Báo chí với công tác công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình trong cơ quan hành chính ở Việt Nam
Thứ Sáu, 25/06/2021, 09:55 [GMT+7]
Những năm qua, Đảng và nhà nước ta đánh giá rất cao vai trò của báo chí trong đời sống xã hội. Điều này đã được khẳng định trong các Văn kiện của Đảng; được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật của nhà nước, tạo hành lang giúp các cơ quan báo chí thực hiện chức năng, nhiệm vụ, vai trò xã hội của mình. Mặt khác, nhân dân luôn thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào báo chí trong việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong các cơ quan nhà nước hiện nay.
|
1. Luật Báo chí (năm 2016) nêu rõ chức năng của báo chí: “Báo chí ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; là diễn đàn của nhân dân”(1).
Về nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, Luật Báo chí nêu:
“1. Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;
2. Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ XHCN, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN;
3. Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;
4. Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; v.v…”(2).
Luật PCTN năm 2018 cũng quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí, nhà báo trong PCTN như sau:
“1. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm đấu tranh chống tham nhũng, đưa tin về hoạt động PCTN và vụ việc tham nhũng.
2. Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin liên quan đến hành vi tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về báo chí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
3. Cơ quan báo chí, nhà báo có trách nhiệm phản ánh khách quan, trung thực và chấp hành các quy định khác của pháp luật về báo chí, quy tắc đạo đức nghề nghiệp khi đưa tin về hoạt động PCTN và vụ việc tham nhũng”(3).
Như vậy, đối với nhiệm vụ công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước, báo chí có vai trò: (1) Là phương tiện để các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội thực hiện nhiệm vụ công khai, minh bạch và giải trình; (2) Là nơi người dân thể hiện những tâm tư, nguyện vọng đóng góp ý kiến của mình về đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động quản lý nhà nước; (3) Báo chí có vai trò thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội về hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và hoạt động công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình nói riêng.
2. Theo Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 cho thấy:
- Chỉ số công khai, minh bạch thông tin: Để đáp ứng “quyền được biết” của người dân về những chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của họ, như: (1) Tiếp cận thông tin; (2) Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; (3) Công khai, minh bạch ngân sách xã; (4) Công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất; đây là 03 lĩnh vực cụ thể, cần được công khai, minh bạch theo quy định của Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật Đất đai (sửa đổi năm 2013), Luật Ngân sách nhà nước (năm 2015) và Luật Tiếp cận thông tin (năm 2016), bảo đảm quyền “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Kết quả cho thấy: Về tiến bộ, có 12 tỉnh cải thiện đáng kể so với năm 2019 trong nỗ lực công khai, minh bạch (ở bốn nội dung thành phần). Bình Định và Thái Nguyên có mức cải thiện nhiều nhất qua hai năm.
Trong số 16 tỉnh đạt điểm cao nhất có 09 tỉnh phía Bắc, 04 tỉnh miền Trung và 03 tỉnh miền Nam. Điểm nội dung thành phần “Công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo” đóng góp nhiều nhất vào điểm chỉ số nội dung 2. Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Ninh đều đạt trên 02 điểm trong khi Lâm Đồng và Khánh Hòa chỉ đạt dưới 1,4 điểm trên thang đo từ 0,25-2,5 điểm. Về giảm sút: Điểm của 11 tỉnh sụt đáng kể so với 2019, trong đó tỉnh Sóc Trăng và Bình Dương có mức giảm sút lớn nhất qua 02 năm. Khánh Hòa tiếp tục là một trong năm địa phương đạt điểm thấp nhất toàn quốc trong ba năm (từ 2018). Điểm nội dung thành phần “Tiếp cận thông tin” của các tỉnh, thành phố đều thấp. Thái Nguyên đạt điểm cao nhất song cũng chỉ ở mức 1,04 điểm trong khi An Giang đạt điểm thấp nhất ở mức 0,69 trên thang đo từ 0,25-2,5 điểm.
