Hội thảo khoa học về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020

Thứ Tư, 16/10/2019, 19:40 [GMT+7]
    Ngày 16-10-2019, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQTW của Bộ Chính trị tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ủy viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW chủ trì Hội thảo.
 
    Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương; đại diện lãnh đạo cơ quan tư pháp Trung ương, một số ban, ngành Trung ương; lãnh đạo một số Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy; các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực tư pháp và thành viên Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết.
 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
    Phát biểu khai mạc, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp là chủ trương lớn của Đảng, xác định rõ mục tiêu của Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành hiệu quả và hiệu lực cao”; đồng thời đề ra 5 quan điểm, 4 phương hướng và 8 nhiệm vụ cải cách tư pháp. 
 
    Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, Bộ Chính trị đã 3 lần tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết (sơ kết 3 năm, 5 năm, tổng kết 8 năm). Qua 15 năm năm thực hiện Nghị quyết, có thể nói công tác cải cách tư pháp đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển, bảo vệ đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, qua khảo sát 13 cơ quan, đơn vị ở Trung ương, địa phương và báo cáo tổng kết của các cấp ủy, tổ chức đảng cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần đánh giá, làm rõ, từ đó đề ra mục tiêu, quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ cải cách tư pháp trong thời gian tới.
 
    Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng, như: Đánh giá ưu điểm, kết quả sau 15 năm thực hiện Nghị quyết; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết; về yêu cầu khách quan của cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay; mục tiêu, quan điểm cải cách tư pháp giai đoạn 2020-2035; trong đó nhấn mạnh đến việc hoàn thiện chính sách pháp luật hình sự, dân sự và thủ tục tố tụng tư pháp; kiện toàn tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân và Cơ quan điều tra; về xây dựng, hoàn thiện chế định bổ trợ tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tư pháp; bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động tư pháp…
 
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW phát biểu tại Hội thảo
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW phát biểu tại Hội thảo
    Kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 49-NQ-TW đánh giá cao những ý kiến phát biểu thẳng thắn, sâu sắc, trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu dự Hội thảo; các tham luận, phát biểu đã nhấn mạnh, phân tích sâu những vấn đề như: Khẳng định ý nghĩa, giá trị to lớn, cơ bản, cốt lõi, chiến lược, đột phá của Nghị quyết số 49; qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, công tác tư pháp đạt nhiều kết quả quan trọng, nền tư pháp có bước tiến dài trong công tác bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phòng, chống tội phạm, vi phạm, phòng, chống tham nhũng, phục vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Đồng chí nhấn mạnh, thể chế, hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp được củng cố và phát triển trên cơ sở hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ; các quy tắc đặc thù của tổ chức, hoạt động tư pháp văn minh, tiến bộ trên thế giới được áp dụng trong nước, như: Nguyên tắc độc lập trong xét xử, nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc đảm bảo quyền con người, quyền bào chữa, suy đoán vô tội, tự chứng minh…; đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, tính chuyên nghiệp ngày càng được nâng cao. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra, đánh giá sâu những hạn chế, bất cập và nguyên nhân qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49. Đồng chí khẳng định, Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết sẽ nghiên cứu đầy đủ, tiếp thu tối đa những ý kiến phát biểu, tham luận của đại biểu để đưa vào Đề án tổng kết trình Bộ Chính trị trong thời gian tới.
Đặng Phước
.