Tây Ninh: Củng cố tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp
Chủ Nhật, 01/08/2021, 06:28 [GMT+7]
Trong 6 tháng đầu năm 2021, các cơ quan tư pháp tỉnh Tây Ninh đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương và của tỉnh; ban hành kịp thời, đầy đủ các chương trình, kế hoạch công tác năm; củng cố, kiện toàn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết của Đảng liên quan đến lĩnh vực tư pháp; quan tâm đổi mới tổ chức, hoạt động của cơ quan, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đảng ủy Công an tỉnh Tây Ninh quan tâm lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh hạn chế, thiếu sót sau kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra năm 2020; thực hiện đúng quy định về pháp luật quốc tế đối với các trường hợp tiếp nhận, xử lý tin báo, án có đối tượng là người có quốc tịch nước ngoài; tăng cường công tác đấu tranh và điều tra xử lý tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại địa phương; tăng cường điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Công an về thi tuyển Điều tra viên và chuẩn bị những điều kiện cần thiết phục vụ tốt kỳ thi tuyển; quan tâm thực hiện bổ nhiệm lại, nâng ngạch các chức danh tư pháp, bổ trợ tư pháp đối với số cán bộ đủ tiêu chuẩn.
Công an tỉnh Tây Ninh tăng cường công tác đấu tranh và điều tra xử lý tội phạm |
Viện kiểm sát nhân dân hai cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng về "Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, "Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa" theo tinh thần cải cách tư pháp; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố ở VKSND hai cấp ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, đảm bảo các nguồn tin đều được tiếp nhận, thụ lý, giải quyết và kiểm sát đúng quy định pháp luật; đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo kiểm sát chặt chẽ số vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố, thực hiện chặt chẽ công tác kiểm soát hoạt động tư pháp ở các lĩnh vực, trong đó đặc biệt chú trọng công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật. Toàn Ngành hiện có 197/219 biên chế (thiếu 22 người); kiểm sát viên trung cấp làm nhiệm vụ ở VKSND tỉnh thiếu 05 (38/43), kiểm sát viên sơ cấp công tác ở VKSND các huyện, thị xã, thành phố thiếu 26 (78/104).
Toàn Ngành Tòa án hiện có 247/294 biên chế (tỉnh 64/82, huyện 183/212), đội ngũ thẩm phán 147 đồng chí (tỉnh 28/31, huyện 119/137); thực hiện kế hoạch tinh giản 10% biên chế, đến nay Tòa án hai cấp đã giảm 50 biên chế (giảm vượt 21 biên chế theo quy định). Trong 6 tháng đầu năm, đã thực hiện điều động, luân chuyển đối với 09 Thẩm phán; thực hiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý đối với 08 đồng chí, bổ nhiệm mới 06 Thẩm phán và 01 Thẩm tra viên; thành lập 10 Trung tâm hòa giải đối thoại tại Tòa án.
Cục Thi hành án dân sự tỉnh thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện tốt công tác điều động, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ nhằm đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu công tác; kịp thời ban hành kế hoạch công tác năm 2021 và phê duyệt kế hoạch công tác của các Chi cục và các phòng chuyên môn trực thuộc; quan tâm chỉ đạo các đơn vị tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu đơn vị. Toàn ngành hiện có 152/176 biên chế, trong đó Cục Thi hành án dân sự 28/33 biên chế, các Chi cục 124/143 biên chế.
Trịnh Hoàn