Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Quảng Bình: Triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021

Thứ Năm, 22/07/2021, 05:59 [GMT+7]
    Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức Hội nghị đánh giá công tác công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp; đồng chí Nguyễn Lương Bình, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp; các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.
 
    Trong 6 tháng đầu năm 2021, Tỉnh ủy Quảng Bình đã tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp (CCTP) trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW về Chiến lược CCTP đến năm 2020. 
 
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Quảng Bình phát biểu kết luận Hội nghị
Đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh Quảng Bình phát biểu kết luận Hội nghị
    Lực lượng Công an đã tiếp nhận, giải quyết 425 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, đã giải quyết 312 tin. Cơ quan điều tra Công an các cấp đã thụ lý 501 vụ án, 853 bị can, chuyển Viện kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị truy tố 297 vụ án, 550 bị can, tiếp tục điều tra 168 vụ, 282 bị can. 
 
    Viện Kiểm tra nhân dân hai cấp thụ lý kiểm sát 443 tin báo, tố giác tội phạm, giải quyết 408 tin báo (đạt tỷ lệ 92,1%); thụ lý kiểm sát điều tra 478 vụ, 810 bị can; kiểm sát xét xử sơ thẩm 377 vụ, 734 bị cáo; kiểm sát xét xử phúc thẩm 52 vụ, 72 bị cáo; xác định 21 vụ án trọng điểm; liên ngành phối hợp điều tra, truy tố, xét xử 2 vụ án hình sự theo thủ tục rút gọn. 
 
    Trong lĩnh vực hình sự, Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 426 vụ, 798 bị cáo; đã giải quyết, xét xử 303 vụ, 521 bị cáo (đạt tỷ lệ 71,1% số vụ và đạt tỷ lệ 65,3% số bị cáo); đã giải quyết, xét xử 248 vụ trong tổng số 554 vụ án tranh chấp dân sự, đạt tỷ lệ 44,8%; 707 vụ trong tổng số 1029 vụ án hôn nhân và gia đình, đạt tỷ lệ 68,7%; 34 vụ trong tổng số 69 vụ án hành chính, đạt tỷ lệ 50%; số vụ, việc còn lại chưa giải quyết đều mới thụ lý và đang trong thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định của pháp luật. Hoà giải thành 171 vụ án.  
 
    Các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh giải quyết tổng số 3.598 việc, phải thi hành 3.564 việc, trong đó: có điều kiện thi hành 3.138 việc, hoãn thi hành 11 việc, tạm đình chỉ 6 việc, chưa có điều kiện thi hành 409 việc. Trong số có điều kiện thi hành, đã thi hành xong 2.257 việc (đạt tỷ lệ 71,92%), 71 tỷ 889 triệu 763 ngàn đồng (đạt tỷ lệ 10,32%). Cưỡng chế thành công 11 việc.
 
    Công tác khởi tố, bắt tạm giữ, tạm giam, không có trường hợp oan, sai, thiếu căn cứ hoặc đình chỉ do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc tòa tuyên án không phạm tội; công tác xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các cơ quan tư pháp đã phối hợp chặt chẽ trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Các cơ quan bổ trợ tư pháp hoạt động ngày càng có hiệu quả, công tác luật sư có nhiều đổi mới. Cấp ủy đảng chính quyền, cơ quan dân cử các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp; cơ sở vật chất, kỹ thuật của các cơ quan tư pháp tiếp tục được quan tâm đầu tư, hỗ trợ.
 
    Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo đã thể hiện vai trò và tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Trung ương. Kết quả thực hiện nhiệm vụ CCTP đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
 
    Với tinh thần nghiêm túc, khách quan, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, đề xuất nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ CCTP đạt kết quả cao hơn trong 6 tháng cuối năm và thời gian tới.
 
    Kết luận Hội nghị, đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác CCTP 6 tháng đầu năm và cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đề nghị các cơ quan tư pháp và các cơ quan có liên quan, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra trong Báo cáo, gồm: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về công tác tư pháp, cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 04-KH/TU ngày 29/12/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận số 84-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 08-KH/BCĐCCTPTW của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; tập trung khắc phục những hạn chế trong công tác cải cách tư pháp đã được chỉ ra qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW.
 
    Tiếp tục thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; tích cực nghiên cứu đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TAND, Viện KSND, các cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án theo tinh thần cải cách tư pháp.
 
    Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án đã được ban hành trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp; đảm bảo các điều kiện và nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các đề án: “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh”, “Phát triển văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh”; xem xét, quyết định việc phê duyệt các đề án liên quan đến lĩnh vực bổ trợ tư pháp; có chính sách thu hút, đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực bổ trợ tư pháp. 
 
    Tổ chức có hiệu quả việc kiểm tra đối với Bán cán sự Đảng TAND tỉnh, Bán cán sự Đảng VKSND tỉnh và Đảng ủy Công an tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) theo Chương trình Kiểm tra, giám sát năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp; tiếp tục thực hiện nghiêm Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư và các Đề án phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp. 
 
    Tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp; quan tâm lãnh đạo công tác bảm đảm cơ sở vật chất phục vụ công tác cải cách tư pháp; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ và công tác xây dựng đảng, đảng viên; thành lập tổ chức đảng trong Đoàn Luật sư tỉnh; tăng cường hợp tác với Sở An ninh, Sở Tư pháp tỉnh Khăm Muộn (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm và một số hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp.
 
    Đồng chí lưu ý, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, dự báo tình hình tội phạm sẽ diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp phòng chống tội phạm, kiểm soát tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chung tay thực hiện nội dung cam kết của Lãnh đạo tỉnh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021 “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự”. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu nhân rộng cách làm hay để có sự đồng bộ, thống nhất và mang lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ CCTP. 
 Đoàn Thị Thanh Hoan
.