Công chức bị xử lý hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc theo quy định hiện hành

Chủ Nhật, 09/06/2019, 10:14 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết trong những trường hợp nào thì công chức bị xử lý hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc?
 
    Trả lời: Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17-5-2011 của Chính phủ quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức có quy định cụ thể về những trường hợp công chức bị xử lý hạ bậc lương, giáng chức, cách chức và buộc thôi việc.
 
    Theo đó, tại Điều 11 quy định hình thức kỷ luật hạ bậc lương áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: (1) Không thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao mà không có lý do chính đáng, gây ảnh hưởng đến công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (2) Lợi dụng vị trí công tác, cố ý làm trái pháp luật với mục đích vụ lợi; (3) Vi phạm ở mức độ nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
    Điều 12 quy định các hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: (1) Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; (2) Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng đã thành khẩn kiểm điểm trong quá trình xem xét xử lý kỷ luật; (3) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn.
 
    Về các hình thức kỷ luật cách chức Điều 13 quy định áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: (a) Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ; (b) Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng; (c) Bị phạt tù cho hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ; (d) Vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức. Và việc áp dụng hình thức kỷ luật cách chức đối với công chức giữ các chức danh tư pháp được thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật chuyên ngành.
 
    Đối với các hình thức kỷ luật buộc thôi việc Điều 14 áp dụng đối với công chức có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: (1) Bị phạt tù mà không được hưởng án treo; (2) Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) Nghiện ma túy có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; (4) Tự ý nghỉ việc, tổng số từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng hoặc từ 20 ngày làm việc trở lên trong một năm mà đã được cơ quan sử dụng công chức thông báo bằng văn bản 03 lần liên tiếp; (5) Vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kỷ luật lao động; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức.
 
    Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 22 Nghị định 31/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ cũng đã quy định hình thức kỷ luật cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có những hành vi vi phạm pháp luật về tố cáo.
Thanh An
.