Sơn La: Tăng cường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với cơ quan hành chính nhà nước

Thứ Tư, 23/06/2021, 07:00 [GMT+7]
    Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính, Đề án đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La.
 
    Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là một trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025. Ngày 12/5/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 880, 881/QĐ-UBND về ban hành Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025. 
 
Một Hội nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La
Một Hội nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La
    Đối với Đề án xác định Chỉ số cải cách hành chính: Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra mục tiêu theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan và công bằng kết quả thực hiện cải cách hành chính hàng năm của các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025 và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
 
    Bộ tiêu chí xác định Chỉ số cải cách hành chính: được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, cụ thể là: Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Cải cách công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số; Tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
    Đối với Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, mục tiêu là đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công của các cơ quan hành chính nhà nước. Thông qua đó, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có những biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ hành chính, hướng tới nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức; tăng cường ý thức trách nhiệm, nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.  Phấn đấu đến năm 2025, có trên 90% người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.
 
    05 Tiêu chí đo lường sự hài lòng bao gồm: Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước; Thủ tục hành chính; Công chức; Kết quả dịch vụ; Tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị.
 
    Phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức thông qua điều tra xã hội học: Phát phiếu điều tra xã hội học trực tiếp đến người dân, tổ chức để trả lời; Phát điều tra xã hội học qua đường bưu điện đến người dân, tổ chức để trả lời; Phỏng vấn trực tiếp dựa theo bộ câu hỏi có sẵn; Khảo sát trực tuyến trên mạng internet; Khảo sát qua gọi điện thoại; nhắn tin; Khảo sát qua thư điện tử…
 
    Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đề án, hằng năm trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện và tổ chức công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số SIPAS của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố theo quy định.
                                                                                      P.V
.