Banner

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự

Thứ Ba, 14/05/2024, 17:01 [GMT+7]
    Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ chính là “cán bộ là gốc của công việc” đã trở thành kim chỉ nam cho Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng ở mỗi giai đoạn và thời kỳ cách mạng.
 
    Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người viết: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”.
 
    Người còn nhấn mạnh: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”, điều đó cho thấy công tác cán bộ của Ðảng có ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của cách mạng Việt Nam.
 
“Cán bộ là gốc của công việc” - tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Ảnh sưu tầm
“Cán bộ là gốc của công việc” - tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Ảnh sưu tầm
    “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, nói phải đi đôi với làm
 
    Quan điểm của Người về “cán bộ là gốc của mọi công việc”, nói phải đi đôi với làm vừa mang tính nguyên tắc, vừa mang tính toàn diện. Theo Người, việc đầu tiên cực kì quan trọng đó chính là việc lựa chọn cán bộ.
 
    Khi đã lựa chọn được cán bộ có đức, có tài mang tâm huyết, tài năng hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, thì những người cán bộ ấy cần phải được bố trí vị trí việc làm phù hợp, cần tiếp tục được huấn luyện - đào tạo một cách bài bản.
 
    Vì vậy, Người luôn khẳng định công tác chăm lo huấn luyện cán bộ là việc có tầm quan trọng đặc biệt, bởi vì: “Đảng phải nuôi dậy cán bộ, như người dân vẫn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ”.
 
    Người còn chỉ ra việc đánh giá cán bộ là phải tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, phải đánh giá khách quan và toàn diện, tránh việc đánh giá chủ quan, cảm tính cũng như hình thức, qua loa, nể nang.
 
    Người chỉ rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt”. Ngược lại: “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh thế nào lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt”.
 
    Điểm nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quản lý cán bộ là phải thực hiện tốt chế độ phê bình, tự phê bình; chế độ khen thưởng và kỷ luật.
 
    Trong bố trí, sử dụng cán bộ, Người khẳng định “dụng nhân như dụng mộc”, dùng người nào thì phải phù hợp với việc đó. Người đã sớm chỉ ra những sai lầm gọi là “những chứng bệnh”, trong đó phổ biến là căn bệnh cục bộ, địa phương, hẹp hòi, dùng người cơ hội, a dua, xu nịnh, xuôi chiều với mình.
 
    Về chính sách cán bộ, Người cho rằng cần phải thưởng phạt kịp thời, phải yêu thương cán bộ nhưng yêu thương không phải là vỗ về, nuông chiều, luôn quan tâm đến công tác cán bộ là khi thấy cán bộ có khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải bị cưỡng bức mà sửa đổi. Đồng thời, phải quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh của cán bộ, để có chính sách đúng đắn, phù hợp để động viên, khích lệ cán bộ yên tâm công tác và cống hiến.
 
    Như vậy, theo Người thì “cán bộ là gốc của công việc”. Người cho rằng, mọi quyết sách của Đảng đều phụ thuộc vào yếu tố con người, việc thành hay bại là ở cán bộ.
 
    Tư tưởng của Người về công tác cán bộ nhằm xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa có năng lực lãnh đạo, biết tổ chức quần chúng thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên định đi đến mục tiêu đã chọn.
 
    Sự trưởng thành của cán bộ có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới
 
    Sau hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII về chiến lược cán bộ, đội ngũ cán bộ các cấp có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
 
    Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ những năm qua là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
    Tuy nhiên, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận không nhỏ cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân chủ yếu làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
 
    Nguyên nhân của tình trạng nêu trên không có gì mới, vẫn là bài học cũ về buông lỏng kiểm tra, giám sát, là bài học mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc: Kiểm tra, giám sát để xem xét công tác, học tập, giúp đỡ người tiến bộ ít, khen ngợi người tiến bộ nhiều, phát huy mặt tích cực, khắc phục, sửa chữa những sai lầm, thiếu sót.
 
    Vì vậy, để làm tốt công tác kiểm tra, giám sát đối với cán bộ và công tác cán bộ, cấp ủy các cấp cần phải tiếp tục quán triệt, triển khai các nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X và các chỉ thị, nghị quyết đã ban hành trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng.
 
    Về trọng tâm, Đảng ta luôn xác định: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.
 
    Việc xây dựng đội ngũ cán bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà mục tiêu đến năm 2025 là tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hoá, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Đến năm 2030 là xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng; cơ bản xây dựng được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ.
 
    Người từng nói: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém” cho thấy mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là rất nguy hiểm.
 
    Quán triệt tư tưởng của Người, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào công tác cán bộ phải tuân thủ nguyên tắc: Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đi đôi với việc bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ đã được nêu rõ tại Quy định số 80 ngày 18/8/2022 của Ban Chấp hành Trung ương.
 
    Phải khẳng định rằng, hệ thống các quan điểm trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ cho đến ngày nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
                                                                          Theo Báo Thanh tra
.
.