Đắk Nông: Chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp

Thứ Ba, 03/08/2021, 07:40 [GMT+7]
    Xác định công tác tư pháp có ý nghĩa quan trọng đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là kết quả của quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, là phương tiện để bảo đảm trật tự xã hội, bảo đảm công bằng cũng như thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Tỉnh ủy Đắk Nông luôn chú trọng xây dựng tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp. Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021 trong xây dựng tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ quan tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp như sau đây:
 
    Ngành Công an có 1.120 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tư pháp ở hai cấp, trong đó có 183 điều tra viên (cao cấp 12, trung cấp 121, sơ cấp 50), 364 trinh sát viên, 86 kỹ thuật hình sự, 115 cảnh sát trại tạm giam, 308 cảnh sát hỗ trợ tư pháp; trình độ chuyên môn: thạc sĩ 30, đại học 582; trình độ chính trị cao cấp 82, trung cấp 202. Quán triệt chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp, Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo, nâng cao năng lực hoạt động, tạo chuyển biến tích cực trong công tác tư pháp và bổ trợ tư pháp của lực lượng công an. Trong đó, lực lượng Công an đã đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là các tội phạm băng, nhóm, hoạt động có tổ chức, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội; chống các biểu hiện vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức, công dân.
 
Công an tỉnh Đắc Nông quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy và hoạt động theo tinh thần cải cách tư pháp
Công an tỉnh Đắc Nông quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy và hoạt động theo tinh thần cải cách tư pháp
    Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh có 9 đơn vị cấp phòng, 11 đơn vị cấp huyện, với tổng số biên chế hiện có 217 người, trong đó có 1 kiểm sát viên cao cấp, 62 kiểm sát viên trung cấp, 94 kiểm sát viên sơ cấp, 26 chuyên viên nghiệp vụ và 33 người làm việc hợp đồng theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ; trình độ chuyên môn thạc sĩ luật 35, cử nhân luật 164; trình độ chính trị cao cấp 41, trung cấp 28. Ngành Kiểm sát tập trung triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp. Trong đó, đáng chú ý là tổ chức các chuyên đề phục vụ cho công tác cải cách tư pháp như: Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; nâng cao chất lượng giải quyết án dân sự, hành chính... Trên cơ sở đó, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
 
    Tòa án nhân dân tỉnh có 3 đơn vị cấp phòng, 5 tòa chuyên trách và 11 đơn vị cấp huyện, với tổng số biên chế hiện có 260 người (cấp tỉnh có 65 người; cấp huyện có 195 người); có 146 thẩm phán: Cao cấp 1, trung cấp 53, sơ cấp 92, 82 thư ký; trình độ chuyên môn thạc sĩ 23, đại học 231; trình độ chính trị cao cấp 33, trung cấp 56; chuyển biến trong việc cải cách tư pháp của Tòa án nhân dân hai cấp thể hiện rõ nhất chính là việc đổi mới tổ chức phiên tòa cả về nội dung và hình thức; việc bố trí thay đổi lại phòng xử án đã thể hiện tinh thần đổi mới, cải cách tư pháp từ mô hình tố tụng xét hỏi sang mô hình tranh tụng, coi tranh tụng là khâu đột phá.
 
    Cục Thi hành án dân sự tỉnh có 5 đơn vị cấp phòng, 11 đơn vị cấp huyện, với tổng biên chế hiện có 171 người, trong đó có 72 chấp hành viên (cao cấp 1, trung cấp 19, sơ cấp 52), 23 thẩm tra viên, 46 thư ký; trình độ chuyên môn thạc sĩ luật 3, cử nhân luật 165, đại học khác 20; trình độ chính trị cao cấp 23, trung cấp 30. Công tác cải cách tư pháp trên lĩnh vực thi hành án dân sự trong giai đoạn 2015-2020, ngành thi hành án dân sự đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, nhằm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành.
                                                                                          Thăng Quyết
.