- Trách nhiệm giải trình với người dân. Ngoài nội dung thành phần “Mức độ và hiệu quả tương tác với chính quyền địa phương” - đo lường hiệu quả của các cuộc tiếp xúc công dân, cử tri của các cấp chính quyền theo quy định của Luật Tiếp công dân 2013, từ năm 2018, chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” có thêm 02 nội dung thành phần được điều chỉnh và bổ sung là: “Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân” và “Tiếp cận dịch vụ tư pháp”. Kết quả như sau: Về tiến bộ, 12 tỉnh, thành phố đạt tiến bộ đáng kể so với kết quả năm 2019. Vĩnh Long và Tiền Giang có tỷ lệ tăng điểm lớn nhất so với 61 tỉnh, thành phố khác. 05 tỉnh dẫn đầu nội dung thành phần “Tiếp cận dịch vụ tư pháp” là Quảng Bình, Cà Mau, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Thừa Thiên - Huế, mặc dù điểm số vẫn chỉ dao động từ 2,04 đến 2,07 điểm, thấp hơn nhiều so với điểm tuyệt đối 3,33 điểm. Về giảm sút: 12 tỉnh/thành phố có mức giảm sút điểm đáng kể (giảm hơn 5% điểm) so với năm 2019, trong đó điểm của Quảng Ngãi giảm nhiều nhất. Nội dung thành phần “Giải đáp khiếu nại, tố cáo, khúc mắc của người dân” đóng góp ít nhất cho Chỉ số nội dung 3. Sóc Trăng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Bình Dương là 05 tỉnh, thành phố đạt điểm thấp nhất ở nội dung thành phần này. 05 tỉnh đứng cuối nội dung thành phần “Tiếp cận dịch vụ tư pháp” là Lai Châu, Sơn La, Khánh Hòa, Quảng Ngãi và Long An.
- Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: Về tiến bộ: 18 tỉnh, thành phố có tiến bộ rõ rệt so với kết quả năm 2019. Như nhiều năm trước, Bến Tre tiếp tục đứng trong nhóm 16 tỉnh/thành phố đạt điểm cao nhất ở Chỉ số nội dung này. 09 trong 10 địa phương dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kiểm soát 06 loại hành vi tham nhũng ở cán bộ, công chức(4) là các tỉnh miền Trung và phía Nam. Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Quảng Trị và Quảng Nam là 05 tỉnh dẫn đầu trong ở chỉ tiêu đo lường mức độ hiệu quả kiểm soát một số hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức. So với kết quả năm 2016, 40 kết quả của năm 2020 cho thấy mối quan hệ thân quen (hiện trạng “vị thân”) trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực nhà nước có xu hướng giảm trên phạm vi toàn quốc. Lào Cai, tỉnh đạt điểm thấp nhất ở tiêu chí công bằng trong tuyển dụng vào khu vực nhà nước năm 2016, nay đã dịch chuyển lên nhóm trung bình năm 2020 ở chỉ tiêu này. Về giảm sút: Chỉ có 06 tỉnh có mức sụt giảm điểm đáng kể so với kết quả năm 2019, trong đó điểm của Ninh Thuận và Ninh Bình sụt giảm nhiều nhất. Sáu loại hình hành vi tham nhũng(5) vẫn còn phổ biến ở các địa phương, như: Lâm Đồng, Kon Tum, Khánh Hòa, Hải Phòng và Ninh Bình. Ở Quảng Ninh hiện trạng “lót tay” để có việc làm trong cơ quan nhà nước vẫn là phổ biến. Ở Bến Tre và Đồng Tháp, hiện trạng “lót tay” khi làm giấy phép xây dựng còn khá phổ biến. Mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền trong bộ máy chính quyền vẫn được xem là quan trọng hoặc rất quan trọng khi muốn xin vào làm 01 trong 05 vị trí công chức, viên chức cấp xã, phường, kể cả ở những tỉnh dẫn đầu ở chỉ tiêu đánh giá này.
Năm 2020, Phú Yên, Lai Châu, Khánh Hòa, Sơn La, Điện Biên, Lâm Đồng và Quảng Bình là những nơi mối quan hệ thân quen trong tuyển dụng vào khu vực nhà nước phổ biến nhất. Theo công bố Chỉ số Công khai ngân sách quốc gia (OBI) Việt Nam và Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) năm 2019 (do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), phối hợp với Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thực hiện). Theo đó, kết quả khảo sát ngân sách quốc gia (OBI) 2019 cho thấy điểm xếp hạng của Việt Nam có sự cải thiện ở cả 3 trụ cột: Minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách.
