Công tác thi hành án tiếp tục chuyển biến tích cực
Thứ Tư, 18/09/2019, 06:38 [GMT+7]
Năm 2019, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án dân sự, thi hành án hình sự, quản lý nhà nước về theo dõi thi hành án hành chính theo các chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội; qua đó, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tổng số việc phải thi hành trong năm là 868.984 việc; trong đó: 660.124 việc có điều kiện, thi hành xong 448.680 việc (tăng 5.768 việc); tổng số tiền phải thi hành là trên 250.597 tỷ đồng; trong đó: trên 161.648 tỷ đồng có điều kiện; thi hành xong trên 43.472 tỷ đồng (tăng trên 18.391 tỷ đồng); số chuyển kỳ sau 420.304 việc, tương ứng với hơn 207.125 tỷ đồng; liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 69/2018/QH14 thu hồi các khoản nợ của tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 3.302 việc, thu được trên 18.721 tỷ đồng.
Chương trình Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Báo cáo về công tác thi hành án năm 2019 |
Công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành án của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Cổng thông tin điện tử và Trang thông tin điện tử Thi hành án dân sự tiếp tục thực hiện nghiêm. Cơ quan Thi hành án dân sự cũng đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với 7.912 trường hợp; đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài, Bộ Tư pháp đã tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tập trung giải quyết một số vụ việc được giải quyết dứt điểm; thực hiện theo dõi 551 bản án, quyết định của Tòa án; ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 491 việc; đăng tải công khai 112 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 209 việc; kiến nghị xử lý đối với 44 trường hợp.
Tuy nhiên, hiện chưa có biện pháp xử lý phù hợp đối với số việc, tiền chưa có điều kiện; kết quả tổ chức thi hành các vụ việc liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế còn thấp, chưa đạt kết quả mong muốn; vẫn còn một số bất cập giữa quy định pháp luật với thực tiễn thi hành, như: Cơ chế xử lý việc không có điều kiện thi hành; đăng ký, quản lý tài sản, thu nhập; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, chế tài xử lý chưa nghiêm đối với các trường hợp chống đối; chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện chấp hành án hành chính.
Trong thời gian tới, để triển khai hiệu quả hơn nữa công tác thi hành án, Chính phủ đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát theo thẩm quyền, theo chuyên đề đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, thi hành án hình sự; theo đó, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra để phòng ngừa, hạn chế tẩu tán tài sản; quan tâm phê duyệt ngân sách xây dựng kho vật chứng đối với các đơn vị chưa được đầu tư; bổ sung ngân sách đầu tư xây dựng các cơ sở giam giữ và trang bị phương tiện, kỹ thuật, công cụ phục vụ bảo đảm an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ
Chính phủ cũng đề nghị ngành Tòa án quan tâm hơn đến tính khả thi của bản án, quyết định; khắc phục việc tuyên nghĩa vụ liên đới bồi hoàn không rõ tỷ lệ trong các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đối với viện kiểm sát nhân dân các cấp đề nghị tăng cường kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính khả thi khi thi hành án; kiểm sát chặt chẽ hoạt động thi hành án dân sự ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án; phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Thu Hương
(Bộ Tư pháp)