Banner

Công tác cán bộ trong thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

Thứ Năm, 11/11/2021, 06:29 [GMT+7]
    Sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng tại báo cáo tổng kết của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình chỉ rõ: “Cán bộ, công chức có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ vững phẩm chất, đạo đức, không tham nhũng, không tiêu cực, có ý thức phục vụ Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh; vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đấu tranh chống tham nhũng được phát huy, từ đó nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng; ý thức trách nhiệm về công tác phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cán bộ, đảng viên và Nhân dân đã được thể hiện rõ hơn”...
Căn cứ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Tỉnh ủy Quảng Bình đã xây dựng và ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trên cơ sở phân cấp của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa quy định về quản lý cán bộ theo thẩm quyền và phù hợp với tình hình thực tiễn của đơn vị mình.
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm với lực lượng cán bộ nữ chủ chốt của tỉnh Quảng Bình (năm 2021)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm với lực lượng cán bộ nữ chủ chốt của tỉnh Quảng Bình (năm 2021)
    UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành quyết định để quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng đề án và phê duyệt vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, công tác xây dựng, thẩm định đề án vị trí việc làm trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, kịp thời. Đến nay, 100% cơ quan hành chính Nhà nước, gồm: 22/22 cơ quan cấp tỉnh, 08/08 UBND cấp huyện và 90% đơn vị sự nghiệp công lập đã được phê duyệt đề án vị trí việc làm.
 
    Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đúng quy định của pháp luật; có trình độ chuyên môn, năng lực công tác, có kinh nghiệm trong quản lý, đạt tiêu chuẩn đối với chức danh được bổ nhiệm và phát huy được vai trò, trách nhiệm trong quản lý, điều hành sau khi được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại. UBND tỉnh đã tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc diện Ban Cán sự UBND tỉnh quản lý. Đây là bước đột phá trong công tác cán bộ, từng bước đổi mới quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và sự phát triển của tỉnh.
 
    Công tác tuyển dụng công chức, viên chức thực hiện đúng quy định, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, tuyển đủ số lượng công chức, viên chức và chất lượng ngày càng được nâng lên; việc tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình.
 
    Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định, như: chính sách thu hút, đãi ngộ đối với người có trình độ chuyên môn cao, …; tổ chức các lớp tập huấn công tác phòng, chống tham nhũng trong các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ. Các sở, ban ngành, đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện quy định về chuyển đổi, thay đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn. Tính từ 01/01/2010 đến 31/12/2020, toàn tỉnh có 45 cơ quan, đơn vị, địa phương với 405 vị trí được thay đổi, chuyển đổi. Ngoài ra, công tác xây dựng, ban hành và thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; các quy tắc đạo đức nghề nghiệp được chú trọng, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, công vụ trên địa bàn tỉnh. 
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện công tác cán bộ vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống ở một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, thiếu kiểm tra, giám sát nên chưa trở thành một thói quen trong nếp nghĩ, trong hành động và vẫn còn có trường hợp vi phạm; việc xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy chế văn hóa công sở… có đơn vị còn hình thức, chưa giám sát được việc thực hiện; trình độ, năng lực, kinh nghiệm của một số cán bộ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn công tác; một số văn bản quy định pháp luật về công tác cán bộ bộc lộ hạn chế, vướng mắc… 
 
    Để nâng cao hơn nữa kết quả thực hiện công tác cán bộ theo Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp quốc về phòng, chống tham nhũng,thời gian tới Quảng Bình tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là trong công tác cán bộ để áp dụng phù hợp với thực tiễn công tác; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức để thấy rõ trách nhiệm của bản thân đối với công tác phòng, chống tham nhũng; gắn công tác tuyên truyền với công tác kiểm tra, giám sát nhằm trở thành nếp nghĩ và hành động trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; có các giải pháp cụ thể, phù hợp trong bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kinh nghiệm cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng… 
Lê Hà Anh Tâm
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình)
.
.