Vĩnh Phúc: Một số kết quả công tác cải cách tư pháp 6 tháng đầu năm 2021

Thứ Tư, 11/08/2021, 06:26 [GMT+7]
    Trong 6 tháng đầu năm 2021, công tác tư pháp luôn được cấp ủy Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tỉnh ủy Vĩnh Phúc thường xuyên chỉ đạo các cơ quan tư pháp tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến cho toàn thể cán bộ, đảng viên các nghị quyết, chỉ thị của Đảng nói chung và những văn bản về công tác tư pháp nói riêng, nhất là việc tổ chức thực hiện nghiêm túc nhũng nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chương trình số 03 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về nhiệm vụ trọng tâm cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016­2021. Ngày 19/5/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 231-QĐ/TƯ về kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh.
  
Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề pháp luật về bầu cử (tháng 5/2021)
Sở Tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên đề pháp luật về bầu cử (tháng 5/2021)
    
    Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì giao ban tháng với các cơ quan tư pháp của tỉnh để tổng hợp báo cáo tình hình công tác trong tháng, kịp thời tham mưu Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác tư pháp, đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, đồng thời đảm bảo tính độc lập của các cơ quan tư pháp; tổ chức giao ban công tác nội chính, cải cách tư pháp và phòng chống tham nhũng hàng quý với các cơ quan tư pháp tỉnh, các huyện, thành ủy, các ban xây dựng Đảng, Thường trực HĐND, UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt công tác nội chính nói chung và công tác cải cách tư pháp nói riêng trên địa bàn tỉnh.
 
    Việc đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ của các cơ quan tư pháp hai cấp được chú trọng, nhất là đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp. Các cơ quan tư pháp tỉnh đã tiến hành quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, tăng cường cho cơ sở, bố trí cán bộ phù hợp với sở trường, năng lực công tác.
 
    Ngành công an đã tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm và giải quyết các vụ án trọng điểm, phức tạp, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, bảo đảm tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.Viện kiểm sát nhân dân hai cấp làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp; việc phê chuẩn lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, truy tố đảm bảo đúng quy định; ban hành 11 kiến nghị đối với Cơ quan điều tra, 7 kiến nghị đối với Tòa án yêu cầu khắc phục vi phạm, tồn tại trong hoạt động điều tra, xét xử; 7 kiến nghị đối với các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp phòng ngừa vi phạm và tội phạm. Công tác giải quyết, xét xử án hình sự của Tòa án nhân dân hai cấp luôn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp nào xét xử oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; công tác giải quyết, xét xử các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại đều tăng so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, thực hiện tốt phương châm hòa giải, đảm bảo đúng pháp luật, lợi ích hợp pháp của các đương sự giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng.
 
    Công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm 2021đã có sự chuyển biến tích cực; các quyết định thi hành án, phân loại án được thực hiện chính xác, đúng quy định pháp luật. Chấp hành viên đã tích cực, chủ động tổ chức thi hành các bản án, quyết định được phân công; thực hiện xác minh điều kiện thi hành án và đôn đốc thi hành án; tổ chức tiêu hủy tang, tài vật theo quy định. Công tác thi hành án hình sự đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật trong công tác quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân, chế độ chính sách, quyền và lợi ích hợp pháp của phạm nhân được đảm bảo.
 
    Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về tư pháp được cấp ủy, chính quyền, các ngành tư pháp quan tâm, chỉ đạo tập trung thống nhất đạt kết quả tích cực. Các cơ quan tư pháp tổ chức tốt lịch tiếp dân, bố trí cán bộ có năng lực làm công tác tiếp dân; không có trường hợp nào khiếu nại, tố cáo có tính chất bức xúc, phức tạp, kéo dài.
 
    Công tác bổ trợ tư pháp được quan tâm, các hoạt động bổ trợ tư pháp góp phần tích cực đảm bảo cho hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng. Đoàn luật sư Vĩnh Phúc không ngừng được kiện toàn, hiện nay trên địa bàn tỉnh hiện có 20 tổ chức hành nghề luật sư với 44 luật sư. Các luật sư và một số tổ chức hành nghề luật sư đã hoạt động chuyên sâu, chất lượng bào chữa, tư vấn pháp luật được nâng lên, hoạt động tư vấn đầu tư, tư vấn hoạt động doanh nghiệp của luật sư đã góp phần quan trọng vào thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Toàn tỉnh có 57 công chứng viên đăng ký hành nghề tại 27 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện 84.046 việc.
 
    Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã thụ lý 65 vụ việc thuộc các đối tượng được trợ giúp pháp lý. Trong đó số vụ việc tư vấn văn bản là 08 vụ việc, tham gia tố tụng 57 vụ việc; cử 57 lượt trợ giúp viên pháp lý, luật sư tham gia tố tụng, thực hiện đại diện ngoài tố tụng, bào chữa, bảo vệquyền và lợi ích họp pháp cho đối tượng được trợ giúp pháp lý.
 
    Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc  tỉnh căn cứ vào chương trình giám sát năm 2021 đã tổ chức triển khai nghiêm túc công tác giám sát các hoạt động tư pháp. Nội dung chủ yếu tập trung vào một số hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân,công tác xem xét, bổ nhiệm kiểm sát viên, thẩm phán trung cấp, sơ cấp; chất lượng hoạt động Hội thẩm nhân dân; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; hoạt động bổ trợ tư pháp; chất lượng hoạt động công tác thi hành án dân sự, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực tư pháp...
 
    Hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp đã góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,phục vụ thiết thực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuệ Minh
.