Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp Phiên thứ 13
Thứ Năm, 26/08/2021, 16:24 [GMT+7]
Ngày 26/8/2021, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tổ chức Phiên họp thứ 13 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về: (1) Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; (2) Báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Tòa án do Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao trình. Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá:
Toàn cảnh Phiên họp |
Đối với Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Đề án đã đánh giá được thực trạng tổ chức và hoạt động của Hội thẩm, tính đến ngày 31/3/2021, toàn quốc có 17.299 Hội thẩm (16.913 Hội thẩm nhân dân và 386 Hội thẩm quân nhân), trong đó, có 14.390 Hội thẩm là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác (chiếm tỷ lệ 83,2%); 2.901 Hội thẩm là cán bộ hưu trí (chiếm tỷ lệ 16,77%); 08 Hội thẩm là người dân, không làm việc cho các cơ quan, tổ chức đoàn thể (chiếm tỷ lệ 0,03%). Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Hội thẩm nhân dân đã tham gia xét xử sơ thẩm 998.257 vụ án; bình quân mỗi Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử 70,8 vụ án/nhiệm kỳ; Hội thẩm quân nhân đã tham gia xét xử sơ thẩm 672 vụ án; bình quân mỗi Hội thẩm quân nhân tham gia xét xử 3,5 vụ án/nhiệm kỳ. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Hội thẩm còn tản mạn, chưa đầy đủ, một số quy định còn chưa phù hợp với thực tiễn; tổ chức thực hiện có phần hình thức, chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của nhân dân trong việc tham gia hoạt động xét xử; mức độ đóng góp của Hội thẩm vào chất lượng xét xử chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của Hội thẩm; một số chế độ, chính sách đối với Hội thẩm còn chưa phù hợp.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu chỉ đạo |
Trên cơ sở thực trạng, khó khăn, vướng mắc, Đề án đề ra các giải pháp: Hoàn thiện cơ chế Hội thẩm tham gia xét xử tại Tòa án; Bổ sung chế định Hội thẩm đoàn trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về Hội thẩm; Tăng cường tính chuyên môn của Hội thẩm khi tham gia xét xử một số loại vụ án đặc thù; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho Hội thẩm; Hoàn thiện chế độ, chính sách đối với Hội thẩm; Tổ chức thí điểm xét xử sơ thẩm vụ án hình sự bằng Hội đồng xét xử và Hội thẩm đoàn và thí điểm xét xử sơ thẩm bằng Hội đồng xét xử gồm 01 Thẩm phán và 02 Hội thẩm có chuyên môn về một số lĩnh vực tương ứng đối với một số vụ án có tính chất đặc thù.
Đối với Báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Tòa án. Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp, kéo dài, do thực hiện biện pháp giãn cách chống dịch nhiều tòa án không thể đưa vụ án ra xét xử theo thời gian luật định, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tư pháp, quyền, lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trước tình hình đó, căn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp, về chủ trương xây dựng chính quyền điện tử và việc ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ vào hoạt động của bộ máy Nhà nước; các đạo luật về tố tụng tư pháp và kinh nghiệm tổ chức xét xử trực tuyến của một số nước, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ động xây dựng Dự thảo Quy chế tổ chức xét xử trực tuyến trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định là rất cần thiết.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp |
Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương ghi nhận, hoan nghênh Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã chuẩn bị công phu dự thảo Đề án, Báo cáo; các thành viên Ban Chỉ đạo đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, chuyên sâu, thể hiện rõ quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về cải cách tư pháp; đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp thu, hoàn thiện Đề án và lắng nghe nhiều chiều ý kiến của các thành viên, bảo đảm sát thực tiễn, bảo vệ chế độ, quyền lợi của Nhân Dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và đại dịch COVID-19; phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và đảm bảo yêu cầu tuân theo pháp luật của phiên tòa. Chủ tịch nước cho rằng, đây là vấn đề mới cần những bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất. Do đó, trước hết nên áp dụng trong xét xử các vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Đối với Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc triển khai áp dụng cơ chế Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử đã được tiến hành từ nhiều năm qua và đã làm tốt. Tuy nhiên, cần triển khai các giải phấp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của Hội thẩm nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện quyền lực tư pháp, bảo đảm Nhà nước của dân, vì dân, đặc biệt là cần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.
Thu Huyền