Điểm báo tuần số 326 từ ngày 29-7 đến ngày 03-8 về nội chính và phòng, chống tham nhũng

Thứ Hai, 05/08/2019, 10:51 [GMT+7]
    CÔNG TÁC NỘI CHÍNH
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Thời Đại, Sài Gòn giải phóng, Hà Nội mới (29-7) đưa tin, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng Đoàn khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp có buổi làm việc với Thành ủy TP. Hồ Chí Minh. Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 39 cho biết, buổi làm việc với TP. Hồ Chí Minh nhằm làm rõ nét hơn tình hình hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp trên địa bàn thời gian qua, qua đó phân tích những tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Đồng thời, xác định những hạn chế, vướng mắc và những nguyên nhân, bài học; cũng như nhận diện bối cảnh, yêu cầu trong tình hình mới và đề ra định hướng, nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả công tác hợp tác với nước ngoài trong giai đoạn tới. Phó Thủ tướng cho rằng, việc đánh giá hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật, cải cách hành chính và tư pháp trên địa bàn thành phố rất quan trọng, bởi đây là địa phương lớn, rất năng động, có sự hội nhập quốc tế sâu rộng, và là đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Để việc đánh giá được chính xác, thực chất, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố tập trung làm rõ những mặt làm được, chưa làm được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong thời gian 10 năm thực hiện Chỉ thị 39. Đặc biệt, cần làm rõ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy trong triển khai Chỉ thị 39 và đánh giá hiệu quả, tác động của Chỉ thị này đối với thành phố trong quản lý, thực hiện sự hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Nhiều hoạt động hợp tác quốc tế ở khu vực phía nam diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, trong đó có hợp tác về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đã mang lại những tác động, lợi ích cụ thể. Mặc dù vậy, theo Phó Thủ tướng, hoạt động hợp tác cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, thậm chí cả nguy cơ tác động vào việc ra quyết định chính sách pháp luật nhằm tạo những bất ổn về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố. Thành phố cần chia sẻ bài học kinh nghiệm thực tiễn hợp tác của thành phố trong thời gian qua, có những kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những bất cập, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác hợp tác nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Tiền Phong, Hà Nội mới, Pháp luật Việt Nam, An ninh Thủ đô, TTXVN (31-7) cho biết, Ban Chỉ đạo Chương trình 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Ðảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020” kiểm điểm công tác, đánh giá kết quả hoạt động những tháng đầu năm; thảo luận, thông qua một số nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2019. Phát biểu kết luận, đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá cao sự nỗ lực của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời biểu dương sự tích cực của các ngành, quận, huyện trong triển khai Chương trình thời gian qua. Về nhiệm vụ trọng tâm quý III và những tháng cuối năm 2019, đồng chí đề nghị ngay trong tuần đầu tháng 8, Thành ủy tổ chức quán triệt và triển khai Kế hoạch số 155 của Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Ðại hội Ðảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 và Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng. Ðồng chí lưu ý, Ban Tổ chức Thành ủy chủ động, làm tốt công tác rà soát công tác nhân sự đại hội; Ban Tuyên giáo triển khai hiệu quả hơn công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6, Trung ương 7 (khóa XII) gắn với thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cấp tinh gọn, hiệu quả. Ðồng thời cần tập trung hoàn thiện Ðề án thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị, bảo đảm chất lượng, tiến độ để Quốc hội thông qua vào cuối năm 2019.
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Phụ nữ Việt Nam, Pháp luật Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Sức khỏe và Đời sống, Công an TP. Hồ Chí Minh, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (31-7) phản ánh các nội dung Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Công an và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức. Từ năm 2016 đến hết tháng 6-2019, trên toàn quốc phát hiện hơn 1.000 vụ, với gần 1.500 đối tượng, lừa bán hơn 2.600 nạn nhân. Các địa phương phát hiện nhiều là các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, gồm: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Ninh... Trước tình hình tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, các lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động nhằm đấu tranh, kiềm chế và đẩy lùi một cách có hiệu quả loại tội phạm này, đặc biệt là hoạt động phối hợp của ngành công an với hội liên hiệp phụ nữ các cấp. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định trách nhiệm của mình và đã tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống mua bán người, từ truyền thông, giáo dục phòng ngừa đến trực tiếp hỗ trợ các nạn nhân. Nổi bật là “Ngôi nhà bình yên” được thành lập từ năm 2007 đang cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân toàn diện và theo dõi hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Năm 2019 cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chọn là năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” với mong muốn, mỗi người dân, phụ nữ và trẻ em chung tay hành động vì một xã hội an toàn. An toàn để không có phụ nữ, trẻ em hay bất cứ ai trong cộng đồng trở thành nạn nhân của nạn mua bán người cũng là một trong những nội dung được các cấp Hội tập trung thực hiện.
 
