Vi phạm pháp luật về đất đai qua công tác thanh tra và một số giải pháp hoàn thiện

Thứ Ba, 03/08/2021, 07:33 [GMT+7]

    Từ 2013 đến năm 2020, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 6.028 cuộc , qua thanh tra phát hiện vi phạm 2.127,6 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 67.011,5 ha đất, riêng Thanh tra Chính phủ thực hiện 46 cuộc thanh tra,  phát hiện vi phạm 79.968,84 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 25.351,6 ha đất. Qua thanh tra cho thấy, công tác quản lý đất đai còn buông lỏng để xẩy ra nhiều thiếu sót, vi phạm như: Quy hoạch sử dụng đất thiếu tính khả thi, không đồng bộ; việc giao, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; lấn chiếm đất công để sử dụng; chuyển nhượng trái phép; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất không đúng quy định. Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trên 60% trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo nói chung, chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, xây dựng chợ, trung tâm thương mại; đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai... Các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài vẫn còn diễn biến phức tạp, tồn đọng nhiều vụ việc chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm. Nội dung chủ yếu khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn… Những năm gần đây xuất hiện một số lĩnh vực mới phát sinh khiếu nại liên quan đến đất đai như: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch đất ở nhưng không thành đơn vị ở...

    1. Những sai phạm về đất đai được phát hiện qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo
   
    Thực tiễn triển khai thi hành Luật Đất đai qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo cho thấy những vi phạm phổ biến như: (1) Giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá gây thất thu ngân sách; (2) Việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và các cơ sở nhà đất chưa phù hợp các quy định của Luật Đất đai và các quy định về đấu giá tài sản nhà; (3) Xác định giá đất khi giao, cho thuê đất còn để xảy ra vi phạm, xác định giá thu tiền sử dụng đất chưa sát với giá thị trường, chưa thực hiện đúng các phương pháp xác định giá theo quy định; (4) Việc chuyển mục đích sử dụng đất còn chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tình trạng tự ý cho phép hợp thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền trái pháp luật còn xảy ra ở nhiều địa phương; (5) Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn rất chậm, vi phạm về thời hạn giải quyết, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý đất đai để lấn chiếm đất, sử dụng đất sai mục đích; (6) Việc ban hành Bảng giá đất còn chưa sát giá thị trường; (7) Tại một số địa phương chất lượng quy hoạch còn thấp, còn bị động, có biểu hiện chạy theo nhà đầu tư, giao đất không đúng quy hoạch.     

    Chưa thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội vùng, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Có tình trạng chậm cập nhật hoặc cập nhật không đầy đủ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới... vào quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm. 

    2. Chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật đất đai năm 2013 với các luật chuyên ngành

    Luật Đất đai năm 2013 và các luật chuyên ngành khác như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Lâm nghiệp, Luật tố tụng hành chính mặc dù đã qua nhiều lần sửa đổi, điều chính nhưng vẫn còn có những nội dung quy định hoặc văn bản hướng dẫn thực hiện chưa đồng bộ, thống nhất, gây chồng chéo, một số nội dung có sự khác biệt nên gây khó khăn trong việc áp dụng, cụ thể:

- Luật Đất đai và Luật Nhà 
ở: Điều 5, Luật Đất đai không quy định người sử dụng đất là cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở. Do đó, hiện nay cá nhân nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam nhưng quy định trong Luật Đất đai không có quy định là người sử dụng đất nên không thực hiện được các giao dịch.

- Về chế độ sử dụng đất trong khu công nghiệp giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư: Điều 149, Luật Đất đai yêu cầu việc xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất phải đặt bên ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, tại Điều 21, Luật Đầu tư lại cho phép các địa phương gặp khó khăn trong bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp được điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp để dành một phần diện tích đất phát triển nhà ở, công trình, dịch vụ, tiện ích công cộng; quy định tại Luật Đầu tư cũng không xác định rõ phần diện tích để phát triển nhà ở sẽ nằm trong hay ngoài khu công nghiệp. Tại Khoản 1, Điều 83, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định: “… Khi doanh nghiệp tư nhân chấm dứt hoạt động mà quyền sử dụng đất không bị xử lý theo quy định của pháp luật thì đăng ký biến động thay đổi tên người sử dụng đất...”, trên thực tế, chưa xác định rõ là doanh nghiệp tư nhân chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp hay doanh nghiệp tư nhân chấm dứt hoạt động dự án (vì một doanh nghiệp có thể có nhiều dự án); đối với trường hợp đưa nhiều thửa đất ở vị trí khác nhau vào mục đích sản xuất kinh doanh khác nhau (thực hiện nhiều dự án khác nhau) thì quy định này chưa phù hợp, vì khi một trong những dự án do nguyên nhân nào đó phải ngưng hoạt động để đổi tên người sử dụng đối với dự án này thì doanh nghiệp tư nhân phải chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp, đồng nghĩa là phải chấm dứt luôn tất cả các dự án khác.

    - Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản: Điều 10, Luật Kinh doanh bất động sản yêu cầu chủ đầu tư tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định ít nhất 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại Điều 14, Nghị định 43/2014/NĐ-CP yêu cầu chủ đầu tư phải có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Như vậy, quy định giữa hai luật không thống nhất với nhau gây khó khăn trong quá trình áp dụng văn bản.

    - Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp: Tại điểm b, Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2013 quy định: HĐND tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng dưới 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng (Luật Đất đai chỉ nêu chuyển mục đích sử dụng đất rừng, không phân biệt rừng tự nhiên với rừng trồng). Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 14, Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định: 
“Không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia; dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt”. Trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp cũng chưa giải thích cụ thể về từ ngữ “dự án cấp thiết khác” nên cơ quan thực hiện chức năng quản lý rừng khó xác định tiêu chí nào là dự án cấp thiết để xây dựng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Mặt khác, tại Khoản 3, Điều 20, Luật Lâm nghiệp không quy định HĐND tỉnh có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng. 

    - Luật Đất đai và Luật Quản lý tài sản công: Việc tổ chức thực hiện đấu giá, trình tự, thành phần hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản công… của 02 văn bản Luật được thực hiện khác nhau. Việc xác định đối tượng để thực hiện bán đấu giá (đất; nhà, đất là tài sản công) còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo, chưa cụ thể, dẫn đến vướng mắc khi tổ chức thực hiện đấu giá, trình tự, thành phần hồ sơ đấu giá… Đặc biệt là đối với các đối tượng đấu giá là: Đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước, đất giao cho UBND cấp xã quản lý, đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng từ nguồn ngân sách nhà nước, trụ sở cơ quan nhà nước đã thanh lý giá trị tài sản trên đất. 

    - Luật Đất đai, Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư: Quy định về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất chưa tương thích với nhau, cụ thể: Luật Đất đai chỉ quy định các trường hợp phải áp dụng hoặc không áp dụng đấu giá quyền sử dụng đất; Luật Đấu thầu chỉ quy định các trường hợp phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Luật Đầu tư chỉ quy định các trường hợp quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, khi xem xét một trường hợp cụ thể, các địa phương còn lúng túng và khó khăn trong việc áp dụng pháp luật để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án (thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, thông qua đấu thầu quyền sử dụng đất hay chỉ định chủ đầu tư). 

    - Về việc một số địa phương triển khai dự án xuất hiện mâu thuẫn trong áp dụng Luật Đấu thầu và Luật Đất đai trong đấu thầu và đấu giá dự án đầu tư có sử dụng đất. Tại Khoản 1, Điều 118, Luật Đất đai năm 2013 quy định: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất trong các trường hợp: (1) Đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc cho thuê mua; (2) Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; (3) Sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; (4) Sử dụng đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; (5) Cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; (6) Giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu nhà nước; (7) Giao đất ở tại đô thị, nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân; (8) Giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tại Khoản 3, Điều 1, Luật Đấu thầu năm 2013 quy định: “Lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư có sử dụng đất” và điểm b, Khoản 1, Điều 1, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định: “Dự án đầu tư sử dụng các khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao, cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt theo quy định tại điểm b, Khoản 1, Điều 10, Nghị định này để xây dựng công trình thuộc đô thị, khu đô thị, nhà thương mại, công trình thương mại và dịch vụ, tổ hợp đa năng mà không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a khoản này” (tức là Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư - PPP). Điểm b, Khoản 1, Điều 10 về lập và phê duyệt danh mục dự án quy định: “Sở chuyên ngành, cơ quan chuyên môn tương đương cấp sở hoặc UBND cấp huyện đề xuất dự án sử dụng khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao cần lựa chọn nhà đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất”. 

