Nâng cao hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp

Thứ Hai, 04/11/2019, 14:18 [GMT+7]
    Sáng 02/11, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
 
    Chỉ thị số 39-CT/TW được Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành trên cơ sở tổng kết, đánh giá và kế thừa, phát triển những kết quả đã đạt được được trong Chỉ thị số 57-CT/TW ngày 08/8/1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa VII), có vai trò quan trọng trong xác định cụ thể các định hướng, nguyên tắc và đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản cho công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp vụ phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
 
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì Hội nghị
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì Hội nghị
    Việc tổng kết Chỉ thị 39-CT/TW ở thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Trung ương đang tiến hành tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Kết quả tổng kết sẽ góp phần đề xuất với Ban Bí thư về định hướng, chính sách công tác đối ngoại, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong tình hình mới.
 
    Dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị đã được các cấp ủy đảng và chính quyền thực hiện nghiêm túc, gắn kết với các nghị quyết, văn bản của Đảng và pháp luật về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế để đảm bảo hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ bản đã nhận thức được ý nghĩa vai trò của hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tầm quan trọng của Chỉ thị trong thực hiện hợp tác quốc tế.
 
    Các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp được thực hiện bám sát với 5 nguyên tắc, định hướng của Chỉ thị số 39-CT/TW. Các cơ quan, tổ chức, địa phương đã phân tích, đánh giá đúng nhu cầu hợp tác, chủ động lựa chọn đối tác, xây dựng nội dung chương trình, dự án phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đặc điểm chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; thực hiện nghiêm túc các chương trình, dự án đã ký kết, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ; thực hiện tốt việc quản lý, điều phối và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
 
    Các cơ quan, tổ chức, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, kịp thời phát hiện các sai sót để khắc phục, xử lý kịp thời, nghiêm minh những hành vi vi phạm; thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật Nhà nước, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn, không để các thế lực thù địch lợi dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị; đồng thời, tăng cường việc trao đổi thông tin, tuyên truyền để phía đối tác nước ngoài hiểu rõ những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, hiểu rõ hơn về hệ thống pháp luật và những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp…
 
    Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về kết quả, hạn chế sau 10 năm thực hiện Chỉ thị, nhận diện bối cảnh mới với những yêu cầu mới đặt ra, đề xuất định hướng nhiệm vụ hợp tác quốc tế về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp trong thời gian tới, từ đó hoàn thiện và làm sâu sắc hơn dự thảo báo cáo của Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm và dự thảo Kết luận của Ban Bí thư.
 
    Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định, Chỉ thị đến nay vẫn còn nguyên giá trị, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp là yêu cầu của các cơ quan, tổ chức nhằm tranh thủ tiếp cận, học hỏi các kiến thức, kinh nghiệm quốc tế cũng như tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ cho các nỗ lực cải cách của Việt Nam theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có sự thay đổi nhanh chóng, yêu cầu đặt ra trong hợp tác quốc tế là phải kết hợp được những hợp tác và đề cao cảnh giác, phòng ngừa tác động, can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của Việt Nam.
 
    Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các cơ quan, tổ chức, địa phương tiếp tục thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và tăng cường năng lực xây dựng pháp luật cho đội ngũ cán bộ trong thực hiện hợp tác quốc tế, đảm bảo phân tích, đánh giá kỹ tác động trước khi đề xuất, đàm phán ký kết, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp; xây dựng và thực hiện các cơ chế, giải pháp bảo đảm sự chủ động, làm chủ có hiệu quả hoạt động hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp ngay từ khâu đề xuất đến tổ chức thực hiện, lựa chọn nội dung hợp tác phù hợp.
 
    Tinh thần chủ đạo của Chỉ thị 39-CT/TW là nhằm tiếp thu kinh nghiệm tốt của quốc tế nhưng phải có sự lựa chọn, sàng lọc, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. 
                                                                                            Lê Sơn
.