Banner

Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa họp phiên thứ nhất

Thứ Tư, 27/07/2022, 09:51 [GMT+7]
    Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức phiên họp thứ nhất. Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
 
    Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, gồm 15 thành viên, do đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban.
 
    Ban Chỉ đạo cũng đã thông qua dự thảo quy chế làm việc; quyết định phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo; dự thảo quy định về công tác kiểm tra, giám sát, chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2022 của Ban Chỉ đạo.
 
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp (ảnh báo Thanh Hóa)
    Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm với tinh thần đoàn kết của các thành viên Ban Chỉ đạo. Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự thảo các văn bản, trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành.
 
    Về nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: (1) Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (2) Quán triệt sâu sắc, đầy đủ và tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo tại các kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương và Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đặc biệt là nội dung phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. (3) Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, không lãng phí, không tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, trọng liêm sỉ, danh dự; tích cực lên án, phê phán và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (4) Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chế, quy định, quy trình, tiêu chuẩn, định mức... trên các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, đồng thời có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”; hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. (5) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong suy thoái nội bộ… (6) Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản bị tham nhũng ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và trong giai đoạn thi hành án; khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. (7) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch. (8) Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
                                                                                   Mạnh Hùng
.
.