Đồng Tháp: Công tác cải cách tư pháp Quý 1 năm 2022
Thứ Hai, 23/05/2022, 14:47 [GMT+7]
Quý 1/2022, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Tỉnh Đồng Tháp đã chủ trì phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan tư pháp thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong đó, tập trung tuyên truyền qua chuyên mục "Pháp luật và cuộc sống", chuyên mục "Vì an ninh Tổ quốc" (phát 05 phóng sự) trên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh có lồng ghép nội dung cải cách tư pháp; viết, đăng tải trên 810 tin, bài trên Cổng thông tin điện tử các cơ quan tư pháp về tuyên truyền pháp luật, phiên toà hình sự.
Quý 1 năm 2022, Cơ quan điều tra hai cấp đã thụ lý, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan điều tra hai cấp thụ lý 379 tin báo, tố giác tội phạm; đã giải quyết 243 tin (khởi tố 176 vụ án, không khởi tố 67 vụ, chuyển cơ quan khác giải quyết 01 tin); tiếp tục giải quyết 135 tin, không có tin quá hạn luật định. Cơ quan điều tra hai cấp thụ lý điều tra 334 vụ/455 bị can, giảm 49 vụ/33 bị can so với cùng kỳ; trong đó, đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 136 vụ/231 bị can, đình chỉ điều tra 06 vụ/05 bị can, tạm đình chỉ điều tra 27 vụ/24 bị can; đang tiếp tục điều tra 165 vụ/195 bị can. Không vi phạm trong hoạt động điều tra. Công tác tạm giữ, tạm giam đúng quy định, hỗ trợ tư pháp cử 2.428 lượt cán bộ, chiến sỹ bảo vệ 734 phiên toà, phân công 1.379 lượt chiến sỹ áp giải, dẫn giải 499 người; 34 lượt cán bộ hỗ trợ cưỡng chế thi hành án dân sự. Tiến hành xét giảm thời hạn thi hành án phạt tù 430 trường hợp, trong đó, giảm một phần thời hạn tù 41 trường hợp, giảm hết thời hạn phạt tù 389 trường hợp. Đang quản lý 368 người thi hành án hình sự ngoài cộng đồng; đề nghị xét rút ngắn thời gian thử thách án treo 42 người và giảm thời hạn cải tạo không giam giữ 04 người đúng theo quy định của pháp luật.
Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp đã kiểm sát việc giải quyết 427 nguồn tin về tội phạm, giảm 17,5% so với cùng kỳ. Cơ quan chức năng đã giải quyết 227 tin, đạt 53,1%; đang giải quyết 200 tin trong thời hạn luật định. Qua công tác này, Viện kiểm sát hai cấp đã ban hành 314 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, giải quyết nguồn tin tội phạm; tiến hành kiểm sát trực tiếp 01 đơn vị; ban hành 06 kiến nghị yêu cầu các cơ quan khắc phục vi phạm trong giải quyết tin báo tội phạm, được chấp nhận. Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 391 vụ/657 bị can, giảm 37 vụ và tăng 35 bị can (tỷ lệ 5,6%), trong đó, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn 01 vụ, xác định 26 vụ án trọng điểm. Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 141 vụ/257 bị can (tỷ lệ 79,2%); đang tiếp tục giải quyết 213 vụ/374 bị can, không phát sinh án quá thời hạn điều tra. Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp truy tố 105 vụ/185 bị can, đang nghiên cứu hồ sơ để tiếp tục truy tố 34 vụ/70 bị can. Toà án nhân dân trả hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân để điều tra bổ sung 05 vụ, Viện kiểm sát nhân dân chấp nhận 04 vụ (đạt 38% so với cùng kỳ).
Qua kiểm sát điều tra, Viện Kiểm sát hai cấp đã ban hành 06 kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra, 05 kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức khắc phục nguyên nhân dẫn đến tội phạm. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 375/757 bị cáo (tăng 22,9% số vụ và 52,9% bị cáo); trong đó, Toà án nhân dân đã xét xử 229 vụ/435 bị cáo, đạt tỷ lệ 61% (tăng 25,8% số vụ và 47,4% số bị cáo); đang chuẩn bị xét xử 146 vụ/322 bị cáo; ban hành 08 kháng nghị đối với bản án sơ thẩm. Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm 167 vụ/260 bị cáo. Phối hợp với Toà án nhân dân tổ chức 33 phiên toà rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp (tăng 14 vụ). Tăng cường kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo đảm đúng quy định pháp luật, không để phát sinh việc giam, giữ quá hạn luật định. Các khâu công tác kiểm sát hoạt động tư pháp khác phát hiện các vi phạm, qua đó, ban hành 09 kháng nghị, 14 kiến nghị yêu cầu tổ chức, cá nhân khắc phục vi phạm trong hoạt động tư pháp góp phần bảo vệ pháp chế trong hoạt động tư pháp.