    Do chưa có sự thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Đấu thầu quy định về đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, nên một số nơi đã lựa chọn Luật Đấu thầu để thực hiện dự án có sử dụng đất, mà không áp dụng pháp luật về đất đai (thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa…).

    - Hiện nay, loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng (như: condotel, officetel, shophouse,…) phát triển nhanh tại một số địa phương, tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 chưa có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với các loại bất động sản trên, gây rất nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và kinh doanh bất động sản đối với loại hình này. Loại hình biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng là “đất ở không hình thành đơn vị ở” đã và đang phát triển ngày càng mạnh tại Khánh Hòa và nhiều địa phương khác (Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, thành phố Đà Nẵng…) đã mang lại một số hiệu quả như: Thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư từ xã hội, thúc đẩy rõ nét về tăng tốc độ và quy mô phát triển du lịch, dịch vụ và tốc độ đô thị hóa; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước... Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc, chủ yếu là do pháp luật hiện hành chưa có quy định về loại đất ở không hình thành đơn vị ở trong khu du lịch nên tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện trên diện rộng về thời hạn sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng; cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất; thực hiện quyền cư trú...; các vấn đề này liên quan đến nhiều lĩnh vực do các Luật khác nhau điều chỉnh như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Du lịch, Luật Cư trú và các quy của pháp luật có liên quan, nên cần thiết phải được nghiên cứu để có giải pháp đồng bộ. Biệt thự nghỉ dưỡng ven biển, căn hộ condotel thực tế vừa là căn hộ ở vừa là khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng. Nếu là nhà ở, căn hộ ở thì Luật Nhà ở điều chỉnh; nếu là khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng thì Luật Du lịch điều chỉnh; nếu là nhà ở trong một khu vực ở thì chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng. Biệt thự du lịch, căn hộ du lịch là loại sản phẩm bất động sản mới đối với Việt Nam, vì vậy, các văn bản pháp luật liên quan đến khái niệm, quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng chưa ban hành nên rất khó khăn trong việc chấp thuận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, tính toán áp lực của dự án lên hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Khái niệm, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giá và giá trị sử dụng: Biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà ở trong khu du lịch quy định tại các luật hiện hành còn chưa rõ ràng, đầy đủ.  Quy định của Luật Đất đai và các luật liên quan chưa có khái niệm đất ở trong khu du lịch, thương mại(1). Khái niệm về “bất động sản du lịch - condotel” cũng chưa có quy định của pháp luật. Do đó, “đất ở không hình thành đơn vị ở” được gán cho các dạng thực tế đã phát sinh như biệt thự du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng, condotel… chưa được quy định tại bất cứ văn bản pháp luật nào, dẫn đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, trình tự cấp, giao đất, quá trình sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư… các địa phương vận dụng khác nhau, phát sinh tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng. 

    - Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, các dự án “treo” được gia hạn thêm 24 tháng, nếu sau 24 tháng đã gia hạn mà đất đó vẫn bị “treo” thì Nhà nước sẽ được thu hồi cả đất và các tài sản đã đầu tư trên đất. Tuy nhiên, quy định thu hồi tài sản đã đầu tư trên đất chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013, vì tài sản này được hình thành đúng pháp luật đầu tư, nên Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ tài sản của nhà
đầu tư. 

    - Pháp luật về đất đai, khiếu nại và Luật Tố tụng hành chính: Chưa có quy định đồng bộ thống nhất về thời hiệu giải quyết tranh chấp đất đai, thời hiệu khiếu nại và khởi kiện quyết định giải quyết. Mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai năm 2013 với các luật chuyên ngành: Mâu thuẫn về khái niệm tài sản góp vốn (Khoản 1, Điều 35, Luật Doanh nghiệp năm 2014 với Điều 73, Luật Đất đai năm 2013); Mâu thuẫn với quy định về quyền thừa kế của pháp luật dân sự (Khoản 3, Điều 191, Luật Đất đai năm 2013 với Điều 459, Bộ luật Dân sự). 

