Tọa đàm Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật
Thứ Tư, 03/11/2021, 10:45 [GMT+7]
Sáng 2/11/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bí thư Đảng đoàn Quốc hội đã chủ trì Tọa đàm chuyên gia một số nội dung phục vụ việc xây dựng Chuyên đề: "Hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".
Phát biểu tại Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương về triển khai xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” giao Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng 4 chuyên đề.Đó là các chiến lược lược về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩaViệt Nam; Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.Hai chuyên đề tiếp theo về đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Quang cảnh Tọa đàm |
Đến nay, tiến độ thực hiện các chuyên đề của Đảng đoàn Quốc hội rất tích cực. Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thiện và gửi tới Ban chỉ đạo Trung ương chuyên đề “Hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tư pháp và giữa các cơ quan, tổ chức trong hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.
Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chiến lược định hướng xây dựng pháp luật trong 5 năm và trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận về Chiến lược định hướng xây dựng pháp luật trong 5 năm. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện chỉ quy định về chương trình xây dựng pháp luật hằng năm. Chiến lược đã xác định 137 nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong giai đoạn 5 năm tới. Đây là định hướng lớn, làm căn cứ triển khai chương trình xây dựng pháp luật hằng năm mang tính chủ động, bao quát hơn.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm tập trung thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung: Về định hướng thống nhất nội hàm một số khái niệm; nguyên tắc yêu cầu với việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật; mục tiêu, phương hướng, giải pháp xây dựng hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các đại biểu tập trung thảo luận nội dung quan trọng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt chất lượng cao và tổ chức thực thi pháp luật hiệu quả. Từ đó, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch; hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực thuộc về nhân dân và phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
P.V