Hà Nội: Một số kết quả công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm 2022

Thứ Sáu, 22/07/2022, 07:55 [GMT+7]
    Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện Chương trình số 33-CTr/BCĐ, ngày 05/01/2022 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy về “Trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2022” và triển khai thực hiện Kế hoạch 208-KH/TU của Thành ủy triển khai Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/01/2020 của Bộ Chính trị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp.
 
    Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp theo từng nhóm đối tượng, địa bàn. Trang Thông tin điện tử http://pbgdpl.hanoi.gov.vn thường xuyên cập nhật, công khai các văn bản pháp luật mới. Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng, bám sát các nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
 
Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022
Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022
    Sở Tư pháp Thành phố đã tham mưu UBND Thành phố xây dựng, bàn hành Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô; ban hành Kế hoạch số 318/KH-UBND, ngày 29/12/2021 của UBND Thành phố Hà Nội về trọng tâm công tác tư pháp trên địa bàn Thành phố năm 2022; Kế hoạch số 26/KH-UBND của UBND Thành phố về theo dõi tình hình thi hành pháp luật trên địa bàn Thành phố năm 2022; Kế hoạch số 321/KH-UBND về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn Thành phố năm 2022; Kế hoạch số 302/KH-UBND về kiểm tra và rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố năm 2022. Tập trung nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được đảm bảo thực hiện nghiêm túc, kịp thời; nghiên cứu, tổ chức góp ý thẩm định 123 văn bản quy  phạm pháp luật của bộ, ngành Trung ương. Triển khai hoạt động cung cấp thông tin hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trên Trang Thông tin điện tử của Thành phố. Các văn bản sau thẩm định được đánh giá cao, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Thủ đô.
 
    Trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động bổ trợ tư pháp đã tiến hành triển khai rà soát, cập nhật danh sách các tổ chức hành nghề đấu giá và danh sách đấu giá viên trên địa bàn Thành phố lên phần mềm quản lý thông tin đấu giá tài sản quốc gia. Các hoạt động giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực công chứng, luật sư, đấu giá, thừa phát lại, tư vấn pháp luật được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công tác cải cách hành chính của các cơ quan tư pháp được đẩy mạnh; triển khai rà soát việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp trên cổng dịch vụ công của Thành phố; công bố danh mục thủ tục hành chính được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của Thành phố trong lĩnh vực giám định tư pháp; đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI).
 
    Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện nghiêm túc, chưa pháp hiện dấu hiệu oan, sai, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chất lượng hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục có những chuyển biến tịch cực, tỷ lệ điều tra khám phá án chung đạt 87,6%; các vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được khám phá nhanh đạt 98,2%; tỷ lệ yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra, tỷ lệ kiểm sát các vụ việc, vụ án, tỷ lệ kiến nghị của Viện kiểm sát được các cơ quan chấp nhận đều đạt 100%; tỷ lệ bắt, giữ chuyển xử lý hình sự đạt 100%, không có trường hợp bắt giữ phải trả tự do; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố bị can đúng tội đạt 100%; tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng có trách nhiệm của Viện kiểm sát dưới 1%; tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện Kiểm sát đạt 92,6%.
 
    Nhiều vụ án hình sự trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận quan tâm, đặc biệt là các vụ án tham nhũng đã được cơ quan tư pháp Thành phố khẩn trương tập hợp, nghiêm cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh đáp ứng yêu cầu chính trị chung, được dư luận đồng tình ủng hộ. Điển hình như vụ Nguyễn Quốc Anh và đồng phạm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai; vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm bị truy tố về các tội “Buôn bán hành giả là thuốc chữa bệnh”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế và một số đơn vị liên quan.
 
    Quan hệ phối hợp công tác giữa ba cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân hai cấp của Thành phố luôn đảm bảo chặt chẽ theo quy chế phối hợp liên ngành phục vụ cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử luôn được tiến hành thống nhất, thuận lợi, đặc biệt là trong giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Thường trực Thành ủy theo dõi, chỉ đạo.
 
    Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, chấp hành viên; chủ động thực hiện việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Tuệ Minh
.