Quảng Bình: Thực trạng công tác phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức

Thứ Sáu, 25/06/2021, 08:55 [GMT+7]
    Thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 05/5/2021 Kế hoạch xây dựng Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình vừa ban hành báo cáo số 53-BC/TU ngày 11/6/2021 về thực trạng công tác phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
 
    Theo đó, trong những năm qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp chủ động tổ chức, quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các văn bản của Trung ương về công tác phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Quy định số 205-QĐi/TW, ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng… đến từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Thông qua học tập, quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đã nâng cao nhận thức đối với công tác phòng, chống tiêu cực.
 
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp; phát động thi đua chuyên đề ngành Nội chính Đảng, giai đoạn 2021-2025 tại điểm cầu Quảng Bình
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về nhiệm vụ công tác nội chính, phòng chống tham nhũng và cải cách tư pháp; phát động thi đua chuyên đề ngành Nội chính Đảng, giai đoạn 2021-2025 tại điểm cầu Quảng Bình
    Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả công tác phòng, chống tiêu cực trên địa bàn như Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 21/12/2012 của Tỉnh ủy thực hiện Kết luận hội nghị Trung ương 5 khóa XI về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 11/6/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kế hoạch số 07-KH/TU, ngày 22/3/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Từ đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa nhiều văn bản để triển khai thực hiện như Chương trình hành động số 1593/CTr-UBND ngày 31/8/2017 về thực hiện giai đoạn III Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng (2016-2020); Kế hoạch số 1148/KH-UBND ngày 15/7/2019 về thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; số 752/KH-UBND ngày 22/5/2018 về việc thực hiện Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Bình.
 
    Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, nhìn chung đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn phát huy tốt vai trò trách nhiệm và khả năng chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có ý thức tổ chức kỷ luật và chấp hành sự phân công của tổ chức, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với Nhân dân và đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập nền kinh tế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có biểu hiện thiếu gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp và tác phong công tác. Có thể thấy những việc sai phạm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Đất đai, xây dựng, quản lý dự án, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, kiểm lâm, giao thông... Vẫn còn tình trạng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức “bớt xén” thời gian làm việc, đùn đẩy trách nhiệm, hướng dẫn, giải thích cho người dân chưa thực sự thấu đáo nên đã tạo dư luận không tốt trong một số bộ phận quần chúng, Nhân dân.  
 
    Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đến nay, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xem xét, thi hành kỷ luật 18 đảng viên là cấp ủy viên các cấp (trong đó có 12 đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, 06 đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban thường vụ cấp huyện quản lý), bằng các hình thức: khiển trách 12 đảng viên, cảnh cáo 02 đảng viên, cách chức 02 đảng viên, khai trừ 02 đảng viên. Trong số các trường hợp thi hành kỷ luật, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thi hành kỷ luật 01 đồng chí là Tỉnh ủy viên, chiếm 5,6%; Ban Thường vụ Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 03 đồng chí, chiếm 16,7%; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thi hành kỷ luật 14 đồng chí, chiếm 77,8%. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh kỷ luật 09 trường hợp cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Trong đó, buộc thôi việc 01 trường hợp, cách chức 02 trường hợp, cảnh cáo 03 trường hợp, khiển trách 03 trường hợp. Cơ quan điều tra đã khởi tố 03 vụ/10 bị can về tội liên quan kinh tế - tham nhũng (01 vụ án/03 bị can về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh; 01 vụ/05 bị can về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu thành phố Đồng Hới; 01 vụ/02 bị can về tội “Tham ô tài sản” xảy ra tại Ban Quản lý Hợp tác xã Thượng Giang, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy).
 
    Có được kết quả đó, là do công tác phòng, chống tiêu cực luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp, có bước chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động và đạt kết quả quan trọng, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực góp phần xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng. 
 
    Tuy nhiên, công tác phòng, chống tiêu cực là lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm vì vậy nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là cần xác định rõ những biểu hiện tiêu cực có tính phổ biến, nghiêm trọng, phức tạp và những nội dung về phòng, chống tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo như  phai nhạt lý tưởng cách mạng; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; cục bộ, bè phái; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực; thao túng trong công tác cán bộ, sử dụng lãng phí nguồn nhân lực; quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên... 
Võ Việt Hùng 
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Bình)
.