Đồng chí Tổng Bí thư dự phiên thảo luận về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng
Thứ Ba, 26/10/2021, 08:49 [GMT+7]
Sáng 24/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021; Dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Thanh tra Chính phủ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên thảo luận.
Quốc hội thảo luận về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng |
Các đại biểu đồng tình với các báo cáo và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng. Sau 3 năm triển khai áp dụng Luật Phòng, chống tham nhũng, 2 năm thực hiện mở rộng phòng, chống tham nhũng tại các doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài nhà nước, tình hình tham nhũng được kiềm chế, từng bước thuyên giảm.
Các đại biểu thống nhất đánh giá, điểm đổi mới, nổi trội, đóng góp lớn vào kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2021 là trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng có thể chuyển ngay đến cơ quan điều tra, không cần chờ đến khi kết thúc thanh tra. Điểm đổi mới này góp phần ngăn chặn kịp thời hậu quả, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng như: việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên; việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu cũng đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh COVID-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.
P.V