Kết quả khảo sát Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) 2019 cho thấy mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương đã có sự cải thiện so với năm 2018. Điểm số trung bình đạt 21,2 điểm, tăng 10,2 điểm so với MOBI 2018. Trong số 44 bộ, cơ quan Trung ương tham gia khảo sát MOBI 2019, có 01 đơn vị đạt mức công khai tương đối, 08 đơn vị đạt mức công khai chưa đầy đủ thông tin về ngân sách. Ngân hàng Nhà nước có thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng MOBI 2019 với 73,17 điểm. Nhìn riêng vào từng chỉ số thành phần, 24 đơn vị có công khai ít nhất một trong các tài liệu chấm điểm MOBI 2019. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước là đơn vị xếp hạng thứ nhất với 51,22 điểm về tính đầy đủ. 07 đơn vị có điểm về tính thuận tiện (được xem xét trên các khía cạnh bộ, cơ quan Trung ương có cổng thông tin điện tử của đơn vị và có thư mục về công khai ngân sách, thư mục có chứa tài liệu hoặc đường dẫn để tải tài liệu và định dạng của tài liệu được công khai bằng các định dạng thân thiện dễ dàng cho việc tái sử dụng thông tin), trong đó, Ngân hàng Nhà nước cũng là đơn vị dẫn đầu xếp hạng với số điểm 13,41 (điểm số quy đổi tối đa cho tính thuận tiện là 17,78 điểm). Ngân hàng Nhà nước cũng là đơn vị dẫn đầu trong số 18 cơ quan, tổ chức có công bố công khai tài liệu về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với 17,07 điểm/điểm số quy đổi tối đa 24,39 điểm. Đồng thời, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu trong số 17 cơ quan, tổ chức có công bố công khai tài liệu về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 với 21,95 điểm trên thang điểm 26,83 điểm.
Như vậy, kết quả khảo sát chỉ số Công khai ngân sách OBI 2019 và Khảo sát công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương MOBI 2019 phản ánh những nỗ lực, cố gắng đáng được ghi nhận của Chính phủ và các cơ quan Trung ương của Việt Nam. Tuy vậy, theo chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan Trung ương (MOBI) năm 2019 vừa công bố cũng cho thấy có 31 trên tổng số 44 bộ, cơ quan Trung ương có điểm khảo sát của kỳ MOBI 2019 (chiếm tỷ lệ 70,45%). Tuy cao hơn con số 17 bộ, cơ quan Trung ương trong kỳ khảo sát MOBI 2018 (tỷ lệ 45,95%) nhưng cho thấy vẫn còn 13 bộ, cơ quan Trung ương chưa công khai ngân sách.
3. Những kết quả công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước (đã nêu ở trên), báo chí đã và đang góp phần đáng kể trong thành tích đó, thể hiện ở các nội dung sau đây:
Báo chí là phương tiện thực hiện công khai, minh bạch và giải trình của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị đến với cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân. Trong thời gian qua, báo chí chính là phương tiện, kênh thông tin quan trọng và thiết yếu để truyền tải nội dung; kết quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan đến các tầng lớp Nhân dân; nghĩa là báo chí đang thực hiện sứ mệnh “cơ quan ngôn luận” của mỗi cơ quan, đơn vị và tổ chức. Nội dung thông tin chính là nhân tố có ý nghĩa tác động trực tiếp đến dư luận xã hội, vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị đều phải đáp ứng các tiêu chí về tính chân thực, công khai, minh bạch và khách quan.