    Báo Nhân Dân, Đại biểu Nhân dân, Bắc Kạn, Pháp luật Việt Nam, TTXVN (31-7) cho biết, Ðoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải quyết khiếu nại, tố cáo do Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ làm Trưởng đoàn làm việc tại Bắc Kạn. Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những kết quả Bắc Kạn đã đạt được và đề nghị tỉnh tiếp tục quán triệt, nâng cao trách nhiệm thực hiện nghiêm túc chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về khiếu nại, tố cáo, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khiếu nại, tố cáo; nâng cao trách nhiệm việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; phát huy trách nhiệm người đứng đầu, lấy kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo làm thước đo đánh giá hoàn thành nhiệm vụ; tiếp công dân gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo, không được để xảy ra việc ủy quyền hoặc “khoán” cho Ban Tiếp công dân. Ngành chức năng của tỉnh nắm chắc, dự báo kịp thời xu hướng khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ việc đông người để giải quyết ngay từ cấp cơ sở; xem xét giải quyết toàn diện, thấu tình đạt lý, đồng thời xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo. Các cấp, ngành cần thực hiện đầy đủ quy định tiếp xúc và tổng hợp, phân loại ý kiến cử tri, giải quyết kịp thời, không để cử tri phản ánh nhiều lần; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của các cấp chính quyền và tổ chức đoàn thể; nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác tiếp dân; bố trí vị trí tiếp công dân phù hợp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật...
 
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Điện tử Chính phủ, Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Đời sống và Pháp luật, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng (02-8) đưa tin, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW năm 2005 về Chiến lược Cải cách tư pháp của Bộ Chính trị đến năm 2020. Đánh giá chung những kết quả đạt được cho thấy, ngành tư pháp cơ bản hoàn thành tốt công tác xây dựng pháp luật, góp phần quan trọng vào việc thể chế hóa các định hướng, chủ trương lớn của Nghị quyết 49 trong lĩnh vực hình sự và dân sự, chủ trương xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp. Các thể chế trong lĩnh vực hoạt động của ngành theo tinh thần cải cách được xây dựng khá đồng bộ, kịp thời, tạo hành lang pháp lý tương đối thống nhất, đồng bộ, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp của ngành trong thời gian qua. Bên cạnh kết quả đạt được, trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 49, Bộ Tư pháp nhận thấy còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời. Trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, trọng tâm là tổ chức triển khai thi hành, trong hoàn thiện thể chế cần tập trung những lĩnh vực còn thiếu như thừa phát lại, thi hành án hành chính; tiếp tục phát triển mạnh các định chế bổ trợ tư pháp, chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động bổ trợ tư pháp…
 
    CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG
 
    Báo Cần Thơ, Công an nhân dân, Giao Thông, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Người đưa tin (30-7) cho biết, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trại giống Nông nghiệp huyện. Trong 06 bị cáo được đưa ra xét xử có Đoàn Đức Trường, nguyên Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, kiêm Giám đốc và  Phạm Thị Thúy Ân, nguyên Phó Giám đốc Trại giống. Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Thạnh đã truy tố các bị cáo về hành vi lập chứng từ khống chi sai quy định; ký khống vào các hồ sơ quyết toán của hợp đồng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước 1 tỷ đồng...
    
