Thái Nguyên: Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh

Thứ Hai, 31/10/2022, 07:04 [GMT+7]
    Trong những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên được triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế như: Công tác dự báo và phân tích về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa được phát triển đồng đều, ở một số địa phương còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao...
 
    Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành văn bản số 1278-CV/TU ngày 22/9/2022 về tăng cường công tác phòng, chống tội trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm.
 
Hội nghị giao ban các cơ quan khối nội chính và khối dân vận tỉnh Thái Nguyên Quý III/2022
Hội nghị giao ban các cơ quan khối nội chính và khối dân vận tỉnh Thái Nguyên Quý III/2022
    Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm gắn với thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
 
    Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về thương lượng, hòa giải, khởi kiện, khiếu nại, tố cáo, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong quan hệ dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình… từng bước nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để người dân lựa chọn các hình thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp theo quy định của pháp luật.
 
    Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng, tiếp tục đổi mới nội dung, biện pháp tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tích cực ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) trong công tác tuyên truyền; phản ánh khách quan, toàn diện công tác phòng, chống tội phạm. 
 
    Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tội phạm, tập trung phòng ngừa, ngăn chặn đối với các nhóm hành vi bạo lực, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm con người. Nâng cao hiệu quả quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, quản lý cư trú, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; làm tốt công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện sớm những mâu thuẫn, bất ổn trong xã hội, kịp thời có biện pháp giải quyết. 
 
    Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp. Các đơn vị, địa phươngtập trung chỉ đạo, xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức quần chúng theo hướng tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ngay từ gia đình, cộng đồng dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, đặc biệt củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng của các mô hình như: “Tổ an ninh nhân dân”, “Tổ hòa giải ở cơ sở”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự gắn với cụm camera an ninh”… nâng cao ý thức, trách nhiệm của các thành viên trong mô hình để lực lượng này tham gia có hiệu quả công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.
 
    Vận động Nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, tập trung vào số người có tiền án, tiền sự, thanh thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật, người nghiện ma túy, nhất là số có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”.Xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”. 
 
    Phát huy hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tranh thủ vai trò của người có uy tín trong cộng đồng dân cư góp phần giải quyết những bức xúc, mâu thuẫn trong đời sống xã hội...
 
    Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan bảo vệ pháp luật đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ Nhân dân. Quan tâm bố trí nguồn lực, xây dựng lực lượng Công an cơ sở vững mạnh, nhất là công an xã, phường, thị trấn để chủ động nắm và giải quyết tình hình ngay từ cơ sở, sớm phát hiện các mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, hòa giải, không để phức tạp, kéo dài ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở cơ sở.
 
    Việc triển khai thực hiện chỉ đạo Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm do nguyên nhân xã hội sẽ góp phần tích cực trong công tác bảo đảm ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.  
Thanh Huyền
(Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Nguyên)
.