Bạc Liêu: Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng
Thứ Hai, 02/08/2021, 06:06 [GMT+7]
6 tháng đầu năm 2021, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị với hơn 150 lượt đại biểu tham dự. Tiếp tục phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng, như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bạc Liêu, Tạp chí Văn hóa - văn nghệ Bạc Liêu, Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử...; tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, giao lưu, tọa đàm, hội thảo, mở chuyên mục, chuyên trang đưa nhiều tin, bài viết về chủ đề phòng, chống tham nhũng. Qua đó, nâng cao nhận thức, có ý thức trách nhiệm trong đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí.
Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Kế hoạch 39 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí |
Các cơ quan, đơn vị tỉnh, cấp huyện, cấp xã thực hiện công khai các hoạt động của đơn vị mình theo quy định (đạt 100%), như: Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện quy chế hoạt động; quy chế chi tiêu nội bộ; quy chế bộ phận tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; công khai dự toán thu, chi ngân sách;... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân thực hiện giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát các văn bản quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đúng với quy định và phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ định mức, tiêu chuẩn về quản lý tài chính, sử dụng tài sản công, mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị, phương tiện đi lại, lương, thưởng,...
Cán bộ, công chức, viên chức đều thực hiện nghiêm giờ giấc làm việc theo quy định; thực hiện nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác của đơn vị mình theo đúng danh mục quy định. Trong kỳ báo cáo có 58 trường hợp chuyển đổi vị trí công tác. Kết quả cho thấy, đa số cán bộ, công chức, viên chức được chuyển đổi tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm được phân công, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Thực hiện cải cách hành chính: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành 36 quyết định về việc công bố danh mục thủ tục hành chính (trong đó được chuẩn hóa 159 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung 26 thủ tục hành chính; bãi bỏ: 70 thủ tục hành chính; ban hành mới 86 thủ tục hành chính; phê duyệt 36 và bãi bỏ 22 về quy trình nội bộ). Tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp trên địa bàn tỉnh là 1.618 thủ tục hành chính (cấp tỉnh 1.298, cấp huyện 183, cấp xã 137). Kịp thời cung cấp cho tổ chức, cá nhân các thông tin về thủ tục hành chính, qua đó, góp phần hạn chế phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn được thực hiện nghiêm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Quy định số 1709-QĐ/TU ngày 14/09/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Cán bộ, công chức thuộc diện kê khai đều thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, thu nhập.
Kim Long