng trọng điểm, làm thất thoát tài sản lớn của đất nước từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng ra xét xử trước kỳ Đại hội XII của Đảng. Trên tinh thần đó, tại Hội nghị trung ương 5 (khóa XI), Trung ương đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí với 6 nhóm giải pháp cơ bản: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN, lãng phí; tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác PCTN, lãng phí; tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong PCTN, lãng phí; Đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác PCTN. 

    Hội nghị trung ương 5 khóa XI, cũng đã quyết định tổ chức lại Ban Chỉ đạo về PCtN; theo đó, Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN trực thuộc Bộ Chính trị do tổng Bí thư đứng đầu. Hội nghị cũng quyết định không tổ chức ban chỉ đạo tỉnh, thành phố về PCTN. tỉnh ủy, thành ủy trực tiếp lãnh đạo công tác PCTN và có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo trung ương về PCTN khi có vụ việc tham nhũng nghiêm trọng xảy ra ở địa phương. Mục đích của sự thay đổi này nhằm tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác đấu tranh PCtN, tăng cường tính độc lập tương đối của Ban Chỉ đạo với các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp trong công tác đấu tranh PCTN.

    Thống nhất với quan điểm các kỳ Đại hội trước đó, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định và bổ sung quan điểm về đấu tranh PCTN. Đại hội nhấn mạnh: “tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước”. Do cơ chế thực thi và kiểm soát quyền lực ở nước ta hiện đang còn nhiều sơ hở, chưa được luận giải thấu đáo về lý luận cũng như về thực tiễn, đã dẫn đến sự tha hóa của quyền lực. Vì cơ chế “ủy quyền” không đi kèm với cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu nên quyền lực công bị lợi dụng trở thành công cụ, phương tiện để mưu lợi cá nhân, nhóm lợi ích... Bởi vậy, Đại hội XII nêu rõ: “công tác PCTN, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra, tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng”. Đáng nguy hại hơn là có những lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ, đã để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Mặt khác, do không có cơ chế quản lý chặt chẽ, quyền lực nhà nước đã bị lợi dụng trở thành quyền lực của cá nhân, hoặc của một nhóm người. Tha hóa về quyền lực nhà nước, và vô chủ về sở hữu tài sản công là những nhân tố tác động trực tiếp làm cho sự tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên càng trở nên nghiêm trọng, đòi hỏi cần có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn.

    Có thể thấy rằng, đến Đại hội XII, nhận thức của Đảng về tham nhũng đã có những bước phát triển mới, trọng tâm là  nhận diện rõ mối liên hệ giữa tha hóa quyền lực, kiểm soát quyền lực với tham nhũng, vì vậy để đấu tranh PCTN có hiệu quả cần tác động vào chính cơ chế hình thành và nguyên nhân tạo ra tham nhũng trên hai nội dung lớn là kiểm soát quyền lực công và kiểm soát tài sản công hữu hiệu. Mặt khác, từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn nước ta trong thực hiện “ba không” trong PCTN: “không thể”, “không dám” và “không cần” đã được Đại hội XII của Đảng nâng lên thành quan điểm: “Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng”. 

    “Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ. Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Kiên quyết đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực”. 
    Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb CTQGST, H.2021, t.2, tr.257.

    Qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, ngày 26/12/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 10-KL/TW về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết trung ương 3 (khóa X) về cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCtN, lãng phí”. Đây là văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, vừa đánh giá những kết quả, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết trung ương 3, vừa cụ thể hóa những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ về PCTN, lãng phí theo Nghị  quyết Đại hội XII của Đảng. 

    Với tinh thần thẳng thắn, khách quan, toàn diện; đánh giá đúng sự thật, không tô hồng để dẫn đến chủ quan, thỏa mãn, cũng không bôi đen để dẫn đến bi quan, lo lắng, Bộ Chính trị đánh giá kết quả, hạn chế, nguyên nhân sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X). Để khắc phục có hiệu quả hai khuynh hướng tả khuynh, nóng vội và hữu khuynh, trì trệ, cầm chừng, thiếu quyết liệt, Bộ Chính trị xác định rõ quan điểm: Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động, và có trọng tâm, trọng điểm. Gắn PCTN với thực hành tiết kiệm,  chống lãng phí; gắn PCTN với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không tham nhũng; cơ chế đảm bảo không cần tham nhũng.

    Như vậy, Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục nhấn mạnh sự tương quan về vai trò, vị trí và mối quan hệ giữa “phòng” và “chống” trong đấu tranh PCTN, đồng thời thể hiện rất rõ tinh thần, thái độ quyết liệt của Đảng trong PCtN. Đáng chú ý, trong Kết luận này có một số điểm mới trong các giải pháp, thể hiện rõ bước phát triển quan trọng trong nhận thức, quan điểm của Đảng về PCTN, cụ thể như: Xác định rõ trách nhiệm, hoàn thiện chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng; xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả PCTN;  đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ; xóa bỏ cơ chế “xin, cho” ngăn chặn, loại bỏ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”; xây dựng Đề án tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực; thiết lập cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực thật sự có hiệu lực, hiệu quả để ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí; từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước...

    Nhất quán với quan điểm trên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “Công tác PCtN, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. tại Đại hội này, nhận thức mới của Đảng được thể hiện ở việc xác định một cách tổng thể, có hệ thống, toàn diện mục tiêu, quan điểm và những giải pháp chủ yếu PCtN trong tình hình mới, trọng tâm là: Xác định rõ cuộc đấu tranh PCTN đòi hỏi “phải kiên trì, liên tục” với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn, “trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu” cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị. tham nhũng luôn song hành cùng quyền lực, chừng nào các hình thức quyền lực chính trị còn bị tha hóa, quyền lực nhà nước còn bị lợi dụng, quyền lực không được kiểm soát thì nguy cơ xảy ra tham nhũng là hiện hữu; khẳng định rõ “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, thực hiện đồng bộ các biện pháp “chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự” trong PCTN; “coi trọng giáo dục liêm chính”, kiên trì giáo dục, rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đẩy mạnh “kiểm soát quyền lực” để PCTN; kịp  thời xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp; từng bước mở rộng phạm vi “PCTN ra khu vực ngoài nhà nước” để ngăn chặn sự cấu kết giữa cán bộ, công chức, viên chức nhà nước thoái hóa, biết chất với đối tượng hoạt động ở khu vực ngoài nhà nước.

    Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 06/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCtNtC. Để tiếp tục đẩy mạnh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị nhấn mạnh: Cần phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, kiên quyết, kiên trì xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan, đại biểu dân cử, Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTNTC. từng bước mở rộng phạm vi PCTN ra khu  vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN; cụ thể hóa và thực thi Công ước quốc tế về chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam...

    Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC giai đoạn 2012-2022, ngày 30/6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: từ những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua, chúng ta tin tưởng rằng, công tác PCTNTC trong thời gian tới sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa và đạt hiệu quả cao hơn nữa. Tham nhũng, tiêu cực nhất định sẽ bị ngăn chặn, đẩy lùi; góp phần xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và xứng đáng với niềm tin yêu, sự mong đợi của nhân dân. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: Nhận thức phải chín; tư tưởng phải thông; quyết tâm phải lớn, và phương pháp phải đúng; góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình, thực sự có kết quả rõ ràng, cụ thể.

TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Trần Phú, Hà Tĩnh
ThS. Lê Thị Thùy Dung, Khoa Nhà nước và Pháp luật, Trường Chính trị Trần Phú, Hà Tĩnh

.