Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng thực thi công vụ để phòng ngừa tham nhũng

Thứ Tư, 16/06/2021, 05:59 [GMT+7]
    Trong những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã quyết liệt trong thực hiện tổng thể các giải pháp phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan vừa tích cực chủ động phòng ngừa, vừa kiên quyết phát hiện, xử lý sai phạm; gắn phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí, trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ và xác định đây là một trong những nhóm giải pháp phòng, chống tham nhũng. 
 
    Các cấp, các ngành của tỉnh quan tâm triển khai nghiêm túc, thực hiện đúng thẩm quyền trong công tác quản lý, sử dụng biên chế công chức. Việc thực hiện công tác bố trí, phân công nhiệm vụ cho cán bộ, công chức phù hợp trình độ và đánh giá theo các tiêu chuẩn cụ thể. Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao cả về trình độ, năng lực, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đến kỹ năng quản lý, điều hành, bảo đảm cơ cấu... Kỷ cương, kỷ luật hành chính được duy trì, đạo đức công vụ được đề cao. Chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương lập kế hoạch và danh sách CBCC phải định kỳ chuyển đổi, đảm bảo có thảo luận thống nhất, công khai cho tất cả cán bộ, công chức trong đơn vị biết, thực hiện và giám sát thực hiện. Tính đến nay, có 20 sở, ban ngành và 11 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 268 cán bộ, công chức.
 
Một cuộc họp của Huyện ủy Trần Đề triển khai công tác phòng, chống tham nhũng
Nâng cao chất lượng thực thi công vụ để phòng ngừa tham nhũng
    Công tác chấn chỉnh lề lối làm việc và nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ trong hoạt động công vụ được triển khai thực hiện khá tốt. Một số cơ quan, đơn vị tiến hành cụ thể hóa “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức” gắn với cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế văn hóa công sở và nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị hầu hết đều thi hành đúng chức trách, nhiệm vụ của mình theo các chuẩn mực pháp luật quy định. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo phải thực hiện nghiêm quy chế về tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng. Các sở, ngành, địa phương không được dùng ngân sách nhà nước mua quà tặng, quà biếu sai quy định; nghiêm cấm các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức nhận quà tặng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không đúng chế độ, định mức, đối tượng, nhất là trong các dịp lễ, tết. Đặc biệt, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng.
 
    Thực hiện công khai, minh bạch trên phương tiện thông tin đại chúng về các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục, quy trình tuyển dụng, tiếp nhận công chức, có chính sách đãi ngộ thích hợp để thu hút lao động có chất lượng cao từ nơi khác đến làm việc trong tỉnh. Sở Nội vụ thường xuyên kiểm tra công tác nội vụ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm hạn chế, chấn chỉnh kịp thời các sai phạm. Các cấp, các sở, ban ngành triển khai thực hiện công khai, minh bạch ở hầu hết các lĩnh vực trong hoạt động của mình và chú trọng công khai, minh bạch trong những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Đến nay chưa phát hiện cơ quan, đơn vị nào vi phạm quy định về thực hiện công khai, minh bạch.
 
    Từ năm 2009 - 2020, tỉnh tổ chức 8 lớp bồi dưỡng về phòng, chống tham nhũng; 21 lớp bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp hành chính, đạo đức công vụ. Ngoài ra, các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh và bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý đều được lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng và đạo đức liêm chính vào trong quá trình giảng dạy.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và quan tâm đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức. Xây dựng môi trường văn hóa công sở và quy định rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu trong hoạt động công vụ. Coi việc thực hiện các nội dung cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức là một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hàng năm của mỗi cơ quan, đơn vị; qua đó hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
 
    Cùng với đó, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đối với cán bộ, công chức. Phát huy vai trò của các cơ quan thanh tra, kiểm tra; tập trung chỉ đạo, xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; những hành vi lợi dụng chống tham nhũng để vu khống, tố cáo sai sự thật. Xử lý nghiêm, kịp thời tập thể, cá nhân suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
                                                                                                          P.V
.