An Giang: Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Thứ Năm, 24/06/2021, 07:07 [GMT+7]
Để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã có nhiều sáng tạo, đổi mới và quyết liệt trong thực hiện các giải pháp, đồng thời lãnh đạo tỉnh năng động, cởi mở, gần gũi và thấu hiểu, linh hoạt trong giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng với sự phát triển và lớn mạnh của doanh nghiệp. Qua đó đã tạo sự hài lòng ngày càng cao và sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển của tỉnh.
Năm 2020, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) An Giang đạt 64,72 điểm, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2019 (năm 2019, xếp hạng 21/63) và thuộc nhóm điều hành “khá”. So với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang đứng thứ 6/13.
Đoàn giám sát của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Việt Nam đã có buổi làm việc với tỉnh An Giang về tình hình áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 |
Trong 10 chỉ số thành phần PCI, An Giang 2020 có 4 chỉ số tăng điểm là: Chỉ số chi phí gia nhập thị trường đạt 8,37 điểm (tăng 1,32 điểm), Chỉ số chi phí thời gian đạt 8,65 điểm (tăng 1,02 điểm), Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đạt 6,18 điểm (tăng 0,6 điểm), Chỉ số chi phí không chính thức đạt 6,96 điểm (tăng 0,41 điểm). 6 chỉ số giảm điểm là: tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng.
Điển hình như Chỉ số chi phí gia nhập thị trường (10 chỉ tiêu), đạt 8,37 điểm, tăng 1,32 điểm, xếp thứ 12 cả nước và thứ 4 khu vực ĐBSCL. Phần lớn các chỉ tiêu của chỉ số này đều được doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tích cực hơn so năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động giảm 9%; phải chờ hơn 3 tháng hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động giảm 8%. Tỷ lệ doanh nghiệp làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp qua phương thức trực tuyến, thủ tục hành chính công, bưu điện cũng tăng 13%...
Chỉ số chi phí thời gian (11 chỉ tiêu) được cải thiện, 72% doanh nghiệp cho rằng họ không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục, 82% cho rằng thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn hơn so với quy định và tỷ lệ 71% cho rằng thủ tục giấy tờ đơn giản. doanh nghiệp cho rằng, cán bộ, công chức giải quyết công việc hiệu quả tăng 3% (đạt 88%) và thân thiện tăng 4% (đạt 81%).
Qua khảo sát tỷ lệ cho rằng, kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm; tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra từ 5 cuộc trở lên trong năm đã giảm xuống chỉ còn 3% (giảm 5%); nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp cũng giảm xuống chỉ còn 6% (giảm 4%). Một số chỉ tiêu của Chỉ số tính năng động và tiên phong của lãnh đạo An Giang đang làm rất tốt cần tiếp tục phát huy là tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng, UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề mới phát sinh tăng 10% (đạt mức 76%) và vận dụng pháp luật linh hoạt nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân tăng 6%. Bên cạnh đó, có 61% cho rằng, thái độ của chính quyền tỉnh với khu vực kinh tế tư nhân là tích cực (tăng 2%) và tỷ lệ cho rằng có sáng kiến hay ở cấp tỉnh, nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở/ngành đã giảm 5%.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Bằng chứng là tỉnh thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư có tiềm lực đến An Giang, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hồng Hà