Hội thảo khoa học cấp quốc gia "50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ Năm, 29/08/2019, 17:12 [GMT+7]
    Sáng 28-8, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh".
 
    Dự và đồng chủ trì có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước.
 
Các đồng chí chủ trì Hội thảo
Các đồng chí chủ trì Hội thảo
    Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh, đây là dịp nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh, định hướng của bản Di chúc mà Người để lại cho Đảng và nhân dân Việt Nam; đồng thời, nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã đạt được, những thành tựu nổi bật và cả những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa qua chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
 
    Với quyết tâm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn", từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên thiếu lương thực, thực phẩm, phải xin viện trợ và nhập khẩu, đến nay, Việt Nam đã trở thành một trong những nước phát triển và đứng đầu trong xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp trên thế giới. Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến từng đối tượng cụ thể, nhất là chăm lo cho thế hệ trẻ, bồi dưỡng "thế hệ cách mạng cho đời sau" coi đó là một việc "quan trọng và rất cần thiết". 
 
    Theo báo cáo đề dẫn, Bản Di chúc là sản phẩm của một trí tuệ lỗi lạc, một trái tim nhiệt huyết, giàu lòng yêu thương, kết tinh tình cảm cao đẹp của một nhà yêu nước và đồng thời là người chiến sỹ Cộng sản kiệt xuất Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là văn kiện lịch sử ở tầm cương lĩnh với tầm nhìn vượt thời gian, mang tinh thần cách mạng cao cả và nhân văn sâu sắc, chứa đựng các giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; mang niềm tin sắt son không gì lay chuyển được vào tương lai thắng lợi tất yếu của cách mạng. Bản Di chúc sau khi được công bố đã gây xúc động mạnh mẽ, như một lời hiệu triệu, được truyền đi, lan tỏa, trở thành ý chí, quyết tâm và sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, tiến lên "đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào" giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
 
    Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, song bản Di chúc của Người vẫn luôn là ngọn đuốc tiếp tục rọi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Thực hiện di nguyện thiêng liêng của Bác, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
 
    60 tham luận tại Hội thảo tập trung nghiên cứu về nội dung, giá trị lý luận, thực tiễn và kết quả của việc thực hiện Di chúc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong 50 năm qua; trên cơ sở đó, tiếp tục khẳng định giá trị của bản Di chúc và rút ra những bài học kinh nghiệm, những giải pháp đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
 
    Các đại biểu đã đi sâu làm rõ những nội dung và giá trị sâu sắc trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến tại Hội thảo khẳng định, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
                                                                                    Quỳnh Hoa
.