Banner

Ghana: Kê khai tài sản là công cụ đắc lực chống tham nhũng

Thứ Năm, 22/12/2022, 06:20 [GMT+7]
    Theo Liên minh Chống tham nhũng Ghana (GACC), kê khai tài sản là một công cụ chống tham nhũng nhằm kiểm kê tài sản và công nợ của các quan chức nhà nước trước khi họ nhậm chức, theo định kỳ và sau khi rời nhiệm sở.
 
    Thông tấn xã Ghana mới đây dẫn lời bà Beauty Emefa Narteh, Giám đốc Điều hành GACC, cho biết: “Mục tiêu [kê khai tài sản] là nhằm ngăn chặn các quan chức sử dụng quyền lực và đặc quyền theo chức vụ để làm giàu bất hợp pháp, bởi họ sẽ phải giải trình về nguồn gốc của tài sản, của cải có được".
 
Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock
    Cũng theo lãnh đạo GACC, “để thực hiện hiệu quả việc kê khai tài sản và đạt được mục tiêu kê khai tài sản như một công cụ chống tham nhũng, điều quan trọng là chế độ pháp lý ở Ghana về kê khai tài sản phải được sửa đổi, yêu cầu xác minh, giám sát, công khai và xử phạt rõ ràng".
 
    Bà Narteh phát biểu tại hội nghị chuyên đề kỷ niệm Ngày Quốc tế Chống tham nhũng (IACD) tại Ghana do Ủy ban Nhân quyền và Tư pháp hành chính Ghana (CHRAJ) tổ chức cuối tuần qua.
 
    Phát biểu về chủ đề “Kiềm chế tham nhũng ở Ghana thông qua Luật Đạo đức công vụ”, bà Narteh giải thích rằng: “Một công chức nộp bản kê khai cho Tổng Kiểm toán phải cung cấp mọi thông tin làm rõ theo yêu cầu của kiểm toán viên bằng văn bản”.
 
    Tuy nhiên, việc xác minh nhằm mục đích xem xét tất cả bản kê khai để đảm bảo rằng chúng chính xác về mặt thông tin, con số, bà nói và nhấn mạnh rằng “đây là một cơ chế chống tham nhũng để chống lại việc kê khai sai tài sản và các khoản nợ".
 
    Theo lãnh đạo GACC, có thể có những trường hợp kê khai quá mức với dự đoán sẽ có được một số tài sản nhất định trong tương lai và để đảm bảo rằng những kê khai trong tương lai không gây nghi ngờ vì những tài sản này đã được tiết lộ trước đó, ngay cả khi công chức không sở hữu chúng.
 
    Ở phía ngược lại, có những trường hợp khai báo thiếu để che giấu tài sản và khoản nợ.
 
    Trong cả hai trường hợp, cần một kế hoạch xác minh toàn diện để phát hiện ra của cải bất hợp pháp.
“Việc xác minh sẽ cho phép chúng ta xác định tính chân thực, đầy đủ của bản kê khai, cũng như những điểm không chính xác và mâu thuẫn trong bản khai tài sản, thu nhập của các công chức".
 
    Việc xác minh là một thách thức, tuy nhiên, với mục tiêu để kê khai tài sản, thu nhập trở thành một công cụ đắc lực chống tham nhũng, thì đây là một kế hoạch cần được quan tâm, nỗ lực thự hiện, theo Giám đốc điều hành GACC.
 
    Nhấn mạnh vào chủ đề “Kiềm chế tham nhũng ở Ghana thông qua Luật Đạo đức công vụ”, bà Narteh cho biết, Chương 24 của Hiến pháp Ghana có quy định về đạo đức công vụ, tại đó, đưa ra những biện pháp nhằm ngăn chặn việc lạm dụng chức vụ, quyền hạn.
 
    Ghana đã có nhiều nỗ lực nhằm mở rộng những biện pháp được xác định trong Chương 24 của Hiến pháp năm 1992, thông qua các luật, bao gồm: Luật về người nắm giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước năm 1998, Dự luật về đạo đức công vụ.
 
    Bà Narteh cho biết, các cuộc thảo luận hiện nay về Luật Đạo đức công vụ có xu hướng xoay quanh 4 vấn đề. Đó là: Kê khai tài sản và công nợ, quấy rối tình dục, gạ gẫm và nhận quà, xung đột lợi ích.
Theo Báo Thanh tra
.
.