Công tác giám sát của nhân dân trong phòng, chống tham nhũng tại Quảng Bình

Thứ Hai, 31/05/2021, 06:50 [GMT+7]

1. Bàn về các biện pháp đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí và quan liêu, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn nhiều biện pháp cho các tổ chức Đảng, chính quyền; mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, cụ thể: (1) Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa phải có tài, vừa có đức; nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân; (2) Tích cực tuyên truyền, giáo dục, “đánh thông tư tưởng”, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí và quan liêu; (3) Tiến hành kiểm thảo, phê bình và tự phê bình trong đấu tranh phòng, chống tham ô, lãng phí và quan liêu; (4) Quan tâm đến đời sống của cán bộ, đảng viên, nhân dân; xây dựng cơ chế quản lý kinh tế - tài chính phù hợp để phòng ngừa tham ô, lãng phí và quan liêu; (5) Đẩy mạnh công tác thanh tra để kịp thời phát hiện các hành vi tham ô, lãng phí và quan liêu; phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân, động viên quần chúng nhân dân tố giác, không bao che, tiếp tay cho chúng; (6) Xây dựng hệ thống pháp luật để xử lý các hành vi tham ô, lãng phí và quan liêu, thể hiện sự kiên quyết đối với những trường hợp nghiêm trọng, ngoan cố, đồng thời khoan dung đối với những trường hợp tự giác nhận lỗi, hối cải(1).

    Như vậy, ngay từ đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định và cho chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của  đấu tranh chống tham nhũng; trong đó, việc “phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân, động viên quần chúng nhân dân tố giác, không bao che, tiếp tay cho chúng” là một trong những biện pháp đấu tranh PCTN rất quan trọng bởi sự giám sát chặt chẽ của quần chúng nhân dân thông qua các hình thức khác nhau là cơ chế ngăn ngừa tham nhũng hữu hiệu; đồng thời, các phản ánh, kiến nghị kịp thời của nhân dân qua công tác giám sát sẽ giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm phát hiện các hành vi
tham nhũng.
 
    2. Tại Phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã khẳng định: ... “Đấu tranh PCTN, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ tẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được.
 
    Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”(2)... Như vậy, đấu tranh chống tham những trong giai đoạn hiện nay không còn “lẻ tẻ” mà đã trở thành “phong trào”, “xu thế” và được “làm có bài bản”, có sự tham gia tổng thể của cả hệ thống chính trị, xã hội. Để phát huy vai trò giám sát của quần chúng nhân dân, tại Điều 5, Luật PCTN năm 2018 quy định “Quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTN”, cụ thể: (1) Công dân có quyền phát hiện, phản ánh, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng và được bảo vệ, khen thưởng theo quy định của pháp luật; có quyền kiến nghị với cơ quan nhà nước hoàn thiện pháp luật về PCTN và giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN; (2) Công dân có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong PCTN(3). Và để bảo đảm các quyền của công dân, nhất là quyền giám sát của công dân đối với hoạt động công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị tại Điểm a, Khoản 1, Điều 10, Mục 1, Chương 2, Luật PCTN năm 2018 quy định rõ: Cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật về các nội dung sau đây: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức; người lao động; cán bộ, chiến sĩ, trong lực lượng vũ trang và công dân(4). Tại Khoản 2, Điều 14, Chương 2, Luật PCTN năm 2018 quy định: “Công dân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin”(5). Qua đó cho thấy, công dân không chỉ có quyền mà còn được Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện thông qua việc luật hóa các nội dung liên quan đến việc thực hiện quyền giám sát, nhằm giúp công dân tham gia PCTN một cách thuận lợi và hiệu quả nhất.
 
    3. Trên bình diện cả nước, công cuộc đấu tranh PCTN của chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công  lớn, trong đó phải kể đến kết quả năm 2017, là năm mà cuộc đấu tranh PCTN của Đảng thực hiện quyết liệt và hiệu quả. Những vụ đại án thời gian qua lần lượt được đưa ra xét xử nghiêm minh, có cán bộ nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng; trong đó, có sự giám sát của nhân dân qua các hình thức khác nhau. Từ đó cho thấy, cuộc đấu tranh PCTN của Đảng thể hiện rõ không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ. Quyết tâm PCTN của Đảng là quyết tâm chính trị, bởi đây là vấn đề quyết định sự tồn vong của đất nước(6). Trên bình diện địa phương, tại tỉnh Quảng Bình có thể đánh giá kết quả thông qua các khía cạnh sau(7): (1) Việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và xử lý đề nghị của cơ quan dân cử; (2) Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác thanh tra, xử lý đơn, thư tố cáo. Trong đó: Đối với việc phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động giám sát của cơ quan dân cử và xử lý đề nghị của cơ quan dân cử: Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội đã đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với công tác PCTN, coi trọng việc thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong thực tế chứ không chỉ trên văn bản hay bằng hình thức; xây dựng quy chế phối hợp giám sát hoạt động PCTN; thực hiện việc giám sát sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, các khoản đóng góp của nhân dân; tổ chức cho nhân dân tham gia góp ý vào các chính sách của Đảng và Nhà nước khi có yêu cầu. HĐND tỉnh đã thực hiện chức năng giám sát thông qua việc nghe báo cáo và thảo luận, chất vấn về công tác PCTN của các cơ quan quản lý nhà nước tại các kỳ họp của HĐND tỉnh; Thường trực HĐND tỉnh đã xây dựng kế hoạch giám sát, phân công trách nhiệm và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát về PCTN. Đã tổ chức các đợt giám sát chuyên đề về việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của HĐND tỉnh... Thông qua công tác giám sát, đã kịp thời sửa chữa các thiếu sót, hạn chế và đề ra các chủ trương, chính sách đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
 
