Điểm báo tuần số 331 từ ngày 02-9 đến ngày 07-9 về nội chính và phòng, chống tham nhũng
Thứ Hai, 09/09/2019, 17:00 [GMT+7]
CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Công lý, Xây Dựng, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài TNVN, TTXVN (04-9) đồng loạt phản ánh các nội dung Phiên họp toàn thể thứ 13 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Phiên họp sẽ thẩm tra và thảo luận các nội dung về Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019; Báo cáo công tác của ngành Kiểm sát, ngành Tòa án năm 2019; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án năm 2019; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019… Tại phiên họp này, các đại biểu cũng thẩm tra 2 dự án luật: Luật Giám định tư pháp và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đồng thời tiến hành giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Công Thương, Giáo dục và Thời đại, Hà Nội mới, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (04-9) đưa tin, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống rửa tiền chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo.Cuộc họp nhằm đánh giá tiến độ, rà soát các nhiệm vụ cần triển khai nhằm phục vụ cho buổi làm việc tháng 11 tới đây của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền (APG) ở Việt Nam. Tại buổi làm việc, các thành viên Ban chỉ đạo cũng đã nghe Ngân hàng Nhà nước báo cáo thực trạng và đề xuất kiến nghị liên quan đến vấn đề đánh giá đa phương về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố của Việt Nam. Báo cáo cũng đưa ra kết quả đánh giá dự kiến có thể xảy ra đối với Việt Nam và những hành động đề xuất từng bộ, ngành cần khẩn trương thực hiện với lộ trình cụ thể để khắc phục những thiếu hụt nhằm đạt kết quả cao trong đợt đánh giá đa phương tháng 11-2019 tới đây. Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu rõ tầm quan trọng của đánh giá đa phương, tác động của kết quả bản đánh giá này đối với toàn bộ nền kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, kịp thời về nguồn lực và nhân lực với Ngân hàng Nhà nước trong các bước, các khâu của quá trình chuẩn bị cho đánh giá đa phương, hoàn thành trong tháng 10-2019 tới để đạt được kết quả tốt nhất.
Báo Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài TNVN (04-9) cho biết, Đoàn công tác của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương công bố Kết luận về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa. Trước đó, tại Kỳ họp thứ 38, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét và kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lý, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế… gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước. Ngoài ông Lê Thanh Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng UBND tỉnh. Ông Trần Sơn Hải, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Đào Công Thiên, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, của Ban cán sự đảng UBND tỉnh và trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được phân công. Sau khi công bố, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa sẽ triển khai kế hoạch kiểm điểm trách nhiệm, xử lý sai phạm, khắc phục. Các đảng viên vi phạm sẽ tự nhận khuyết điểm, đề ra phương hướng hướng khắc phục sai phạm.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Đại biểu Nhân dân, Nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Tiền phong, Xây Dựng, Giao Thông, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Dân trí, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (06-9) đồng loạt đưa tin, Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011). Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII chủ trì phiên họp. Các thành viên Tiểu ban Văn kiện đã cho ý kiến vào hai dự thảo, trong đó tập trung vào các vấn đề: đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội XII của Đảng và diện mạo đất nước qua 35 năm đổi mới; tầm nhìn và định hướng phát triển; định hướng tiếp tục đổi mới, phát triển các lĩnh vực trọng yếu; các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá phát triển. Các thành viên Tiểu ban còn cho ý kiến về những vấn đề, nội dung mới hoặc còn có ý kiến khác nhau như kết cấu 15 vấn đề, quan điểm, chỉ đạo; mục tiêu phát triển; một số nhận thức mới về văn hóa, xã hội, các khâu đột phá phát triển...Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu những nhận định đánh giá trong báo cáo chính trị phải đồng bộ với báo cáo kinh tế xã hội và báo cáo xây dựng đảng. Về mục tiêu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, phải bám sát Cương lĩnh hiện hành. Về các khâu đột phá, trên cơ sở ba khâu đột phá đã xác định để tiếp tục nghiên cứu sâu thêm. Đồng chí tập trung phân tích, gợi mở những vấn đề đặt ra trong xử lý các mối quan hệ, nhất là tám mối quan hệ biện chứng nêu trong Cương lĩnh. Cần đánh giá, vừa qua, chúng ta xử lý các mối quan hệ này như thế nào, bây giờ đang vướng cái gì và sắp tới nên làm thế nào để tiếp tục giải quyết tốt tám mối quan hệ này. Đó là những mối quan hệ cơ bản, còn các mối quan hệ thì rất nhiều.Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, phải kiên định mục tiêu lý tưởng, những vấn đề có tính nguyên tắc, nhưng đồng thời cũng phải hết sức sáng tạo, luôn luôn đổi mới, sáng tạo phù hợp tình hình mới, trên cơ sở bám sát thực tiễn đất nước. Đồng chí lưu ý các Báo cáo Chính trị, Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng phải ăn khớp, thống nhất với nhau, trong đó Báo cáo Chính trị là trung tâm, các báo cáo khác phải theo Báo cáo Chính trị; Báo cáo Chính trị chắt lọc những cái hay của các báo cáo khác. Do đó, các tiểu ban phải phối hợp chặt chẽ để từng bước hoàn thiện các báo cáo với chất lượng tốt nhất.
