Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ Bảy, 24/09/2022, 06:16 [GMT+7]
    Tiếp tục Chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, ngày 22/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
 
    Trước đó, trong phát biểu khai mạc Phiên họp chuyên đề pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đây là dự án luật cho ý kiến lần đầu, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ Tư tới và sẽ được xem xét, thông qua sau ba Kỳ họp. Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ thể chế hóa Nghị quyết 18/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

 

Quang cảnh Hội nghị
Quang cảnh cuộc họp
    Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm về lĩnh vực này. Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 vừa qua, các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý đã đóng góp nhiều ý kiến quý báu về lĩnh vực đất đai tại phiên hội thảo chuyên đề.
 
    Thu hồi đất phục vụ dự án khu đô thị, nhà ở thương mại là không phù hợp
 
    Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra về dự luật quan trọng này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đất đai với những lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Việc nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm đã được đề ra trong Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5.11.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV.
 
    Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, các nội dung của dự thảo Luật đến nay cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 69 và Điều 70 dự thảo Luật, bảo đảm các nguyên tắc theo quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.
 
    Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ quan điểm về một số vấn đề Chính phủ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại Tờ trình.
 
    Cụ thể, về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 70), Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc quy định các trường hợp Nhà nước thu hồi đất cần bảo đảm tuân thủ quy định tại Điều 54 Hiến pháp năm 2013. Quy định tại dự thảo Luật về việc Nhà nước thu hồi đất đối với “dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại” sẽ tác động rất lớn đến quyền của người sử dụng đất. Các dự án khu đô thị, nhà ở thương mại mang tính chất kinh doanh là chủ yếu, mặc dù sẽ tác động đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung nhưng lợi ích trước mắt và trực tiếp sẽ mang lại cho các chủ đầu tư thực hiện dự án. Mặt khác, Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra nhiệm vụ: “Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại”. Vì vậy, "việc thu hồi đất phục vụ dự án khu đô thị, nhà ở thương mại là không phù hợp", Thường trực Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
 
    Đánh giá cụ thể về mức độ nới rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp
 
    Về mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 149), theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Luật Đất đai năm 2013 quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗi loại đất (khoản 1 Điều 130); đối với các tổ chức thực hiện theo dự án đầu tư thì pháp luật về đất đai không giới hạn diện tích thực hiện dự án.
 
    Xuất phát từ thực tiễn tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 liên quan đến hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp nói trên, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp xét trong dài hạn là phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu, đánh giá cụ thể về mức độ nới rộng hạn mức, bảo đảm phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
 
    Cũng theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, việc quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp tối đa trong dự thảo Luật là cần thiết, tránh tình trạng các địa phương cạnh tranh thu hút đầu tư thông qua việc nới hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, dẫn đến khó quản lý việc sử dụng đất nông nghiệp. Bên cạnh việc quy định hạn mức tối đa nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và giao HĐND cấp tỉnh quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị dự thảo Luật có cơ chế giám sát để quản lý việc nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và bảo đảm sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích, tránh trường hợp lợi dụng chuyển sang mục đích khác. Căn cứ xác định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cũng cần được bổ sung quy định xem xét dựa trên năng lực, quy mô, điều kiện, tiến độ sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để tránh bỏ hoang, lãng phí nguồn lực đất nông nghiệp.
                                                                                                                                 Theo Báo Đại biểu nhân dân
.