Bộ Tư pháp: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Thứ Sáu, 08/10/2021, 07:26 [GMT+7]
    Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của Ban Bí thư, các Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch số 18-KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư trong Bộ, ngành Tư pháp. Đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Bộ Tư pháp.
 
    Tại hội nghị, Bộ Tư pháp đã quán triệt và triển khai nội dung Chỉ thị 04- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Kế hoạch 18-KH/BCSĐ của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW của Ban Bí thư trong Bộ, ngành Tư pháp; các Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và thảo luận giải pháp thực hiện hiệu quả. Hội nghị đánh giá tình hình và bàn các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong Hệ thống Thi hành án dân sự và Chương trình hành động của Tổng cục Thi hành án dân sự về phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong hệ thống thi hành án dân sự.
 
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
    Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định công tác thi hành án dân sự nói chung và công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế những năm vừa qua luôn được Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sát sao, quyết liệt, kết quả thu hồi tài sản tiếp tục có những chuyển biến, đóng góp tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Cụ thể, từ giai đoạn 2013-2020, cơ quan Thi hành án dân sự các cấp đã tích cực xác minh, xử lý tài sản để thu hồi được gần 48.000 tỷ đồng. Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi đã thi hành xong gần 23.000 tỷ đồng. Công tác phòng chống tham nhũng trong hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục được chú trọng, ngày càng được chỉ đạo quyết liệt hơn.
 
    Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã phối hợp các Bộ, ban, ngành liên quan trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế với 07 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm. Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 18- KH/BCSĐ ngày 06/8/2021 triển khai Chỉ thị 04-CT/TW trong bộ ngành tư pháp, trong đó xác định rõ 08 nhóm nhiệm vụ với 33 nhiệm vụ cụ thể và phân công trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị.
 
    Để công tác thu hồi tài sản và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án dân sự bảo đảm hiệu quả, thực chất hơn nữa trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục quán triệt, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, người đứng đầu đơn vị trong nhận thức và hành động để triển khai kịp thời, hiệu quả Chỉ thị số 04 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 18 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp, gắn với thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 05-KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
 
    Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt để ưu tiên nguồn lực, tập trung thực hiện; trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng và các nhiệm vụ phòng chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ quan, đơn vị mình; chủ động đề xuất, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW phù hợp với điều kiện, tình hình của địa phương, nhất là chú trọng nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác thu hồi tài sản.
 
    Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải trực tiếp chỉ đạo, giám sát, đôn đốc; xây dựng kế hoạch, phương án để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc. Phát huy vai trò cơ quan thường trực, chủ động báo cáo, đề xuất, tham mưu Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự nói chung, công tác thu hồi tài sản nói riêng, nhất là đối với các vụ việc phức tạp, cần sự vào cuộc của cấp ủy, sự đồng thuận của các cơ quan liên quan. Thực hiên tốt hơn, kịp thời hơn nữa trong công tác phối hợp với các cơ quan từ công tác xác minh, xử lý tài sản thi hành án đến tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cụ thể trong thu hồi tài sản.
 
    Trong công tác phòng, chống tham nhũng cần tập trung quán triệt các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng trong toàn Hệ thống Thi hành án dân sự, đề cao sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu, tập thể cơ quan Thi hành án dân sự. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện pháp luật về Thi hành án dân sự và các lĩnh vực liên quan để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn. Chủ động hơn trong truyền thông, tạo sự đồng thuận, sự quan tâm, ủng hộ của hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp đối với công tác Thi hành án dân sự nói chung và công tác thu hồi tài sản nói riêng.
                                                                                   Quỳnh Trang
.