Báo chí là diễn đàn để người dân thể hiện các tâm tư, nguyện vọng đóng góp ý kiến của mình đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động cải cách hành chính. Báo chí phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân bằng các sản phẩm báo chí bám sát thực tiễn thực hiện hoạt động công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc duy trì, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về hỏi đáp pháp luật; đăng tải ý kiến của tổ chức, cá nhân về công khai, minh bạch góp phần thúc đẩy hoạt động công khai, minh bạch ngày càng được sâu rộng, đa chiều; phát huy vai trò tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời những mặt tích cực và những yếu kém, thiếu sót, hạn chế của tổ chức, cá nhân trong thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Báo chí cũng đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị xây dựng, thiết lập kênh/mục tiếp nhận, xử lý, phản hồi kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định công khai, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Các cơ quan báo chí đã phát huy thế mạnh của các loại hình báo chí, mở các chuyên mục, đặt bài chuyên gia, mở tọa đàm, phỏng vấn nội dung công khai, minh bạch và giải đáp những thắc mắc những nội dung liên quan, vì vậy, đã thu hút được số lượng lớn sự quan tâm từ phía công chúng, người dân. Thông tin báo chí cũng góp phần xây dựng và điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công khai, minh bạch phù hợp, sâu sát hơn với thực tiễn. Báo chí có vai trò thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội về hoạt động công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước. Giám sát xã hội của báo chí trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước là kịp thời phát hiện những nơi làm đúng, làm hay để biểu dương, khích lệ và tổng kết thực tiễn; đồng thời, cũng sớm phát hiện những “khiếm khuyết” của các kiến tạo chính sách - thể chế, qua đó, nâng cao chất lượng quản trị của bộ máy nhà nước. Vai trò và sức mạnh giám sát xã hội của báo chí trước hết là phát hiện những việc làm tốt và những sai phạm của tổ chức, cá nhân qua đó khơi nguồn và định hướng dư luận xã hội theo hướng ủng hộ hay phản bác, tạo áp lực dư luận xã hội và yêu cầu các cơ quan thẩm quyền giải quyết, giải thích và giải đáp trước công luận, trước nhân dân.
Để thực hiện quyền công dân tham gia thảo luận, kiến nghị với cơ quan nhà nước, thực thi tự do ngôn luận trên báo chí, nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam đã nỗ lực trở thành cầu nối giữa công luận và cơ quan quản lý nhà nước. Báo, đài thường xuyên có mục “Đường dây nóng”, “Thư bạn đọc”, “Trả lời bạn xem truyền hình”… Nhiều tờ báo, đặc biệt là báo mạng điện tử, cũng chủ động tạo diễn đàn để bạn đọc trao đổi (tùy theo chủ đề). Điều này cũng góp phần thúc đẩy nội dung công khai, minh bạch, mặc dù chủ yếu là từ bên dưới lên, nghĩa là từ dân lên lãnh đạo.
4. Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc của báo chí trong việc công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.
Đối với cơ quan nhà nước:
- Chỉ cung cấp thông tin khi nào “có lợi”. Một thực trạng phổ biến trên nhiều lĩnh vực (xây dựng chính sách, quản lý và sử dụng đất đai, hoạt động tư pháp, bảo vệ tài nguyên môi trường…) là người dân nói chung và báo chí nói riêng mới chỉ tiếp cận một cách thụ động, với thông tin do cơ quan chức năng cung cấp, với nội dung và thời điểm, thời gian theo ý chí của cơ quan chức năng (xét thấy khi nào có lợi), chứ chưa có quyền chủ động tiếp cận, chủ động yêu cầu được cung cấp. Quy trình chung là: Khi cơ quan nhà nước có nhu cầu đưa thông tin ra dư luận, họ sẽ tổ chức sự kiện tương ứng (công báo, họp báo, thông cáo báo chí) và chủ động lựa chọn mời nhà báo, cơ quan báo chí tham dự, theo tiêu chí riêng như dựa vào quan hệ quen biết từ trước, hoặc chọn theo “thấy báo này có vẻ lớn thì mời”. Nhà báo, phóng viên không được mời mà đến dự thì có thể không được vào, hoặc bị đối xử có sự “phân biệt”, chẳng hạn như không có đủ tài liệu, hồ sơ.
- Có việc công khai, nhưng không minh bạch. Nghĩa là, việc công khai các văn bản quy phạm pháp luật đến công luận một cách không đầy đủ, đồng bộ và không gắn liền với việc tuyên truyền, giải thích một cách dễ hiểu để người dân tiếp nhận có hiệu quả. Nói cách khác, cơ quan nhà nước cung cấp thông tin nhưng lại không diễn giải theo hướng giúp người dân, trong đó có báo chí hiểu thông tin có ý nghĩa gì.