    3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về đất đai 

    Để tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, trên cơ sở tổng kết thực tiễn Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 31/10/2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và quá trình thi hành Luật Đất đai cũng như các vấn đề tồn tại qua thực tiễn những năm qua, xin đề xuất một số giải pháp sau đây:

    - Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát các quy định của pháp luật về đất đai còn chồng chéo, không đồng bộ với hệ thống pháp luật khác và chủ trì tổng hợp các tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai Luật Đất đai trên thực tế. Từ đó, tham mưu Chính phủ trong việc dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cho phù hợp. 

    - Đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 với một số nội dung cụ thể như sau: 

    + Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai trên cơ sở khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm sự thống nhất giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan; đổi mới chính sách về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, phương pháp xác định giá đất cụ thể theo hướng hiệu quả, bền vững, xác định rõ quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa đặc biệt, được định giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý điều tiết của Nhà nước. 

    + Về công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, cần tổ chức thực hiện việc giao đất, cho thuê đất công khai, minh bạch cho các đối tượng đáp ứng các điều kiện quy định trong pháp luật về đất đai. Thực hiện nghiêm việc giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thông qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; có biện pháp ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Kiểm soát chặt chẽ và công khai, minh bạch việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, hoạt động sản xuất và đời sống của người có đất thu hồi. 

    + Đưa đất sử dụng cho du lịch (cũng là một loại hình của đất phi nông nghiệp) vào Chương X của Luật Đất đai năm 2013 theo hướng cho phép thu tiền sử dụng đất theo mục đích đất ở đối với đất đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng để nhà đầu tư, chủ sở hữu bất động sản được Nhà nước bảo hộ quyền sử dụng đất lâu dài, nhưng không cho phép hình thành đơn vị ở nhằm quản lý thống nhất, tạo điều kiện phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo định hướng của Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị. 

    + Hoàn thiện các quy định hướng dẫn đối với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo nguyên tắc phải được lập từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của  cấp trên; quy hoạch sử dụng đất cấp quận, huyện phải thể hiện nội dung sử dụng đất của cấp xã, phường; quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt. 

    + Hoàn thiện các quy định bảo đảm tăng cường công khai hoạt động quản lý và sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Để bảo đảm công khai, minh bạch hơn nữa, cần minh bạch toàn bộ các hoạt động phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, chính sách giải phóng mặt bằng, có thể thực hiện bằng cách cho đăng tải toàn bộ các nội dung thông tin về dự án bị thu hồi, các quyết định hành chính, giải trình về các phương án đặt ra và quá trình thực hiện các biện pháp thu hồi đất để nhân dân biết và giám sát.

    + Hoàn thiện các quy định liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng: Hoàn thiện các quy định về xác định khung giá đất và chính sách bồi thường bảo đảm giá đất được quy định có cơ sở khoa học, bảo đảm hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người bị thu hồi đất. Ngoài mức giá quy định chung để tính giá trị bồi thường, cần có quy định đặc thù trong một số trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, nhất là các dự án liên quan đến xây dựng hạ tầng đô thị, các dự án phục vụ lợi ích công cộng. 

    + Hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường nhằm giải quyết tình trạng khiếu nại chênh lệch về giá trị trong thực tiễn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng… 

    + Sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của Tòa án nhân dân về việc giải quyết các tranh chấp về đất đai, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Tố tụng hành chính… và các luật khác có liên quan. Cần có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về áp dụng pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai để tránh các kẽ hở, xung đột, thiếu đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện nay có liên quan đến đất đai và giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

    (1) (1) Luật Đất đai năm 2013 có quy định về “đất ở tại nông thôn” và “đất ở tại đô thị”, “đất xây dựng khu
chung cư”…; (2) Luật Nhà ở năm 2014 chỉ có các khái niệm “nhà ở”, “nhà ở riêng lẻ”, “nhà chung cư”, “nhà
ở thương mại”, “nhà ở công vụ”, “nhà ở xã hội”; (3) Luật Du lịch năm 2017 có đề cập đến “Biệt thự du lịch,
căn hộ du lịch” được xác định là một loại cơ sở lưu trú du lịch (tại Điều 48)…

TS. Đinh Văn Minh
(Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ)

.