    Báo Nhân Dân, Pháp luật Việt Nam, Công an nhân dân, Công lý, Nhà báo và Công luận, Tiền Phong, Hà Nội mới, VietnamNet, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (31-7) đưa tin, sau 11 ngày xét xử vụ án sơ thẩm 17 bị cáo vụ án sai phạm đền bù Dự án thủy điện Sơn La, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã tuyên phạt 13 bị cáo tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 4 bị cáo bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Căn cứ kết luận điều tra, cáo trạng và chứng cứ tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tuyên án các bị cáo phải nhận mức hình phạt từ 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo cho đến 06 năm, 06 tháng tù. Riêng bị cáo Đèo Văn Ban phải bồi thường cho Nhà nước số tiền 1 tỷ 179 triệu đồng và hoàn trả cho Nhà nước số tiền 64,7 triệu đồng.
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Đời sống, Tuổi Trẻ, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (01-8) phản ánh các nội dung Hội nghị giao ban sáu tháng đầu năm 2019 với 14 ban nội chính tỉnh ủy thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc do Ban Nội chính Trung ương tổ chức. Hội nghị đánh giá, sáu tháng qua, các ban nội chính tỉnh ủy vùng trung du và miền núi phía bắc đã chủ động phối hợp tham mưu cho cấp ủy địa phương xây dựng, ban hành 159 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp trên địa bàn. Nắm chắc tình hình, tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý có hiệu quả các vấn đề nổi lên về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Lựa chọn 24 vụ, việc phức tạp được dư luận xã hội quan tâm để đưa vào diện ban thường vụ tỉnh ủy theo dõi chỉ đạo; tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình tiến độ xử lý, giải quyết 123 vụ, việc trên địa bàn; tham mưu xử lý 1.808 đơn, thư gửi đến thường trực tỉnh ủy và ban nội chính tỉnh ủy. Thực hiện 45 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng… Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm chuyên đề "tham nhũng vặt - nhận diện và giải pháp phòng, chống". Theo đó, tham nhũng vặt thường xảy ra trong các cơ quan công quyền nhà nước, gây bức xúc và mất niềm tin trong nhân dân. Nhiệm vụ đấu tranh, phòng, chống tham nhũng vặt đối với các cấp, các ngành rất quan trọng. Thời gian tới, cấp ủy các cấp cần chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống tham nhũng; nâng cao bản lĩnh cán bộ, đảng viên, trách nhiệm của người đứng đầu; tập trung phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm và loại bỏ ngay các cán bộ có hành vi tham nhũng, tiêu cực ra khỏi bộ máy cơ quan nhà nước; rà soát lại quy trình quy định của Ðảng trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, tạo sự đồng bộ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đấu tranh chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
 
Quang cảnh Hội nghị giao ban sáu tháng đầu năm 2019 với 14 ban nội chính tỉnh ủy thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc
Quang cảnh Hội nghị giao ban sáu tháng đầu năm 2019 với 14 ban nội chính tỉnh ủy thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc
    Báo Điện tử Đảng Cộng sản, Nhân Dân, Đại đoàn kết, Lao Động, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Thanh tra, Tiền Phong, Nhà báo và Công luận, Hà Nội mới, Thanh Niên, Đài THVN, Đài TNVN, TTXVN (01-8) cho biết, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai (năm 2018-2019) cho biết, có 35 tác phẩm sẽ được trao các giải A, B, C và Khuyến khích. Trong đó, có bốn tác phẩm đoạt giải A, chín tác phẩm đoạt giải B, 10 tác phẩm đoạt giải C và 12 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích. Qua hai lần tổ chức, Giải đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, đồng thời cho thấy sự vào cuộc tích cực của báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các nhà báo, các cơ quan báo chí, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, Hội nhà báo các cấp. Nhìn chung, các tác phẩm gửi dự thi Giải năm nay có nội dung tương đối sát với chủ đề và tiêu chí của Giải. Trong đó, tập trung nhiều nhất là các tác phẩm phóng sự điều tra, ký, chuyên luận. Nhiều phóng sự truyền hình, phát thanh, bài chuyên luận, phóng sự trên báo in, báo điện tử được đầu tư công phu từ ba đến năm kỳ, tập trung vào phản ánh các vụ án tham nhũng; công tác cải cách bộ máy hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí. Lễ trao Giải được tổ chức vào 20 giờ ngày 15-8-2019 tại Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam. 
 
    Báo Nhân Dân, Đại đoàn kết, Tiền Phong, Bảo vệ pháp luật, Người đưa tin, Thanh Niên, Dân trí, Đài TNVN (02-8) thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, Tỉnh ủy Quảng Bình vừa quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Hữu Ninh, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh. Ông Ninh là người phụ trách chương trình 135, Trưởng ban tổ chức các lớp tập huấn, ông Ninh thiếu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, thống nhất lập khống chứng từ để thanh toán chi phí phục vụ các lớp tập huấn do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức. Bên cạnh đó, ông Ninh thiếu kiểm tra, giám sát để Phòng Dân tộc các huyện Minh Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy; Văn phòng HĐND và UBND huyện Tuyên Hóa; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch thực hiện không đúng hợp đồng tập huấn và lập khống chứng từ đề nghị thanh toán, làm thất thoát ngân sách nhà nước.
 