- Từ chối cung cấp thông tin (nhất là những thông tin ở các lĩnh vực nhạy cảm như: Đất đai, quy hoạch, tài chính…). Thực tế cho thấy, việc cơ quan, tổ chức, đơn vị không công khai hoạt động với báo chí, lấy lý do “bí mật nhà nước”, “bí mật công tác”, “quy chế phát ngôn” trong cơ quan, đơn vị, tổ chức hoặc không có lý do chính đáng nào vẫn là phổ biến. Đối với cơ quan báo chí và nhà báo:
- Thực tế đã chỉ ra rằng, không phải lúc nào, cơ quan báo chí hay nhà báo nào cũng làm đúng, làm tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội nói chung và phản biện về nội dung công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình nói riêng. Đã có không ít vụ việc phản biện của báo chí chưa đúng sự thật, chưa khách quan, thiếu công tâm, phản biện sai lệch, kéo theo nhiều hậu quả khôn lường cho cá nhân, tập thể, địa phương bị phản ánh.
- Việc đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trung thực, khách quan, thậm chí bịa đặt, bôi đen hoặc tô hồng vì những động cơ cá nhân, vụ lợi. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật của một số cán bộ, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí có xu hướng gia tăng.
5. Để khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong việc cung cấp thông tin từ cơ quan nhà nước cho báo chí, đáp ứng yêu cầu thông tin của xã hội và người dân, thời gian tới cần thực hiện những giải pháp sau đây:
Một là: Tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ người phát ngôn ở các cơ quan đơn vị, nhằm trang bị kiến thức về nghề báo, kỹ năng tiếp xúc và trả lời báo chí cho người phát ngôn để họ dễ nắm bắt, chia sẻ thông tin cho nhà báo.
Hai là: Thiết lập đường dây nóng để trong trường hợp khẩn cấp, báo chí có thể liên lạc trực tiếp với người phát ngôn để thu thấp thông tin được kịp thời, chính xác, tránh trường hợp phóng viên thu thấp thông tin qua đường vòng, lãng phí thời gian và không bảo đảm nội dung và tính kịp thời của báo chí.
Ba là: Ở các bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ, các địa phương lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần có bộ phận giúp việc cho người phát ngôn; đồng thời, các cơ quan cần có người thay thế người phát ngôn để cung cấp thông tin cho báo chí khi người phát ngôn bận hoặc đi công tác xa để bảo đảm tính thường xuyên, liên tục của việc cung cấp thông tin.
Bốn là: Cần nâng cấp và cập nhật thường xuyên thông tin trên website của cơ quan, đơn vị, tổ chức để cơ quan báo chí tìm hiểu và khai thác thông tin.
Năm là: Thủ tướng Chính phủ cần sửa đổi một số quy định trong quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo hướng:
- Quy định cụ thể chế độ làm việc của người phát ngôn cũng như bộ phận giúp việc; chế độ phụ cấp cho người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí;
- Quy định chế tài đối với người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí khi không thực hiện trách nhiệm của người phát ngôn theo quy định;
- Điều chỉnh thời gian cung cấp thông tin trong trường hợp đột xuất, trường hợp cần ngay ý kiến ban đầu của cơ quan hành chính thì người phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 02 ngày xuống 01 ngày để kịp thời định hướng và cảnh báo trong xã hội;
- Sửa đổi một số quy định trong quy chế theo hướng thuận lợi cho cơ quan báo chí trong việc tiếp xúc với nguồn tin chính thống của cơ quan nhà nước (qua người phát ngôn) song không ảnh hưởng đến việc thu thập, khai thác thông tin từ các nhà quản lý, nhà khoa học khác trong cơ quan đó của cơ quan báo chí
để cung cấp cho người dân nhiều khía cạnh của vấn đề.
(1) Điều 1, Luật Báo chí năm 2016. (2) Điều 4, Luật Báo chí năm 2016. (3) Điều 75, Luật PCTN năm 2018. (4) (1) Cán bộ chính quyền KHÔNG dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng; (2) KHÔNG phải “lót tay” để nhận
được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; (3) KHÔNG phải “lót tay” để được quan tâm hơn khi khám chữa
bệnh tại bệnh viện tuyến huyện /quận. Phụ huynh của trường tiểu học; (4) KHÔNG “lót tay” giáo viên để con
em được quan tâm hơn. (5) KHÔNG phải “lót tay” để nhận được giấy phép xây dựng; (6) KHÔNG phải “lót
tay” để xin được vào làm việc trong cơ quan nhà nước.
(5) Xem chú thích 4.
|
ThS. Đàm Văn Lợi
(Ban Nội chính Trung ương)