Ninh Bình: Chuyển biến rõ nét trong cải thiện chỉ số "Tính năng động của chính quyền tỉnh"
Thứ Bảy, 22/10/2022, 06:54 [GMT+7]
Tính năng động của chính quyền địa phương nhằm đo lường, đánh giá sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật và giải quyết kịp thời, hiệu quả khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân. Với quyết tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), tỉnh Ninh Bình đã và đang thực thi nhiều giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng một chính quyền kiến tạo, phục vụ vì mục tiêu phát triển bền vững.
Chỉ số thành phần "Tính năng động của chính quyền tỉnh" Ninh Bình được đánh giá dựa trên kết quả thực hiện 09 chỉ tiêu cơ sở, tuy nhiên năm 2021 nhiều điểm số đạt điểm không cao. Các cấp, các ngành trong tỉnh cũng đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá lại một số nguyên nhân dẫn đến chỉ tiêu thành phần "Tính năng động của chính quyền tỉnh" giảm điểm và giảm về thứ bậc xếp hạng như: Một số trường hợp điều chỉnh, thu hồi dự án đầu tư ngoài ngân sách không được quy định cụ thể trong luật, nghị định, thông tư hướng dẫn, do đó các cơ quan chuyên môn phải xin ý kiến các bộ, ngành chuyên môn, làm kéo dài thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc tiếp xúc với các doanh nghiệp |
Bên cạnh đó, việc công khai các quy hoạch ngành, lĩnh vực trên Cổng thông tin dịch vụ công của tỉnh chưa linh hoạt; các dự án thu hút đầu tư trên Cổng dịch vụ công Quốc gia chưa được cập nhật kịp thời; việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong giải quyết các thủ tục hành chính liên thông cho doanh nghiệp chưa được chặt chẽ và còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết cho doanh nghiệp. Công tác đối thoại với doanh nghiệp để giải quyết những khó khăn, vướng mắc chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Một số kiến nghị của doanh nghiệp chưa được giải quyết một cách triệt để.
Nhằm đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với phương châm “Chính quyền đồng hành, cầu thị, lắng nghe, tháo gỡ một cách thực chất các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, từ tháng 5/2022, định kỳ vào thứ 5 tuần cuối cùng của tháng, lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp để lắng nghe các phản ánh, kiến nghị, đồng thời cung cấp, trao đổi thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; xem xét, giải quyết những đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, phát huy hiệu quả vốn đầu tư; từng bước xây dựng được môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp thông qua việc cải cách hành chính và chuyển đổi số.
Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh phát huy hiệu quả trong quá trình hoạt động; 8/8 huyện, thành phố, 143/143 xã, phường, thị trấn duy trì thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; đã phê duyệt 1.926 quy trình nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh; hệ thống một cửa điện tử tỉnh đã tích hợp được 842 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh để hạn chế việc người dân, doanh nghiệp đi lại, tiếp xúc trực tiếp.
Với quyết tâm cải thiện xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh, năm 2022 Ninh Bình tiếp tục sửa đổi và triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI). Các chỉ số thành phần của bộ chỉ số DDCI được xây dựng tương thích các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trên cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn môi trường kinh doanh của tỉnh nhằm đánh giá mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Việc triển khai Bộ tiêu chí DDCI đã tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực; tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành.
Bích Hạnh
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Ninh Bình)