    Thời gian từ năm 2011 đến tháng 6/2020, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh đã chủ trì 41 cuộc giám sát trong việc thực thi pháp luật về PCTN, lãng phí. Thường trực HĐND và Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã thực hiện giám sát chuyên đề “Tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” tại 29 cơ quan, địa phương, đơn vị; phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện các cuộc giám sát, khảo sát trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh PCTN. Qua giám sát, các quy định của pháp luật về PCTN đã được triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định; tuy nhiên, vẫn chưa phát hiện vụ việc tham nhũng qua hoạt động giám sát của hệ thống cơ quan dân cử và chưa khai thác tối đa hiệu quả công tác giám sát của nhân dân thông qua hệ thống cơ quan dân cử.
 
    Đối với việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác thanh tra, xử lý đơn, thư tố cáo: Toàn ngành Thanh tra đã tập trung thực hiện 1.842 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua đó, phát hiện nhiều sai phạm, đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành  chính 18 cá nhân (khiển trách 13 người, cảnh cáo 05 người); xử lý kỷ luật Đảng 05 đảng viên (khiển trách 02 đảng viên, cảnh cáo 02 đảng viên, cách chức 01 đảng viên). Tuy nhiên, việc phát hiện tham nhũng thông qua xử lý đơn, thư tố cáo còn thấp, từ 01/01/2011 đến tháng 6/2020 phát hiện được 02 vụ/04 đối tượng liên quan tham nhũng. Cơ quan Thanh tra chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu tội phạm hình sự. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã khởi tố 02 vụ/04 bị can. Như vậy, trong mốc thời gian nói trên đã phát hiện 02 vụ việc có dấu hiệu liên quan tội phạm tham nhũng chuyển Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra, làm rõ.
    “Đến năm 2025: (1) Tiếp tục hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ các quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; (2) Cơ bản bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác; (3) Xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định”. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác cán bộ.
    Từ thực tế cho thấy, mặc dù đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, nhưng hoạt động giám sát của nhân dân trong đấu tranh chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn tồn tại những vấn đề sau:
 
    Thứ nhất, một số cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh chưa tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức.
 
    Thứ hai, một số quy định về công tác giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức quần chúng chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; việc triển khai, thực hiện cơ chế giám sát, phản biện xã hội có nơi, có lúc chưa triệt để nên hiệu quả thực hiện chưa cao. Chưa khai thác và huy động tối ưu sự giám sát của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách; giám sát sinh hoạt, phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, đảng viên, công chức. Tinh thần trách nhiệm, vai trò giám sát, phát hiện của các cơ quan thông tin và xã hội trong công tác PCTN có lúc  vẫn chưa thực sự triệt để.
 
    Thứ ba, công tác tiếp công dân; tiếp nhận và xử lý các đơn, thư tố cáo của công dân, nhất là đơn thư tố cáo của công dân về các hành vi tham nhũng; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi vẫn chưa duy trì thường xuyên, chưa bảo đảm tốt về mặt chất lượng. 
 
    Thứ tư, hiệu quả của việc triển khai, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác PCTN tại một số địa bàn cơ sở chưa được duy trì thường xuyên  (như: Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của  Bộ Chính trị; v.v...).
 
    4. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân trong đấu tranh PCTN, trong thời gian tới, cần thực hiện một số nội dung sau đây: 
 
    - Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào công tác PCTN. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò và trách nhiệm của báo chí trong công tác PCTN.
 
    - Xây dựng cơ chế giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức quần chúng đối với việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách; giám sát sinh hoạt, phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức. Xây dựng chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, HĐND các cấp đối với công tác PCTN trên các lĩnh vực đất đai, tài chính ngân sách, quy hoạch xây dựng, công tác cán bộ… Nêu cao tinh thần trách nhiệm, vai trò giám sát, phát hiện của các cơ quan thông tin, báo chí cùng toàn xã hội trong công tác PCTN.
 
    - Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
 
    - Thực hiện có hiệu quả Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Các cơ quan chức năng duy trì thường xuyên công tác tiếp công dân, kịp thời giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
    
    - Tiếp nhận và xử lý kịp thời các đơn, thư tố cáo của công dân về các hành vi tham nhũng. Có biện pháp bảo vệ và khen thưởng, biểu dương kịp thời những cán bộ, người dân dũng cảm tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng và những tập thể, cá nhân có thành tích đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tố cáo, góp ý với Đảng và Nhà nước về tham nhũng để vu cáo, gây mất đoàn kết nội bộ.
    (1) Trang thông tin điện tử: https://tailieu.vn/doc/quan-diem-cua-ho-chi-minh-ve-phuong-huong-va-bien-phapdau-tranh-phong-chong-tham-o-lang-phi-quan-2167596.html
    (2) Trang thông tin điện tử: https://www.baokhanhhoa.vn/baoxuan/201802/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-phongchong-tham-nhung-8069596/
    (3) Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
    (4) Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
    (5) Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.
    (6) Trang thông tin điện tử: https://www.baokhanhhoa.vn/baoxuan/201802/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-phongchong-tham-nhung-8069596/
    (7) Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình: Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh năm 2019, “Nghiên cứu thực trạng và
đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong tình hình mới”.

Lê Hà Anh Tâm
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình)

.