Quảng Ninh: Nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Chủ Nhật, 17/10/2021, 06:42 [GMT+7]
    Xác định cải cách hành chính tiếp tục là 1 trong 3 đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên liên tục, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI lần đầu tiên được đưa vào văn kiện Đại hội.
 
    Từ năm 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chủ trương, biện pháp, mô hình, cách làm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với tư duy đổi mới, chủ động, sáng tạo, thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân.
 
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
    Tỉnh đã chủ động, quyết liệt thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; mạnh dạn thí điểm nhiều mô hình mới đột phá; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ. Công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến đạt kết quả quan trọng, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn. Tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp sáng tạo trong công tác hỗ trợ đầu tư, doanh nghiệp nhà đầu tư ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả...
 
    Từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
 
    Những nỗ lực trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GRDP nhanh và bền vững qua các năm (bình quân 5 năm tăng 10,7%; quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt gần 220 nghìn tỷ đồng; thu hút đầu tư khu vực tư nhân, khu vực FDI ngày càng cao; tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới giai đọan 2016-2020 nằm trong nhóm 16/63 địa phương dẫn đầu cả nước (tăng 53,1%). Đội ngũ doanh nhân không ngừng lớn mạnh trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đóng góp vào ngân sách và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục được cải thiện. Đặc biệt 9 tháng năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 8,6%, cao hơn nhiều so với trung bình cả nước, thu ngân sách đạt 33.527 tỷ đồng, bằng 66% dự toán, bằng 93% so cùng kỳ; thu hút được nhiều dự án đầu tư ngoài ngân sách có tính động lực, quy mô lớn...
                                                                                           Văn Hiếu
.