Báo Đại biểu Nhân dân, Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại đoàn kết, Pháp luật Việt Nam, An ninh Thủ đô, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (07-9) phản ánh các nội dung Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội , Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020. Hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ngày càng đi vào thực chất, dân chủ, công khai, minh bạch, hiệu quả, sát thực tiễn, phù hợp yêu cầu phát triển của đất nước, góp phần bảo đảm ổn định phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, được cử tri và nhân dân cả nước ghi nhận. Phát huy kết quả, kinh nghiệm những năm trước, năm 2019, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát với nhiều đổi mới. Hoạt động chất vấn ngày càng được chú trọng, mang lại những hiệu quả thiết thực, được các đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội đánh giá cao.Ðồng thời, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề cập đến những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ, cũng là năm diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội XIII của Ðảng, do đó công tác giám sát cần tiếp tục được tập trung chỉ đạo để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vừa phù hợp tình hình thực tiễn. Do vậy, hội nghị lần này nhằm triển khai chương trình giám sát năm 2020 và cũng là cơ hội để trao đổi thảo luận các biện pháp, cách thức tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội thời gian tới theo hướng đồng bộ, thực chất, hiệu quả hơn.
CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
Báo Nhân Dân, Bảo vệ pháp luật, Công lý (03-9) đưa tin, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hưng Yên vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Quê, Vũ Viết Thu, đều là nguyên Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên; Vũ Thị Lộc, nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên; Ðặng Thị Hằng, nguyên Trưởng phòng Tiền tệ, kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên, về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Các bị can nêu trên bị khởi tố do liên quan đến vụ án mất hơn 1 tỷ đồng tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hưng Yên đã xảy ra nhiều năm trước đây. Hiện, vụ án trên đang được Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hưng Yên tiếp tục điều tra, làm rõ.
Báo Nhân Dân, Tiền Phong, Đời sống và Pháp luật, Tài nguyên và Môi trường, Người lao động, Dân trí, TTXVN (03-9) thông tin từ Công an huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định cho biết, tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Quốc Lực, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nam Mỹ; Trần Văn Dũng, nguyên Chủ tịch UBND xã; Trần Phát Đấu, cán bộ địa chính xã, về tội danh “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, trong thời gian tại chức, nguyên Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã Nam Mỹ đã câu kết với cán bộ địa chính thực hiện nhiều sai phạm về tài chính trong lĩnh vực đấu giá đất đai, làm thất thoát ngân sách địa phương và gây bức xúc trong nhân dân. Vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Báo Lao Động, Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Tiền Phong, Giáo dục và Thời đại, Giao Thông, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, VnExpress (04-9) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ” xảy ra tại Tổng công ty Mobifone và một số đơn vị liên quan. Theo đó, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 14 bị can liên quan đến vụ án về các tội danh nêu trên, trong đó bị can Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, đều nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, bị đề nghị truy tố về hai tội danh: "Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" và "Nhận hối lộ". Bị can Phạm Nhật Vũ, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ".
Báo Đại đoàn kết, Công an nhân dân, Tiền Phong, Giao Thông, Thanh Niên, Dân trí (04-9) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bạc Liêu vừa đề nghị truy tố đối với Bùi Quang Ánh, nguyên Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Bạc Liêu; Lê Trung Kiên, nguyên Đội trưởng Đội đo đạc số 1; Ngô Văn Tá, nguyên Đội trưởng Đội đo đạc số 5 và Bùi Mạnh Hòa, nguyên Đội trưởng Đội đo đạc số 7, về hành vi “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, “Tham ô tài sản” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường Bạc Liêu . Theo kết luận điều tra, từ năm 2013 - 2015, các bị can nhận thực hiện hợp đồng nhiều công trình, dự án về đo đạc, quy hoạch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Các đối tượng đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tiền chi công lao động của nhân viên cấp dưới với số tiền hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, từ năm 2012-2014, Kiên đã tạm ứng tiền của Trung tâm, chi không chứng từ số tiền trên 2,6 tỷ đồng; Tá chi không chứng từ số tiền trên 700 triệu đồng; Hòa chi không chứng từ trên 4,4 tỷ đồng… Riêng đối với bị can Bùi Quang Ánh với vai trò là Giám đốc Trung tâm và Phan Thùy Linh là kế toán Trung tâm, duyệt cho Kiên, Hòa, Tá thanh toán giảm từ tạm ứng không đúng quy định đã quyết toán với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu và Sở Tài chính số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Công an nhân dân, Công lý, Nhà báo và Công luận, Nông nghiệp Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (05-9) nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cho biết, hoàn tất bản Kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 21 bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” liên quan Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) xảy ra tại TP. Đà Nẵng. Trong đó, hai bị can Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (giai đoạn từ năm 2006 - 2011) và Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2011 - 2014), cùng bị đề nghị truy tố về các tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai”.
