Long An: Thực hiện các giải pháp tăng cường hoạt động cải cách tư pháp
Thứ Tư, 30/08/2023, 06:39 [GMT+7]
Từ đầu năm tới nay, Tỉnh ủy Long An tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh đã chủ động trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác và triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tình tình thực tế của cơ quan, đơn vị. Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng lên. Công tác phối hợp giữa các cơ quan thuộc khối Nội chính được duy trì nền nếp, có hiệu quả. Công tác kiểm sát được tăng cường, chất lượng hoạt động công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa được bảo đảm. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án và công tác thi hành án đạt kết quả tích cực. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp và tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật được chú trọng. Các hoạt động bổ trợ tư pháp được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Công tác giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng phát huy hiệu quả.
Hội nghị tập huấn nghiệp vụ triển khai thực hiện ứng dụng sơ đồ tư duy đến Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Long An |
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện văn bản hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp với văn bản mới được ban hành. Trong 6 tháng đầu năm, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 28 văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét ban hành đều được Sở Tư pháp tỉnh thẩm định; công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đảm bảo trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, trong 6 tháng đầu năm đã tổ chức được 1.143 cuộc tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho 10.668 lượt người tham dự; tuyên truyền trên hệ thống phát thanh được 3.466 giờ; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được quan tâm thực hiện tốt, trong 06 tháng đầu năm đã tiếp 189 lượt công dân. Tổng số đơn tiếp nhận qua các nguồn 760 đơn/760 việc; Đã phân loại xử lý 760 đơn/760 việc.
Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan tư pháp. Đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp được kiện toàn, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về chất lượng; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan tư pháp tiếp tục được chú trọng; tiến hành số hóa hồ sơ vụ án, công bố các tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa đã góp phần nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng, tiết kiệm chi phí in ấn tạo thuận lợi cho việc lưu trữ mà không làm giảm giá trị pháp lý của tài liệu gốc theo thời gian.
Các cơ quan tư pháp tăng cường phối hợp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Qua công tác kiểm sát đã ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục các vi phạm; kiến nghị phòng ngừa, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 11.678 vụ án các loại, giải quyết 5.040 vụ án các loại (đạt tỷ lệ 43,16%); án bị hủy, sửa chiếm tỷ lệ 0,55% trên tổng số án giải quyết; số vụ, việc đang được tạm đình chỉ là 329 vụ, việc; phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện 12 phiên tòa trực tuyến; công khai 1.265 bản án, quyết định lên cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Công tác quản lý nhà nước về luật sư và các hoạt động tư pháp tiếp tục được thực hiện tốt; tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính về công tác bổ trợ tư pháp theo đúng quy định; công tác kiểm tra, thanh tra được thực hiện thường xuyên, kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn khắc phục, xử lý các vi phạm trong hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 08 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, 02 tổ chức giám định tư pháp công lập với tổng số 94 giám định viên tư pháp; Hoạt động tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tham mưu thực hiện hiệu quả, đồng thời, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, các ngành, địa phương; Tòan tỉnh có 21 Tư vấn viên pháp luật hoạt động tại 07 Trung tâm Tư vấn pháp luật, chất lượng hoạt động của đội ngũ tư vấn viên pháp luật từng bước được nâng lên, góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân...
Cùng với đó, công tác giám sát của các cơ quan dân cử đối với hoạt động tư pháp được thực hiện rất tốt thông qua các hội nghị, cuộc họp thường kỳ hoặc giám sát theo chương trình hàng năm, theo chuyên đề. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh đã có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường trực hội đồng nhân dân các huyện, Thành phố, các ban hội đồng nhân dân tỉnh ngoài các hình thức giám sát tại kỳ họp, tích cực triển khai hoạt động giám sát thông qua việc thành lập các đoàn giám sát trên cơ sở chương trình giám sát hằng năm đã được thông qua. Trong quá trình thực hiện chức năng giám sát, đã từng bước đổi mới nội dung, phương thức giám sát, chủ yếu tập trung giám sát việc thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu tại các cơ quan nói chung và các cơ quan tư pháp, các chức danh tư pháp nói riêng. Thông qua việc giám sát, đã đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực giúp các cơ quan chấn chỉnh tổ chức và hoạt động, nâng cao chất lượng công tác, góp phần tích cực vào công tác cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.
Hoàng Hiệp
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Long An)