Chủ động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ gốc

Thứ Năm, 14/10/2021, 05:50 [GMT+7]
    Một trong những vấn đề thảo luận tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII được xã hội rất quan tâm là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trọng tâm là ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại họp báo sau Đại hội XIII của Đảng, tháng 1/2021, đây là cuộc chiến lâu dài, gian khổ, vừa qua chúng ta đã làm tốt, tới đây còn phải quyết liệt hơn, dù biết rằng rất gian nan.
 
    Ba hội nghị lần thứ tư của ba nhiệm kỳ Đại hội gần đây, Trung ương đều tập trung bàn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mỗi lần lại bổ sung những nội dung, yêu cầu nhiệm vụ, giải pháp mới mang tư tưởng chỉ đạo mới với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn, đưa ra cách làm bài bản và đồng bộ hơn. Để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo đất nước tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới, đây là yêu cầu tất yếu, là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới.
 
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu dự Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
    Trong các bài phát biểu tại hội nghị lần này, người đứng đầu của Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Đồng chí cho rằng, cái mới của lần này là Trung ương đã mở rộng phạm vi, không chỉ trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà còn bao gồm cả trong xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; cùng với ngăn chặn, đẩy lùi thì phải chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực,...
 
    Khẳng định những thành tựu đã đạt được, Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ rõ, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" vẫn chưa được ngăn chặn đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả không lường. Theo Tổng Bí thư, nhiệm kỳ trước đã làm quyết liệt, nhiệm kỳ này càng phải làm quyết liệt hơn, đồng bộ, bài bản, hiệu quả hơn, bất kể ai sai phạm đều phải xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
 
    Thực tế đã minh chứng điều ấy. Từ sau Đại hội XIII đến nay chưa đầy một năm, nhưng một số tổ chức đảng, cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao đã bị xử lý  nghiêm khắc do có nhiều sai phạm. Đó là Ban Thường vụ Đảng uỷ Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015 – 2020, bị Ban Bí thư cảnh cáo do vi phạm rất nghiêm trọng các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, để nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ chủ chốt và lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trực thuộc suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; buông lỏng lãnh đạo, kiểm tra, để Bộ Tư lệnh và các đơn vị trực thuộc vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng tài chính; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; mua sắm thiết bị kỹ thuật, vật tư, hàng hoá; đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Hai sĩ quan cấp tướng bị khai trừ ra khỏi Đảng; bảy sĩ quan cấp tướng bị cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
 
    Trước đó, ngày 17/8/2021, Ban Bí thư cũng đã quyết định kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2016-2021 do vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Uỷ ban nhân dân thành phố và một số sở, ngành, cán bộ, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước; nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên bị kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự; bốn cá nhân liên quan bị khai trừ ra khỏi Đảng. Đối với Bình Dương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Uỷ ban nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, do có nhiều vi phạm nghiêm trọng, cũng đã bị các cơ quan có thẩm quyền quyết định cảnh cáo. Tại Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Trần Văn Nam, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương.
 
    Đúng như Tổng Bí thư đã nói, đây là một cuộc chiến rất gian nan, nhưng không thể không làm. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, đánh giá đúng sự thật, các đồng chí Ủy viên Trung ương dự hội nghị lần này đã đi sâu phân tích mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra đúng căn nguyên, đề ra các giải pháp chữa trị hữu hiệu để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cao hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
 
    Không phải đến bây giờ mà từ khi cách mạng chưa giành chính quyền, để khắc phục tư tưởng sai lầm trong một số tổ chức đảng và đảng viên, có lúc Đảng đã phải đóng cửa để củng cố, chỉnh đốn. Với tác phẩm nổi tiếng mang tên Tự chỉ trích, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ cho rằng, Đảng còn trẻ nên còn nhiều khuyết điểm, sai lầm, nhưng Đảng sẽ luôn luôn tự chỉ trích thành thật và mạnh dạn, không phải là làm yếu Đảng, mà để Đảng ngày càng thống nhất tư tưởng và hành động. Cuối năm 1947, viết tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” (Hồ Chí Minh Toàn tập, T 5, trang 261).
 
    Hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Chỉ tính 10 năm gần đây, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận các quy chế, quy định nhằm đẩy mạnh công tác quan trọng này.
 
    Bám sát tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XIII, đồng thời tiếp tục kế thừa kết quả, kinh nghiệm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, tại hội nghị lần này, Trung ương thống nhất cao phải tiến hành đồng bộ và quyết liệt hơn nữa nhiều công việc cụ thể, thiết thực, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Hội nghị Trung ương 4 khoá XII đã đề ra; đồng thời bổ sung nhấn mạnh thêm hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp là: Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.
 
    Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị lần này chứa đựng tư duy mới trên cơ sở kế thừa, bổ sung, phát triển quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng đối với nhiệm vụ then chốt quan trọng này, luôn coi trọng và thực hiện đồng bộ cả xây dựng và chỉnh đốn. Phương châm là kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Nhiều lần Tổng Bí thư đã nói, trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, không phải chỉ có xử lý kỷ luật thật nhiều cán bộ vi phạm mà quan trọng hơn là xây dựng được chiến lược tổng thể, đồng bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, đủ sức đề kháng chống lại mọi cám dỗ tầm thường để chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, vượt qua mọi vị kỷ trong mỗi con người, luôn sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc và nhân dân, như thế mới là thành công. Quan điểm đó thể hiện rõ trong Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII về công tác cán bộ: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; thông qua hoạt động thực tiễn và phong trào cách mạng của nhân dân; đặt trong tổng thể của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài.
 
    Trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 4 lần này, ngày 22/9 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Trong đó nêu rõ: “khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung”.
 
    Coi hiền tài là nguyên khí quốc gia, xây dựng môi trường thuận lợi nhất cho những người có đức, có tài cống hiến cho đất nước, đồng thời Đảng cũng luôn thể hiện rõ sự quyết liệt, chủ động phòng ngừa và tích cực đấu tranh ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực từ gốc. Hội nghị lần này đã thảo luận sửa đổi, bổ sung, thống nhất ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm theo hướng hoàn thiện thêm một số nội dung về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, lề lối làm việc, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực, giữ nghiêm kỷ luật kỷ cương của Đảng.
 
    Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên được Đảng chỉ ra từ lâu và kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn. Đồng chí Tổng Bí thư cũng đã nhiều lần chỉ ra rằng, tham nhũng trong kinh tế làm thất thoát tài sản, tiền của của Nhà nước, giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ, nhưng có suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống. Cái lợi kinh tế nó thường gắn liền với quyền lợi chính trị, chức quyền, với sự hư hỏng về đạo đức lối sống. Nguy hiểm nhất là từ suy thoái dẫn đến phai nhạt lý tưởng, nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng, thậm chí phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc.
 
    Tại Hội nghị lần này, Tổng Bí thư lại cảnh báo, từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Do vậy, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần phải làm từ gốc của vấn đề, tức là phải chủ động ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
 
    Một trong những cái mới trong tư tưởng chỉ đạo của Trung ương nhiệm kỳ này là không chỉ làm rõ, bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hơn mà còn thể hiện sự đồng bộ, quyết liệt hơn, nói đi đôi với làm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trước khi diễn ra Hội nghị Trung ương 4, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 32 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, thay vì tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng thì nay Ban Chỉ đạo thêm chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.
 
    Như Bác Hồ đã nói, Đảng cũng ở trong xã hội. Đảng là do nhiều người cách mạng họp lại, cho nên dù với rèn luyện theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, Đảng có nhiều ưu điểm, nhưng cũng không tránh khỏi khuyết điểm. Để xứng đáng là người lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Đảng luôn luôn tự chỉnh đốn, hoàn thiện mình, đó là yêu cầu, là quy luật tự nhiên và cũng là mong muốn, kỳ vọng với tất cả niềm tin yêu nhất của nhân dân ta dành cho Đảng ta.
                                                                                       Văn Bắc
                                                                                   (Báo Nhân Dân)
.