Tình tiết giảm nhẹ, tặng nặng xử lý kỷ luật trong Quân đội

Thứ Năm, 07/03/2024, 15:26 [GMT+7]
    Hỏi: Xin cho biết, quy định về tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng xử lý kỷ luật trong Quân đội cụ thể như thế nào?
 
    Trả lời: Theo Thông tư số 143/2023/TT-BQP, ngày 27/12/2023 của Bộ Quốc phòng quy định về tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:
 
    Tình tiết giảm nhẹ quy định đối với: (1) Người vi phạm kỷ luật đã có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm hoặc tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại; (2) Người vi phạm kỷ luật đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi, tích cực giúp đỡ cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm kỷ luật; (3) Vi phạm kỷ luật do bị ép buộc hoặc bị lệ thuộc về vật chất hoặc tinh thần; vi phạm trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; (4) Có nhiều thành tích trong học tập, công tác, lao động, sản xuất, chiến đấu.
 
Một Hội nghị của Cục Chính trị Quân khu 5 (ảnh minh họa)
Một Hội nghị của Cục Chính trị Quân khu 5 (ảnh minh họa)
    Tình tiết tăng nặng quy định khi: (1) Vi phạm kỷ luật nhiều lần hoặc tái phạm; (2) Ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất hoặc tinh thần thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật; (3) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vi phạm kỷ luật; (4) Tiếp tục vi phạm kỷ luật mặc dù người có thẩm quyền đã yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm đó; (5) Sau khi vi phạm kỷ luật đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm kỷ luật.
 
    Tình tiết quy định tại Khoản 2 Điều 5 của Thông tư này đã được quy định là hành vi vi phạm kỷ luật thì không được coi là tình tiết tăng nặng.
 
    Đối với trường hợp chưa xem xét kỷ luật quy định cụ thể là: (1) Trong thời gian nghỉ theo chế độ quy định (trừ trường hợp nghỉ chuẩn bị hưu); (2) Trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ sở quân y cấp trung đoàn trở lên hoặc bệnh viện, trung tâm y tế từ tuyến huyện trở lên; (3) Phụ nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ chế độ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; nam giới (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng khác) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người có hành vi vi phạm có văn bản yêu cầu được xem xét xử lý kỷ luật; (4) Đang trong thời gian chờ kết quả giải quyết cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.
 
    Trường hợp miễn trách nhiệm kỷ luật quy định như sau: (1) Được cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng mất năng lực hành vi dân sự khi vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội; (2) Vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội trong trường hợp phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, do điều kiện bất khả kháng; (3) Vi phạm do chấp hành mệnh lệnh của người chỉ huy cấp trên hoặc phân công nhiệm vụ của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Bộ Quốc phòng.
 
    Về hình thức kỷ luật đối với sĩ quan: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Giáng cấp bậc quân hàm; g) Tước quân hàm sĩ quan; h) Tước danh hiệu quân nhân.
 
    Hình thức kỷ luật đối với quân nhân chuyên nghiệp: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Giáng chức; d) Cách chức; đ) Hạ bậc lương; e) Giáng cấp bậc quân hàm; g) Tước danh hiệu quân nhân.
 
    Hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan - binh sĩ: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Giáng chức; d) Cách chức; đ) Giáng cấp bậc quân hàm; e) Tước danh hiệu quân nhân.
 
    Hình thức kỷ luật đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng là: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Hạ bậc lương; d) Giáng chức; đ) Cách chức; e) Buộc thôi việc.
Phương Anh
.