Banner

Ninh Bình: Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Chủ Nhật, 29/08/2021, 05:45 [GMT+7]
    Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch số 34-KH/TU ngày 13/8/2021 để thực hiện Chỉ thị, nhằm mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. 
 
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình
    Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác thu hồi tài sản tham nhũng tại cơ quan, địa phương, đơn vị; có giải pháp nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản do phạm tội mà có đối với các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. 
 
    Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh tuyên tuyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân hiểu, tự giác chấp hành.
 
    Để công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt hiệu quả cao, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã đề ra 06 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau: 
 
    Một là, cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác minh làm rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng, khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Qua công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế cần chú ý phát hiện những sơ hở, bất cập để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
 
    Hai là, chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Toà án nhân dân các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu và vật chứng liên quan đến tài sản bị kê biên, phong toả; chủ động rà soát,  đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án dân sự kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật tài sản đã kê biên, phong toả, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án. 
 
    Ba là, các cơ quan: Điều tra, Thi hành án, Thanh tra phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; phấn đấu nâng tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng đạt trên 60%. Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra, kiểm tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế phải chuyển ngay đến cơ quan điều tra tiếp nhận, giải quyết theo quy định.
 
    Bốn là, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản tham nhũng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, tạm giữ, phong toả tài khoản và xử lý thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử và trong giai đoạn thi hành án.
 
    Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
 
    Sáu là, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn hiện nay. Chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xác minh, truy tìm và xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài.
 
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan; yêu cầu căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện ở cơ quan, đơn vị mình.
 
    Đồng thời, giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan chức năng có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch.
                                                                           Bích Hạnh
                                                      (Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình)
.
.