An Giang: Kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2020

Thứ Ba, 26/10/2021, 06:32 [GMT+7]
    Trong năm 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả mạnh mẽ trong toàn xã hội. Tham nhũng từng bước được kiểm chế, ngăn chặn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Công tác phát hiện và xử lý tham nhũng được chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. 
 
    Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương bộ máy nhà nước, từng bước loại bỏ các điều kiện, cơ hội làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực trên các lĩnh vực và trong các ngành, các cấp, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực liên quan đến quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng… và thường xuyên tiếp xúc trực tiếp, giải quyết quyền lợi chính đáng của Nhân dân, góp phần đắc lực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh.
 
Toà án nhân dân tỉnh An Giang mở phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Phước về tội “Tham ô tài sản”
Toà án nhân dân tỉnh An Giang mở phiên toà xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Văn Phước về tội “Tham ô tài sản”
    Kết quả thực hiện cải cách hành chính: thực hiện Nghị quyết số 30C /NQ-CP của Chính phủ về tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 324/QĐ-UBND, ngày 05/02/2016 về Chương trình cải cách hành chính tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 và triển khai, tổ chức thực hiện ở các cấp sở, các địa phương theo kế hoạch cải cách hằng năm. Trong năm 2020, kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR Index 2020) của tỉnh An Giang được Bộ Nội vụ công bố là quy đổi điểm cải cách hành chính theo Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng là 02 điểm (VACA Index 83,25). 
 
    Triển khai thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; đã có 48/48 cơ quan, tổ chức, đơn vị (với 1.070 đơn vị trực thuộc) thực hiện, với 7.594 người phải kê khai; trong đó: Thanh tra Chính phủ kiểm soát 33 người và Thanh tra tỉnh kiểm soát 7.561 người; tổng số bản kê khai đã thực hiện công khai là 7.594 bản (đạt tỷ lệ 100%); đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 122 cán bộ, công chức, viên chức theo quy định pháp luật. 
 
    Các ngành chức năng đã phát hiện 04 vụ việc sai phạm, gồm: Vụ việc sai phạm về tài chính xảy ra tại Trường Cao đẳng nghề An Giang; vụ việc sai phạm liên quan công chức địa chính xảy ra tại Ủy ban nhân dân xã Bình Thủy, huyện Châu Phú; vụ việc sai phạm về tài chính xảy ra tại Trường THCS An Châu, huyện Châu Thành; vụ việc sai phạm tài chính xảy ra tại Ủy ban nhân dân xã Cần Đăng, huyện Châu Thành; đã khởi tố 02/04 vụ, đang điều tra làm rõ 01 vụ, xử lý kỷ luật 01 vụ. Đồng thời, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu 02 vụ với hình thức cảnh cáo. 
 
    Các cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lý 03 vụ/12 bị cáo liên quan đến tham nhũng, kinh tế, điển hình là vụ “tham ô tài sản”, với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng của Công ty TNHH MTV Xăng Dầu An Giang. Các ngành chức năng đã tổ chức thu hồi hơn 1,1 tỷ đồng tài sản tham nhũng. 
 
    Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình tham nhũng trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ, phức tạp, tinh vi hơn; hành vi tham nhũng chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, tài chính, đất đai, ngân hàng, bảo hiểm… vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số hạn chế như: Diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, phức tạp ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng… 
 
    Công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của một số cơ quan, đơn vị chưa đạt yêu cầu, chất lượng chưa cao; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong cung cấp thông tin và tiến độ xử lý các vụ việc tham nhũng còn chậm, chưa đạt yêu cầu. 
 
    Việc tham gia của các tổ chức, người dân trong đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng chưa mạnh dạn, quyết liệt; một bộ phận doanh nghiệp, người dân vẫn còn tâm ý chấp nhận hành vi tham nhũng để “được việc” mà không liên quan đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu. 
 
    Công tác thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội tham nhũng, ý thức chiếm đoạt và mục đích sử dụng tài sản chiếm đoạt khó khăn, do hành vi tham nhũng diễn ra trong thời gian dài mới bị phát hiện; chủ thể của loại tội phạm này là người có chức vụ, quyền hạn nhất là các chủ thể có liên quan đến công tác tài chính, đối tượng có trình độ, hiểu biết về pháp luật nên công tác đấu tranh phát hiện còn nhiều khó khăn.   
                                                                Phan Xuân Quí
(Ban Nội chính Tỉnh ủy An Giang)
.