Báo Nhân Dân, Lao Động, Bảo vệ pháp luật, Tài nguyên và Môi trường, Phụ nữ Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người lao động, Dân trí, TTXVN (06-9) đưa tin, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Phước đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Cầm Bá Lâm, nguyên Chủ tịch xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập và năm đối tượng liên quan để điều tra làm rõ các hành vi: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Theo Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Bình Phước, đối tượng Lê Sỹ Đông, do làm ăn thua lỗ từ năm 2013 và mất khả năng chi trả nên đã nảy sinh ý định xin cấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới trùng lên các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ. Đông móc nối với Cầm Bá Lâm cùng một số đối tượng khác, để thực hiện các hành vi cấp chồng nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; sau đó sử dụng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp sai quy định này để tiến hành các giao dịch dân sự như sang nhượng đất, thế chấp ngân hàng chiếm dụng hàng tỷ đồng. Hiện Công an tỉnh Bình Phước đang tiếp tục tiến hành điều tra, xác minh làm rõ hành vi phạm tội của các bị can.
Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Đại biểu Nhân dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Công an nhân dân, Thanh tra, Bảo vệ pháp luật, Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, VnExpress, TTXVN (07-9) đồng loạt đăng tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an ra quyết định truy nã bà Đào Thị Hương Lan, cựu Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh. Theo thông báo truy nã, sau khi bị khởi tố về tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí", bà Đào Thị Hương Lan đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an thông báo: Bất kỳ người nào khi phát hiện thấy đối tượng Đào Thị Hương Lan, đều có quyền bắt và đưa ngay đối tượng đến cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc UBND gần nhất. Cá nhân, tổ chức sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an
TIN QUỐC TẾ
Báo Lao Động (05-9) đưa tin, Tòa án tối cao Honduras đã kết án bà Rosa Elena Bonilla, phu nhân của cựu Tổng thống Porfirio Lobo, mức án 58 năm tù giam vì tội biển thủ và lừa đảo. Các nhà điều tra của Hội đồng Chống tham nhũng Quốc gia cho biết, bà Bonilla đã gửi 600.000 USD tiền ngân sách Chính phủ vào tài khoản cá nhân của mình 5 ngày trước khi ông Porfirio Lobo kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống vào tháng 1-2014. Theo các công tố viên, bà Bonilla đã sử dụng số tiền trên để mua đồ trang sức và chi trả hóa đơn y tế, học phí cho con bà và thanh toán cho việc xây dựng. Ngoài án phạt tù, bà Bonilla cũng sẽ phải trả lại khoảng 10%, tương đương 52.000 USD.
Báo Công lý (06-9) cho biết, cơ quan chức năng Guatemala đã bắt giữ bà Sandra Torres, phu nhân cựu Tổng thống Alvaro Colom cầm quyền tại Guatemala giai đoạn 2008-2012, để phục vụ điều tra liên quan tới cáo buộc tham nhũng từ năm 2015. Bà Torres tham gia tranh cử tổng thống hồi tháng trước nhưng không thành công. Tháng 2-2019, cơ quan công tố cũng đã yêu cầu hủy bỏ quyền miễn trừ với bà Torres để điều tra các cáo buộc nhận 2,5 triệu USD tiền của hai công ty Guatemala đóng góp cho quỹ tranh cử của đảng Đoàn kết Dân tộc vì hy vọng (UNE) năm 2015, nhưng không kê khai số tiền này với giới chức bầu cử. Phát biểu trước báo giới khi được đưa tới tòa án, bà Torres tuyên bố đây là một âm mưu "ám sát" chính trị.
Thông tin đáng chú ý trong tuần:
- Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng họp cho ý kiến về dự thảo Báo cáo Chính trị và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước.
- Triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội , Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2020.
- Đề nghị truy tố bị can Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, đều nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
- Đề nghị truy tố bị can Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (giai đoạn từ năm 2006 - 2011) và Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2011 - 2014).
- Truy nã Đào Thị Hương Lan, cựu Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG