Tiền Giang: Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực
Thứ Năm, 02/03/2023, 07:26 [GMT+7]
Năm 2022, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có bước chuyển biến tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật; cải cách thủ tục hành chính; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; cải cách chế độ công vụ, chuyển đổi số…
Theo đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được triển khai sâu rộng, tập trung vào cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, tăng cường phân cấp giải quyết thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Mức hài lòng chung của người dân và doanh nghiệp đối với việc giải quyết thủ tục hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ rất cao 99,38% (rất hài lòng 61,29%, khá hài lòng 25,23% và hài lòng 12,87%). Trong năm, 100% danh mục thủ tục hành chính và quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính các lĩnh vực được cập nhật, công bố công khai; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết đúng hạn đạt trên 99%.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang |
Các cấp chính quyền và cơ quan chức năng tổ chức gặp gỡ người dân và doanh nghiệp rộng khắp trên địa bàn tỉnh với 376 buổi gặp gỡ có 21.326 người dân tham dự; ghi nhận và giải quyết gần 4.000 ý kiến; góp phần giúp chính quyền cơ sở cải thiện hơn nữa công tác quản trị, hành chính công, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Trong năm 2022, toàn tỉnh đã giảm 11 đơn vị sự nghiệp công lập; lũy kế từ năm 2016 đến hết năm 2022, tỉnh Tiền Giang đã giảm được 121 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015, đạt 16,4%.
Năm 2022, tỉnh đã ban hành 24 văn bản chỉ đạo, cơ chế, chính sách liên quan đến triển khai thực hiện xây dựrng chính quyền số, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. 100% cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến xã triển khai phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; liên thông với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương qua Trục liên thông quốc gia (VDXP) và tích hợp chữ ký số. Tổng số văn bản trao đổi trên hệ thống trong năm 2022 là hơn 2,4 triệu văn bản (chiếm 21%); tỷ lệ văn bản ký số đạt trên 90%; tỷ lệ văn bản ký số cá nhân đạt 65%.
Về nhiệm vụ năm 2023, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, của Tỉnh ủy tập trung triển khai toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính nhà nước gắn với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tham mưu, triển khai các chủ trương biện pháp duy trì, cải thiện chỉ số và nâng cao chỉ số cải cách hành chính; Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh; Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023. Tiếp tục nâng cao chất lượng cải cách thể chế, thường xuyên rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc ban hành mới văn bản phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng Chính quyền điện tử, tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số; tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kịp thời cập nhật, công bố, công khai đầy đủ các quy định về thủ tục hành chính. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ số trong hoạt động của cơ quan hành chính nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính. Đồng thời, phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, tinh thần sáng tạo, năng động của cán bộ, công chức trẻ, nhiệt tình, được đào tạo bài bản trong công tác cải cách hành chính; cải thiện chất lượng thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính giữa cơ quan nhà nước với công dân, giữa các cơ quan, đơn vị với nhau, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Kim Anh