Nữ cán bộ Ban Nội chính Trung ương học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương

Thứ Hai, 02/09/2019, 05:19 [GMT+7]
    Hưởng ứng Cuộc Thi viết "Cán bộ, đảng viên Khối Thi đua các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" do Khối Thi đua các cơ quan Đảng Trung ương đã phát động năm 2018, cán bộ, công chức Ban Nội chính Trung ương đã tích cực tham gia trên 03 nội dung: Học tập, đăng ký làm theo Bác; triển khai mô hình điểm về "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và viết về "Những tấm gương làm theo Bác". Đã có nhiều bài viết về những tấm gương dung dị có thể bắt gặp đâu đó trong đời sống hằng ngày. Việc tốt của họ không chỉ khiến người viết cảm phục, học tập, thái độ trân trọng nêu gương mà còn trở nên đẹp hơn từ sức lan tỏa, nhân lên những điều thiện, việc làm có ích trong cộng đồng. Xin giới thiệu bài viết đạt giải C tại cuộc thi viết "Cán bộ, đảng viên Khối Thi đua các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

   Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, là nói đến vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam, Người không chỉ để lại cho dân tộc ta một sự nghiệp cách mạng vĩ đại, mà còn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một di sản cao quý, đó là tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc của Nhân dân. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nêu gương có một vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, bởi, như Người nói: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “Quần chúng chỉ qúy mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dân nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Đồng chí PGS. TS. Vũ Thu Hạnh, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp, Ban Nội chính Trung ương là một tấm gương như thế.

    Theo Hồ Chí Minh: Nêu gương là bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, thường xuyên khắc phục những hạn chế khuyết điểm của bản thân về mọi mặt, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” để làm công việc chung. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, viết từ những năm 20 của thế kỷ trước và trong các bài nói, bài viết sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ mỗi đảng viên, cán bộ cũng như mỗi người chúng ta cần nhận thức và giải quyết tốt ba mối quan hệ: (1) Đối với bản thân, không được tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm, tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày để phát huy ưu điểm, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa. (2) Đối với người phải có thái độ chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. (3) Đối với công việc luôn giữ nguyên tắc công tư phân minh, phải để việc công lên trước việc tư, đã nhận việc gì thì không sợ khó không sợ khổ, phải tận tâm, tận lực hoàn thành tốt, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh... Nhận thức sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong cách nêu gương, đồng chí PGS. TS. Vũ Thu Hạnh luôn là tấm gương sáng trên cả ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc.
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trao giải C cho cá nhân đặt giải Cuộc thi viết
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương trao giải C cho cá nhân đặt giải Cuộc thi viết "Cán bộ, đảng viên Khối thi đua các cơ quan Đảng Trung ương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" ngày 19-5-2019 (Ảnh Đặng Phước)
    Cuộc đời nhà giáo tại trường Đại học Luật Hà Nội trước đây và sau này là cán bộ quản lý cấp vụ của Ban Nội chính Trung ương đã mang đến cho nữ PGS. TS. Vũ Thu Hạnh nhiều trải nghiệm có ý nghĩa. Người phụ nữ mang trên vai nhiều thiên chức thì con đường học tập và nghiên cứu khoa học sẽ mang đến cho họ nhiều khó khăn áp lực hơn nam giới rất nhiều. Ở đồng chí Vũ Thu Hạnh, tiềm ẩn sự nhẫn nại dẻo dai, nên khó khăn rồi cũng vượt qua, khi mà ở trong trái tim chị lúc nào cũng căng đầy một tình yêu nghề, tinh thần “học tập, cầu tiến bộ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhờ đó, đồng chí được công nhận chức danh Phó giáo sư vào năm 2013; được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng năm 2013.
 
    Trong quá trình học tập và công tác, dù ở cương vị nào, đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần tận tụy, tận tâm, không ngại khó khăn gian khổ, trách nhiệm và hiệu quả, có nhiều đóng góp trí tuệ cho tập thể và luôn là tấm gương sáng giữa đời thường. Đồng chí TS. Nguyễn Quý Trọng, Trưởng bộ môn Luật thương mại, Trường Đại học Luật Hà Nội đánh giá: “Đồng chí Hạnh là tấm gương học tập không ngừng nghỉ, sẵn sàng đối mặt và vượt qua mọi khó khăn để có được trình độ chuyên môn vững vàng, được mọi người nể phục”.
 
