Tọa đàm triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030

Thứ Sáu, 22/10/2021, 16:43 [GMT+7]
    Bộ Tư pháp vừa tổ chức Tọa đàm triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 và đánh giá kết quả xếp hạng chỉ số cải cách hành chính năm 2020.
 
    Theo kết quả năm 2020, tổng số điểm Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2020 là 94.02/100 điểm xếp thứ 3/17 bộ. Đây là năm thứ ba liên tiếp Bộ Tư pháp duy trì nhóm ba bộ dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính cấp bộ. Nhằm thực hiện tốt hơn công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của bộ, gắn việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với công tác chuyên môn và coi công tác này là khâu có ý nghĩa quan trọng, đột phá nhằm thúc đẩy chuyển biến trong hoạt động quản lý nhà nước; trong thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của bộ và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
 
Quang cảnh buổi tọa đàm
Quang cảnh buổi tọa đàm
    Trên cơ sở kết quả chỉ số hài lòng về các dịch vụ công lĩnh vực tư pháp thuộc diện đo lường năm 2020, Chỉ số hài lòng chung đã đạt yêu cầu theo Nghị quyết số 30C/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020 là: “bảo đảm sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80% vào năm 2020”, trong đó, các chỉ số về tiếp cận dịch vụ công, thủ tục hành chính, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính, kết quả dịch vụ công đều đạt mức trên 80% theo yêu cầu của Chính phủ. Kết quả nói trên đã thể hiện nỗ lực của cơ quan tư pháp tại các địa phương trên phạm vi cả nước để hướng đến đảm bảo sự hài lòng của người dân, tổ chức khi thực hiện các dịch vụ công.
 
    Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính của Bộ, Văn phòng Bộ đề nghị Lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ một số nội dung như: Các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch cải cách hành chính năm 2021 của Bộ; Trên cơ sở kết quả Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp năm 2020, đề nghị Lãnh đạo Bộ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát, rút kinh nghiệm để qua đó, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những nội dung CCHC còn bị trừ điểm; Thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác tư pháp địa phương; Kịp thời tổng hợp, xử lý các kiến nghị, khó khăn và vướng mắc của người dân, doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý; Về kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, các Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục Trợ giúp pháp lý, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực… trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nghiên cứu sâu hơn về kết quả đo lường để có tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ trong từng lĩnh vực.
 
    Về Kế hoạch CCHC của Bộ Tư pháp giai đoạn 2021-2030, Bộ Tư pháp đã xác định 04 mục tiêu cải cách hành chính. Cụ thể: Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân; Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030 và hoàn thành các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp theo Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030; Tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ triển khai thực hiện công tác cải cách thể chế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính; gắn việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với công tác chuyên môn và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài.
 
    Để thiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, Bộ Tư pháp đã đề ra 40 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 132 nhiệm vụ cụ thể trên 07 lĩnh vực cải cách hành chính là: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Cải cách chế độ công vụ; Cải cách tài chính công; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số và Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.
 
    Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận và đưa ra các ý kiến, giải pháp để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, nhằm xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, giảm phiền hà cho người dân.
                                                                                             Kiều Giang
.