    Báo Gia Lai, Lao Động, Công an nhân dân, Nhà báo và Công luận, Pháp luật Việt Nam, Bảo vệ pháp luật, Công lý, Giáo dục và Thời đại, Giao Thông, Người lao động, Đài TNV, TTXVN (02-8) theo nguồn tin từ Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Mỹ Sang và Phan Thị Hồng Ca, đều là nguyên Thủ quỹ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh để điều tra về hành vi "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn 2013-2017, ông Phan Trung Dũng làm Kế toán phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Pưh đã lần lượt cùng bà Sang và bà Ca dùng kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em từ 3-5 tuổi, kinh phí hỗ trợ học sinh bán trú, hỗ trợ chi phí học tập, mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập cho người khuyết tật để chi vào mục đích khác trên 3 tỷ đồng; kinh phí tiền hỗ trợ ăn trưa còn thừa 27 triệu đồng không nộp vào ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, 3 cán bộ này đã có hành vi giả mạo chữ ký, lập chứng từ khống để chiếm đoạt 2,7 tỷ đồng.
 
    Báo Điện tử Chính phủ, Lao Động, Pháp luật Việt Nam, Sài Gòn giải phóng, Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, Tuổi Trẻ, Đài TNVN, TTXVN (03-8) cho biết, Cơ quan Điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao khu vực phía Nam đang tạm giữ hình sự ông Đặng Trường An, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao khu vực phía Nam bắt quả tang ông An khi đang nhận hối lộ 2.500 USD (gần 60 triệu đồng) từ tay một người chưa rõ tên tuổi và địa chỉ để nhận giải quyết vụ việc đang được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu thụ lý. Hiện tại Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khu vực phía Nam đang tiếp tục điều tra vụ việc.
 
    Báo Nhân Dân, Lao Động, Công an nhân dân, Bảo vệ pháp luật, Pháp luật Việt Nam, Công lý, Nông nghiệp Việt Nam, Tiền Phong, Sài Gòn giải phóng, An ninh Thủ đô, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người lao động, VietnamNet, Đài TNVN, TTXVN (03-8) dẫn nguồn tin của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với: bị can Trần Ngọc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (Veam); bị can Lâm Chí Quang, nguyên Tổng Giám đốc Veam; bị can Vũ Từ Công, Phó Tổng Giám đốc Veam; bị can Nguyễn Mạnh Chung, Giám đốc Công ty TNHH máy kéo nông nghiệp, về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đang khẩn trương điều tra, xác minh truy tìm tài sản để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. 
 
    TIN QUỐC TẾ
 
    Báo Hà Nội mới (30-7) đưa tin, Cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc thông báo đang tiến hành điều tra ông Hồ Hoài Bang, cựu Chủ tịch Ngân hàng Truyền thông và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB), Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XVIII. Các công tố viên cho rằng Hồ Hoài Bang đã giúp Diệp Giản Minh, cựu Chủ tịch Công ty Năng lượng Trung Quốc CEFC hối lộ Vương Tam Vận, cựu quan chức tỉnh Hà Nam, để Vương giúp chi nhánh CEFC tại Hải Nam nhận được 4,8 tỷ USD tiền đầu tư tài chính từ CDB khi ông Hồ Hoài Bang giữ chức chủ tịch ngân hàng này.
 
    Báo Thanh tra (03-8) cho biết, Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ cáo buộc Rolls Royce - Tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Anh, có công ty con của Rolls Royce ở Ấn Độ đã thông qua trung gian để hối lộ khoảng 11 triệu USD cho các quan chức của các công ty năng lượng Nhà nước Ấn Độ như: Hindustan Aeronautics Limited (HAL), Oil and Natural Gas Corporation (ONGC) và đại gia khí đốt tự nhiên GAIL, để dành được hợp đồng cung cấp phụ tùng cho các công ty này. Các cáo buộc trên được đưa ra sau một cuộc điều tra sơ bộ kéo dài 5 năm của Cục Điều tra Trung ương Ấn Độ.
 
    Thông tin đáng chú ý trong tuần:
 
    - Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người. 
 
    - Khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư về hợp tác với nước ngoài về pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
 
    - Chuẩn bị trao giải “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ 2. 
 
    - Khởi tố nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, nguyên Tổng Giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam. 
 
    - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu, Tây Ninh bị bắt khi đang nhận hối lộ.
BAN NỘI CHÍNH TRUNG ƯƠNG
 
.