    Trăn trở trước thực tế tham nhũng nghiêm trọng, hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN không theo kịp tình hình, nhất là chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội; thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp ”, đồng chí Hạnh cùng tập thể chuyên viên trong Vụ Nghiên cứu tổng hợp tổ chức nghiên cứu nhiều chuyên đề về công tác PCTN, lãng phí. Trong đó, phải kể đến việc tham mưu xây dựng văn bản góp ý đối với các đề án của các cơ quan Đảng, Nhà nước trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham mưu công tác tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới về công tác PCTN, lãng phí (kết quả tổng kết là cơ sở quan trọng để bổ sung những nội dung về PCTN, lãng phí vào Văn kiện Đại hội XII của Đảng); nghiên cứu Chuyên đề Thu hồi tài sản tham nhũng để kiến nghị, đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế trong thu hồi tài sản tham nhũng... Chủ trì xây dựng Đề án sơ kết 3 năm, 5 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; Đề án cấp bộ “Khắc phục bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai ở Việt Nam hiện nay, góp phần phòng ngừa tham nhũng”', Chủ nhiệm Đề tài khoa học cấp các ban Đảng “Kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của Trung Quốc từ sau Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 18 đến nay - Giá trị tham khảo với Việt Nam”... góp phần tham mưu những chủ trương, giải pháp lớn về PCTN. Là người trực tiếp làm việc với đồng chí Vũ Thu Hạnh từ những ngày đầu tái lập lại Ban Nội chính Trung ương, đồng chí Tạ Văn Giang, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu tổng hợp nhận xét: “Đồng chí Vũ Thu Hạnh trách nhiệm cao với công việc được phân công, sáng tạo, tận tâm, nhiệt huyết với công việc không kể thời gian, thường xuyên làm việc ngoài giờ, ngày nghỉ. Bản thân chị đã có nhiều sáng kiến trong công tác, được Lãnh đạo Ban đánh giá cao; giữ mối đoàn kết, hòa nhã với đồng nghiệp”. Đồng chí Nguyễn Xuân Diện, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác nội chính cảm nhận: “Đối với mỗi đề tài, đề án khoa học, với sự tham gia góp ý kiến của chị Hạnh, dường như làm cho chúng tôi yên tâm hơn. Chị luôn có những đóng góp trí tuệ giúp chúng tôi hoàn thiện hơn nhiệm vụ của mình”. 
 
    Đồng chí Hạnh cũng là một trong những người đặt nền móng cho Hội đồng Khoa học cơ quan, đưa công tác nghiên cứu khoa học của Ban Nội chính Trung ương đi vào nền nếp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tham mưu, đề xuất lãnh đạo Ban quyết định thành lập Hội đồng Khoa học cơ quan; giúp Hội đồng Khoa học xây dựng, trình ký ban hành Quy chế hoạt động. Thực hiện nhiệm vụ thường trực, giúp việc Hội đồng khoa học cơ quan; giúp Lãnh đạo Ban quản lý tốt hoạt động nghiên cứu khoa học của cơ quan; giúp bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng các kết qủa nghiên cứu đề tài, đề án khoa học do Ban Nội chính Trung ương chủ trì, được Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đánh giá cao. Tích cực tham gia một số Tổ biên tập xây dựng các đề án, đề tài nghiên cứu do các vụ, đơn vị chủ trì; giúp xem xét, cân nhắc yếu tố cơ sở khoa học trong các nghiên cứu đề tài, đề án, chuyên đề của Ban; tham gia ý kiến tham mưu, đề xuất của một số vụ, đơn vị. Là người góp phần đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học theo hướng đổi mới mạnh mẽ tư duy, tăng cường tổng kết thực tiễn; nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ yêu cầu đòi hỏi thực tiễn, tăng cường dân chủ, sáng tạo, phát huy sáng kiến, kinh nghiệm, khuyến khích các đề tài đi vào nghiên cứu các vấn đề mới, xây dựng và ban hành quy chế dân chủ trong công tác nghiên cứu khoa học. Đồng chí Hạnh cũng là người tham gia sâu, có trách nhiệm đối với hoạt động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất của cơ quan, đơn vị (các đề án chuyên môn của Ban trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư), góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu chiến lược của cơ quan trong lĩnh vực nội chính và PCTN.
 
    Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đối với người phải có thái độ chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng”', là người có trình độ, đạt nhiều thành tích trong công tác, song đồng chí Hạnh luôn khiêm tốn, giản dị, cởi mở, quan tâm, tận tình giúp đỡ đồng nghiệp trong cơ quan; thường xuyên thăm hỏi, động viên các đồng nghiệp. Đối với những cán bộ trẻ chưa có kinh nghiệm trong công tác, đồng chí tận tình hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm. Đối với những người có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm, đồng chí gần gũi, động viên, sẵn lòng giúp đỡ. Là người nhận được sự quan tâm của Đồng chí Hạnh, đồng chí Trần Hoàng Kiếm, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Ban Nội chính Trung ương xúc động chia sẻ, “sự quan tâm, chia sẻ của đồng chí Vũ Thu Hạnh là tấm lòng của một người chị cả mẫu mực, làm cho bản thân cảm động và được động viên rất nhiều... ”. Đồng chí Trương Thị Văn, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nội chính có chung nhận xét: “Trong quá trình công tác, cũng như trong cuộc sống hàng ngày tôi đã học hỏi được rất nhiều từ đồng chí Hạnh, những ý kiến của đồng chí giúp chúng tôi trưởng thành hơn ”.
 
    Đồng chí Vũ Thu Hạnh luôn là người đề cao tính kỷ luật, nguyên tắc, thể hiện qua ý thức tuân thủ nghiêm kỷ luật lao động. Đồng chí cũng có phương pháp làm việc khoa học, hợp lý. Đối với công việc chung của đơn vị, đồng chí luôn chủ động đề xuất và sử dụng phương pháp làm việc nhóm, tranh luận tập thể để các vấn đề được xem xét một cách thấu đáo, toàn diện. Đồng chí cũng sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm công tác với bạn bè, đồng nghiệp. Như kỹ năng chắt lọc, chuyển thể kết quả nghiên cứu các đề tài, đề án, chuyên đề thành ý kiến tham mưu, đề xuất phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Chuyên viên Vụ Nghiên cứu - Tổng hợp chia sẻ: “Là cán bộ mới về nhận công tác tại đơn vị, được sự quan tâm, chỉ dẫn tận tình của đồng chí Hạnh đã giúp tôi nhanh chóng nắm bắt công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
 
    Đối với công việc, đồng chí Vũ Thu Hạnh luôn thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “luôn giữ nguyên tắc công tư phân minh, phải để việc công lên trước việc tư, đã nhận việc gì thì không sợ khó không sợ khổ phải tận tâm, tận lực hoàn thành tốt”. Đó là tinh thần tận tâm, hết lòng cống hiến vì công việc chung và vì lợi ích của tập thể. Và trong thành tích chung của tập thể Vụ Nghiên cứu tổng hợp nói riêng và Ban Nội chính Trung ương nói chung có đóng góp không nhỏ của đồng chí Vũ Thu Hạnh. Những đóng góp đó giúp nâng tầm vai trò của Ban Nội chính Trung ương, với tư cách là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về lĩnh vực nội chính và PCTN; nhất là trong điều kiện hiện nay, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã và đang được triển khai mạnh mẽ. Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc công tác PCTN năm 2018, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Những chuyên biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh PCTN, tiêu cực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận, phấn chấn trong nhân dân. Và đây chính là nguồn động lực to lớn đế chúng ta hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát trỉên nhanh và bền vững”.
 
    Có rất nhiều minh chứng công nhận, trong đó có cả những tình cảm tốt đẹp của nhiều cán bộ, công chức, nhân viên Ban Nội chính Trung uơng dành cho tấm gương sáng về đạo đức, trách nhiệm và sự tận tâm, hết lòng với công việc của đồng chí PGS. TS. Vũ Thu Hạnh. Đồng chí vinh dự là một trong 377 điển hình tiên tiến được tuyên dương toàn quốc năm 2017 do Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức. Xứng đáng là tấm gương sáng của Ban Nội chính Trung ương học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới - thời kỳ đề cao tinh thần trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần nhân lên niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, xứng đáng với sự cống hiến và hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.
 
    Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Điều đó có nghĩa khi cán bộ, đảng viên đi đầu nêu gương trước sẽ tạo sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với quần chúng. Sinh thời, Người rất chú trọng việc biểu dương tấm gương người tốt việc tốt, bởi từ đó, những việc tốt không chỉ lôi cuốn những người khác làm theo mà còn lan tỏa mạnh mẽ. Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, khi mà trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đó càng trở nên cấp thiết, Đảng đã nhận định “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống”. Thậm chí gần đây còn có những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cho nên, vấn đề nêu gương không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Và chúng ta rất cần có những tấm gương sáng ngời như đồng chí PGS. TS. Vũ Thu Hạnh, để có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa những tấm gương tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới, vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh như mong muốn cuối cùng trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu.
Thu Huyền
.