Bộ Nội vụ: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ Tư, 17/05/2023, 07:33 [GMT+7]
    Bộ Nội vụ vừa ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023.
Mục đích của kế hoạch là thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Bộ Nội vụ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
 
    Tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của từng công chức, viên chức và người lao động trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật; kịp thời ngăn chặn, xử lý, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực.
 
Bộ Nội vụ rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức cán bộ
Bộ Nội vụ rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức cán bộ
    Theo Kế hoạch, để thực hiện tốt công tác vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023, lãnh đạo Bộ Nội vụ yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; công chức, viên chức, người lao động hoàn thành tốt 6 nhiệm vụ cụ thể:
 
    Tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó chủ động tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong việc tổ chức quán triệt và triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước và của Bộ Nội vụ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả; tổ chức sinh hoạt chuyên đề để quán triệt nội dung các văn bản về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sinh hoạt Chi bộ gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
 
    Bộ Nội vụ chủ trương nâng cao vai trò, trách nhiệm của công chức, viên chức, người lao động, nhất là người đứng đầu đơn vị và các tổ chức đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thủ trưởng các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ phải gương mẫu, quyết liệt và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phòng ngừa, phát hiện và phối hợp xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật liên quan đến tham nhũng (nếu có). Nghiêm túc thực hiện quy định về xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội của bộ; cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; công chức, viên chức, người lao động trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 
 
    Tăng cường quản lý, giám sát công chức, viên chức, người lao động; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức cán bộ. Rà soát, bổ sung, khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức cán bộ.
 
    Cũng theo Kế hoạch, Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định pháp luật và của Bộ Nội vụ nhằm phòng ngừa tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; thực hiện nghiêm quy định về tặng quà, nhận quà tặng và có chế tài nghiêm khắc đối với cá nhân, tổ chức vi phạm.
 
    Bộ Nội vụ thực hiện nghiêm việc kê khai, công khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, chế độ báo cáo về kê khai, công khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật; Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 03/1/2014 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”; Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; đảm bảo công khai, minh bạch nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
 
    Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng. Tiếp tục triển khai và thực hiện các chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”; Chỉ thị số 27- CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”.
 
    Đẩy mạnh truyền thông về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, các vi phạm và kết quả xử lý vi phạm liên quan đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 
                                                                                           Hạnh Nguyên
.