Tòa án nhân dân hai cấp đã thụ lý 7.132 vụ việc; đã giải quyết 3.520 vụ việc, đạt tỷ lệ 49,9%, còn lại 3.612 vụ việc, không có án quá thời hạn luật định. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức 21 phiên toà rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp. Số án bị huỷ, sửa 15 vụ (Toà án nhân dân Tỉnh 03 vụ, Toà án nhân dân cấp huyện 12 vụ), công bố 6.711 bản án, quyết định lên Cổng thông tin điện tử Toà án nhân dân tối cao. Tổ chức 05 phiên toà trực tuyến theo quy định của Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên toà trực tuyến.
Cơ quan Thi hành án dân sự hai cấp đã thụ lý về việc, trong kỳ, cơ quan thi hành án dân sự hai cấp nhận 4.897 bản án, quyết định của Toà án nhân dân. Tổng số việc thi hành án thụ lý 14.404 việc, giảm 2,74%. Đã thi hành xong 5.030 việc, giảm 350 việc, đạt tỷ lệ trên 55%, tăng 4,22%. Tổng số tiền phải giải quyết là 1.930.045.451.000 đồng (tăng 18.461.122.000 đồng so với năm trước, trong đó, cũ chuyển sang 1.528.787.586.000 đồng, số thụ lý mới 401.257.865.000 đồng).
Về kết quả hoạt động của các chế định bổ trợ tư pháp. Cơ quan giám định tiếp nhận 250 vụ với 427.704 yêu cầu, đã kết luận giám định 262 vụ với 427.916 yêu cầu. Các phòng công chứng đã công chứng gần 6.000 việc, chứng thực trên 8.900 bản sao, nộp ngân sách trên 870.000.000 đồng; đấu giá tài sản 120 cuộc, nộp ngân sách gần 90.000.000 đồng.
Công tác trợ giúp pháp lý của Nhà nước: Đã thực hiện trợ giúp pháp lý 129 vụ việc (gồm tư vấn pháp luật 61 vụ việc, tham gia tố tụng tại Toà án nhân dân 68 vụ việc). Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách (06/91997 - 06/9/2022). Hội Luật gia Tỉnh các cấp Hội đã có ý kiến đóng góp 88 văn bản quy phạm pháp luật, tuyền truyền pháp luật trên 380 cuộc cho trên 15.800 người dự; phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền 388 cuộc đối với trên 9.200 công dân; phát hành 77.600 tờ rơi. Các Trung tâm Tư vấn pháp luật trực thuộc Hội Luật gia Tỉnh tư vấn trực tiếp 513 vụ việc và trợ giúp pháp lý 430 vụ việc. Tư vấn giải quyết khiếu nại 334 vụ việc; tham gia hoà giải ở cơ sở 133 vụ việc. Bên cạnh đó, Hội Luật gia Tỉnh, huyện có 06 Hội viên là thành viên Hoà giải viên tại Toà án theo Luật Hoà giải, đối thoại tại Toà án.
Đội ngũ cán bộ ở các cơ quan tư pháp được kiện toàn, củng cố, bảo đảm về số lượng, chất lượng; công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bổ nhiệm và bổ nhiệm lại cán bộ, nhất là cán bộ có chức danh tư pháp được thực hiện đúng quy định, đáp ứng được yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với các cơ quan tư pháp và hoạt động tư pháp được thường xuyên quan tâm; chỉ đạo xử lý kịp thời và có hiệu quả đối với những vụ việc, vụ án thuộc diện cấp ủy theo dõi, đôn đốc xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Tuy nhiên, tỷ lệ án hình sự Toà án nhân dân hai cấp trả cho Viện kiểm sát nhân dân điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ 3,8% (tỷ lệ cho phép là 3%). Đội ngũ thẩm phán, chấp hành viên còn thiếu so với biên chế phân bổ (Toà án cấp huyện thiếu 14 thẩm phán sơ cấp; cơ quan thi hành án thiếu 22 người (trong đó, thiếu 11 chấp hành viên và 11 biên chế công chức). Thiếu giám định viên trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; văn hoá, thể thao và du lịch. Việc tổ chức thi hành án còn chậm do thủ tục về thi hành án quy định nhiều trình tự không hợp lý, phát sinh tranh chấp quyền sở hữu tài sản trong giai đoạn thi hành án.
Để kịp thời khắc phục một số hạn chế nêu trên, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Tỉnh chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tiếp tục triển khai, quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tư pháp, cải cách tư pháp, nhất là Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020; Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp giai đoạn 2021 – 2025.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; thực hiện tốt công khai, minh bạch trong các cơ quan tư pháp và tăng cường đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư pháp. Bảo đảm các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt công tác xét xử trực tuyến. Quan tâm đào tạo, củng cố, kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp.
Thực hiện đầy đủ nội dung Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy với cấp uỷ địa phương và các cơ quan tư pháp trong Tỉnh về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; các cơ quan tư pháp với nhau trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, sớm giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc kéo dài. Tăng cường vai trò giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan dân cử, kịp thời nắm dư luận xã hội phản ánh trong hoạt động tư pháp; chú trọng giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến hoạt động tư pháp thuộc trách nhiệm của từng ngành, không để người dân bức xúc khiếu nại, tố cáo gay gắt. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát đối với hoạt động tư pháp.
Vi Hùng
(Văn phòng Tỉnh ủy Đồng Tháp)