Bảo vệ việc làm của người tố cáo - Quy định pháp luật và thực tiễn

Thứ Ba, 20/09/2022, 07:47 [GMT+7]
    Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra vừa tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề “Bảo vệ việc làm của người tố cáo - Quy định pháp luật và thực tiễn”.
 
    Theo báo cáo đề dẫn tại Tọa đàm, tố cáo là quyền cơ bản của con người được Hiến pháp ghi nhận và được quy định cụ thể trong Luật Tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bản chất của việc tố cáo là lên án các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức cá nhân mà hành vi đó gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Qua đó, người tố cáo muốn đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo. Cũng vì thế, người tố cáo có nguy cơ bị đe dọa, trả thù bởi người bị tố cáo là rất cao, do đó, việc bảo vệ người tố cáo là cần thiết.
 
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
    Việc bảo vệ việc làm cho người tố cáo là cán bộ, công chức và người làm việc theo hợp đồng lao động như thế nào? Bởi lẽ, đây là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương, họ làm việc với người sử dụng lao động dựa trên sự thỏa thuận về tiền lương, tiền công, điều kiện làm việc và công việc cụ thể, họ dễ đứng trước nguy cơ mất việc làm hoặc không được tạo điều kiện thuận lợi trong công việc, trong việc nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển bản thân nếu đứng ra tố cáo...
 
    Vấn đề đặt ra là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân trong vấn đề bảo vệ việc làm chưa được bảo đảm thực hiện, nhiều người lao động đứng ra tố cáo và bị trù dập, ảnh hưởng đến việc làm nhưng chỉ được bảo vệ khi có sự vào cuộc của báo chí; tổ chức đại diện người lao động, công đoàn là tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động chưa phát huy vai trò trong bảo vệ người tố cáo là lao động hợp đồng; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc bảo vệ người tố cáo nói chung và người tố cáo là lao động hợp đồng nói riêng chưa cụ thể; vấn đề hình thức hợp đồng lao động thoả thuận bằng lời nói khó có căn cứ để bảo vệ việc làm của người lao động khi đứng ra tố cáo... Do đó, việc bảo vệ người tố cáo là lao động hợp đồng là vấn đề cần thiết.
 
    Các đại biểu đề xuất nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc bảo vệ việc làm của người tố cáo cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Bổ sung, sửa đổi Thông tư 08/2020/TT-BLĐTBXH theo hướng: Bổ sung nội dung bảo vệ; cần có hướng dẫn cụ thể hơn với đối tượng được bảo vệ việc làm là người thân thích của người tố cáo; cần có quy định thêm về biện pháp bảo vệ. Quy định cụ thể hơn về thẩm quyền áp dụng bảo vệ người tố cáo trong trường hợp người giải quyết tố cáo vừa là người có trách nhiệm bảo vệ, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, vừa là người sử dụng lao động, người có quyền sa thải lao động, để đảm bảo tính khách quan trong bảo vệ việc làm của người tố cáo là lao động hợp đồng…
                                                                                           P.V
.